(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nghệ thuật truyền thống là một bộ phận cấu thành, góp phần làm đa dạng và giàu thêm sắc thái văn hóa xứ Thanh. Thế nhưng do nhiều yếu tố tác động, loại hình nghệ thuật này đang bị mai một dần. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đang cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền và sự chung tay của toàn dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan bảo tồn nghệ thuật truyền thống (Kỳ 1): Ai giữ “lửa” cho nghệ thuật truyền thống?

(VH&ĐS) Nghệ thuật truyền thống là một bộ phận cấu thành, góp phần làm đa dạng và giàu thêm sắc thái văn hóa xứ Thanh. Thế nhưng do nhiều yếu tố tác động, loại hình nghệ thuật này đang bị mai một dần. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đang cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền và sự chung tay của toàn dân.

Từ lâu Thanh Hóa đã được cả nước biết đến với nhiều loại loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này vẫn còn nhiều gian nan. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống đều do những người có tuổi nắm giữ và duy trì. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ là yêu cầu tất yếu, song cũng không phải là câu chuyện đơn giản.

Ca Trù rồi sẽ về đâu?

Xứ Thanh là một trong những cái nôi của ca trù. Trong nhiều năm về trước, nhằm giới thiệu và quảng bá nghệ thuật ca trù đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh, ngành Văn hóa Thanh Hóa mà cụ thể là Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến việc sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức khá nhiều hội thảo, hội diễn. Trung tâm còn gửi đi đào tạo lớp diễn viên trẻ đàn và hát ca trù; đồng thời mở nhiều lớp tập huấn về đàn và hát ca trù cho các hạt nhân trẻ của các huyện, thị, thành phố do nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình và một số nhạc công, ca nương trẻ đào tạo dàn dựng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thì: “Đó là khoảng mươi năm về trước. Những năm gần đây trung tâm không thể mở được lớp tập huấn nào. Khó khăn lớn nhất không chỉ nằm ở chỗ không có kinh phí để mở lớp, mà việc thu hút hội viên cũng rất khó. Bởi ca trù là bộ môn nghệ thuật bác học, ngoài niềm đam mê còn phải có năng khiếu. Hiện, người trẻ cũng ít mặn mà với ca trù mà lớp nghệ nhân ca trù xưa chỉ còn có mình nghệ nhân dân gian ưu tú Ngô Trọng Bình”.

Nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình biểu diễn đàn đáy.

Trở lại câu chuyện của nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình (từ những ngày đầu với vai trò là chủ nhiệm CLB ca trù và dân ca Thành Hạc đến CLB Hương Xưa) với những cách để gìn giữ, bảo tồn qua việc truyền dạy nghề cho đội ngũ kế cận, khiến nhiều người cảm động. Từ việc mài tông đơ trước đây, cho đến việc tự bỏ tiền túi đi tham dự các hội thi, hội diễn cụ cũng không tiếc. Và nay đã bước sang tuổi 90, sức khỏe đã giảm sút nhiều, thế nhưng cụ vẫn treo biển dạy miễn phí cho những ai có nhu cầu học ca trù, rồi thậm chí nhờ con cháu vào mạng để thông báo dạy miễn phí cho mọi đối tượng có chung niềm đam mê. Thế nhưng, tâm sự với chúng tôi, cụ không khỏi bùi ngùi: “Tôi như lá vàng ở trên cành, rụng rơi lúc nào chẳng hay. Thế nhưng những niềm trăn trở lớn nhất của tôi lúc này là tìm được đội ngũ kế cận mà khó quá. Có quá ít người tìm đến bộ môn này”.

Nghệ thuật truyền thống đứng trước nỗi lo

Không chỉ có ca trù, tuồng xứ Thanh cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Đã qua thời đêm đêm tiếng trống tập tuồng rộn rã khắp làng quê, người dân đến xem đông chẳng khác gì đi xem các buổi biểu diễn chính thức. Có những vở tuồng diễn đi, diễn lại vẫn đông khán giả. Hiện nay số lượng CLB tuồng được duy trì và hoạt động thường xuyên như CLB Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn bộ môn nghệ thuật truyền thống chèo thì xảy ra tình trạng hiếm về nguồn nhân lực trẻ đam mê học các loại nhạc cụ dân tộc như nhị, sáo, nguyệt…Thậm chí số thí sinh đăng ký thi và học tại khoa dân tộc, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa cũng rất hiếm. Chính vì vậy, không chỉ khó khăn ở các CLB, mà các đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh cũng khó khăn trong việc tuyển chọn những nghệ sỹ trẻ. Nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh hầu như khó khăn trong việc tìm kiếm gương mặt nghệ sỹ trẻ, có tâm huyết và cả tài năng để dàn dựng tác phẩm. Đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi trong khi tài năng trẻ ngày càng khan hiếm.

Biểu diễn ca Trù. (Ảnh: Trần Đàm)

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng - người mà gần như gắn cả cuộc đời mình với từng Trò Xuân Phả vừa được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không khỏi trăn trở, lo lắng khi người biết cầm trống (là một trong hai yếu tố cấu thành trò diễn) hiện chỉ có nghệ nhân Hùng và cụ Đỗ Đình Tạ đã bước sang tuổi 82 là có thể gõ được trống. Theo ông Hùng, để đánh được trống thì đòi hỏi ngoài niềm đam mê, tâm huyết, còn phải thuộc các điệu múa.

“Mấy năm nay, bản thân tôi vừa là lãnh đạo xã, quản lý, là người tổ chức thậm chí là đạo diễn, công việc cũng bận nên muốn giao cho một số người trong đội tập và biết đánh trống ít nhất hai điệu múa, nhưng rồi cũng chẳng ai học được” - ông Hùng không khỏi trăn trở.

Cùng chung tâm sự, ông Nguyễn Hồng Chi - Chủ nhiệm CLB Chèo Bút Sơn (Hoằng Hóa) lo lắng cho biết: Để có thể đào tạo một thành viên có thể tự tin đứng hát, biểu diễn trên sân khấu, hát cho say lòng khán giả ở dưới cũng cần thời gian vài năm, đó không phải là chuyện dễ dàng khi ngày càng hiếm lớp trẻ tham gia.

Ông Chi cho biết thêm: Trong thời gian tới, CLB dự định sẽ mở lớp truyền dạy cho những người trẻ tuổi có đam mê. Tuy nhiên việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ không phải dễ dàng nếu như không có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng.

Từ thực tế hiện nay cho thấy, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật truyền thống xứ Thanh đang đứng trước nhiều khó khăn, dongày càng có nhiều loại hình giải trí mới. Ngay những người từng yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống thì giờ đây cũng không còn như xưa. Một bộ phận lớn khán giả trẻ dường như quay lưng với các bộ môn nghệ thuật này. Thậm chí còn có thể thấy ở sự thờ ơ của một số lãnh đạo, cán bộ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống này.

Đã đến lúc việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống tại Thanh Hóa không thể chần chừ thêm nữa…

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]