(vhds.baothanhhoa.vn) - Gọi thôn “tỷ phú” thì hơi quá nhưng quả thực, đã có sự giàu có vì thôn ấy có nhiều người đi làm ăn xa. Nhờ những chuyến ly hương, nhiều hộ thoát nghèo, nhà cao tầng mọc lên san sát, có nhà còn tậu thêm xe hơi hoặc "tích trữ" vài ba miếng đất…

Sau những chuyến ly hương...: Từ Thôn “tỷ phú”…

Gọi thôn “tỷ phú” thì hơi quá nhưng quả thực, đã có sự giàu có vì thôn ấy có nhiều người đi làm ăn xa. Nhờ những chuyến ly hương, nhiều hộ thoát nghèo, nhà cao tầng mọc lên san sát, có nhà còn tậu thêm xe hơi hoặc “tích trữ” vài ba miếng đất…

Sau những chuyến ly hương...: Từ Thôn “tỷ phú”…Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều ngôi nhà khang trang đã “mọc” lên ở thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ.

Bắc Sơn, Sao Vàng là 2 thôn giàu nhất, nhì ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), chủ yếu giàu lên nhờ xuất ngoại. Điển hình thôn Bắc Sơn, phong trào đi lao động xuất khẩu bắt đầu từ những năm 2015, 2016. Theo như lời trưởng thôn Bắc Sơn, ông Lê Đình Chinh, thời điểm này số người tham gia rải rác, sau này mới rầm rộ. Trung bình mỗi năm thôn có từ 10 - 15 người đi làm việc và du học tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Hiện, số lao động của thôn đang làm việc tại các thị trường này khoảng 80 người, tổng số tiền gửi về gần 30 tỷ đồng/năm. Trưởng thôn Lê Đình Chinh nhấn mạnh: “Số hộ khá giả tăng nhiều hơn cũng nhờ xuất khẩu lao động, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều hộ sắm thêm ô tô, đất cũng thêm vài ba mảnh. Nhiều hộ phát triển trang trại chăn nuôi, các công ty, xí nghiệp tư nhân ra đời…”.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Các, 34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Khuê Các ở thôn Bắc Sơn là một minh chứng. Năm 2013, anh lên đường du học tại Nhật Bản. 5 năm ở đất nước “Mặt trời mọc”, Nguyễn Văn Các không chỉ học mà còn tham gia làm thêm tại một số nhà hàng, khách sạn…, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng anh dư khoảng 30 triệu đồng. Sau khi trở về Việt Nam, bằng số vốn tích lũy và kiến thức có được, anh mở rộng quy mô sản xuất đối với cơ sở chế biến nước mắm của gia đình, đồng thời thành lập Công ty xuất khẩu lao động, mở một số nhà hàng… Tổng giá trị thu nhập của Công ty TNHH Khuê Các đạt từ 3 - 5 tỷ đồng/năm.

Không chỉ hộ gia đình nhà anh Các, những gia đình như ông Tùng, bà Khoa…, cũng đã thoát nghèo, xây nhà kiên cố nhờ xuất khẩu lao động. Hiện trên địa bàn xã Hoằng Phụ có gần 300 người đi xuất khẩu lao động, tổng thu nhập gửi về địa phương trên 100 tỷ đồng/năm.

Trở về thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống), đây là 1 trong những thôn có kinh tế phát triển mạnh nhất của xã. Thôn có 209 hộ, 798 khẩu. Hiện trong thôn có 113 người đang đi lao động xuất khẩu và làm ăn ở một số tỉnh trong nước. Tính đến thời điểm hiện nay, thôn có hơn 20 lao động đang làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 50 triệu đồng/năm.

Nói về sự “giàu có” của thôn, bà Nguyễn Thị Hồng, Bí thư chi bộ thôn Tân Giao vô cùng phấn chấn. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi thôn có đến 80-90% hộ khá giả, trong đó phần lớn giàu lên nhờ những chuyến ly hương. Bà khoe: “Thôn giờ chủ yếu nhà mái bằng, nhà tầng, nhiều nhà đã sắm được xe hơi... Làng tôi có nghề miến truyền thống, tạo sự ổn định về kinh tế nhưng bên cạnh đó, số hộ đi làm ăn xa cũng đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của thôn, xã”.

Đó là câu chuyện về gia đình chị Lê Thị Thoan có chồng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, mỗi tháng gửi về 50 triệu đồng. Nhờ nguồn tiền xuất ngoại, gia đình chị không chỉ xây được nhà mà: “Hiện gia đình đã có vài suất đất ở cả trong Nam, ngoài Bắc”. Hay như gia đình chị Bùi Thị Lương, có chồng làm đá ốp lát ở TP Đà Nẵng, thu nhập 40 triệu đồng/tháng, bản thân chị ở nhà làm mi giả. Chị nói: “Trước đây, nhà chỉ cấp 4, là hộ nghèo, cuộc sống khá vất vả. Gia đình giờ đã thoát nghèo, kinh tế ổn hơn rất nhiều”.

Sau những chuyến ly hương là thành quả của sự lao động, ở đó là sự nỗ lực để cuộc sống đầy đủ hơn, no ấm hơn. Trên bước đường dài đấy, hẳn có vui, có hạnh phúc nhưng vẫn không thể che giấu những nỗi buồn…

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có trên 95.500 người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; hiện có trên 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hàng năm số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về tỉnh khoảng 3.000 tỷ đồng. Sau khi về nước, đã có 98% số lao động có cuộc sống tốt hơn; 95% gia đình có người đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]