(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Phòng học ẩm ướt, bàn ghế cũ xộc xệch, trường học thiếu sân chơi, thiếu phòng học... là những khó khăn đối với giáo viên, học sinh ở các trường điểm lẻ ở huyện miền núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan những điểm trường lẻ vùng cao

(VH&ĐS) Phòng học ẩm ướt, bàn ghế cũ xộc xệch, trường học thiếu sân chơi, thiếu phòng học... là những khó khăn đối với giáo viên, học sinh ở các trường điểm lẻ ở huyện miền núi.

Còn nhiều gian khổ

Chúng tôi trầy trật vật lộn với những núi cao, sông rộng để đến với điểm trường khu Phá của Trường Tiểu học Tam Văn tại bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh. Bản Phá thuộc vùng 135, có 101 hộ nhưng có tới 39% là hộ nghèo. Kinh tế khó khăn nên cơ sở vật chất ở điểm trường này còn sơ sài cũng là điều dễ hiểu. Điểm trường lẻ này có 5 lớp học, 37 học sinh, nhưng 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp, có 2 phòng học bằng gỗ lợp tạm bằng lá cọ.

Điểm khu Lót của Trường Tiểu học Tam Văn tại bản Lót cũng không khác là bao. Bản này cũng thuộc diện 135, có 89 hộ dân thì có tới 42% là hộ nghèo, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Năm học 2016 - 2017, điểm trường bản Lót có 36 học sinh ở 5 lớp, 3 phòng học đã xuống cấp nặng nề.

Khu Năng Cát của Trường Tiểu học Trí Nang, cách trung tâm xã Trí Nang 12 km cũng còn nhiều nan giải. Nơi đây có 5 lớp học với 61 học sinh, trong đó có 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp, 2 phòng học làm bằng gỗ lợp lá cọ. Điểm lẻ của Trường Mầm non Trí Nang ở bản Năng Cát cũng phải chịu nhiều thiệt thòi khi mà cơ sở vật chất ở đây còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng những năm qua, những cán bộ, giáo viên ở đây vẫn duy trì được các cháu nhỏ đến lớp. Năm học 2016 - 2017, điểm trường mầm non này duy trì được 3 lớp học, gồm 1 lớp trẻ và 2 lớp mẫu giáo với 57 học sinh.

Khu Cơn của Trường Tiểu học Yên Thắng 2, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh là khu xa trung tâm xã Yên Thắng, thuộc vùng 135 của Chính phủ, đường đi lại khó khăn. Cơsở vật chất còn thiếu thốn nhiều, học sinh còn phải học ở nhà tranh tre tạm bợ. Cả khu có 3 lớp học với 24 học sinh.

Điểm trường khu Vịn của Trường Tiểu học Yên Thắng 1 với 48 học sinh tại bản Vịn, xã Yên Thắng có 5 lớp học đang xuống cấp. Điểm trường khu Tráng của trường Tiểu học Yên Thắng 1 tại bản Tráng, xã Yên Thắng với 69 học sinh có 5 phòng học cũng đã xuống cấp.

Trường Mầm non Giao Thiện là một trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa, nằm cách trung tâm huyện Lang Chánh 20km, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Trường có 4 khu điểm lẻ thuộc vùng sâu, vùng 135 đặc biệt khó khăn, đặc biệt tại điểm lẻ khu Khụ cách trường chính là 5 Km. Tổng số học sinh ở đây là 142 cháu nhưng chỉ có 3 phòng học. Do vậy, giáo viên ở đây đành phải bố trí cho các cháu học tạm ở vòm chơi và học dồn lớp.

Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết: “Trên địa bàn của huyện hiện có các khu điểm lẻ như khu Lót, khu Cơn, khu Vịn, khu Tráng... cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trong năm học mới các xã, nhà trường đã có kế hoạch sửa chữa phòng học, mua sắm bổ sung thêm trang thiết bị cho các điểm lẻ. Đồng thời huy động người dân tham gia sửa chữa bàn ghế, quét dọn vệ sinh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho các điểm trường.

Cần lắm sự đổi thay

Chúng tôi đến nhiều điểm lẻ của Trường Mầm non Sơn Điện 1, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn. Khu Xa Mang có 2 lớp học với 23 học sinh, phòng học được người dân làm bằng tre, gỗ mái lợp ngói pro xi măng, hàng rào là những thanh tre. Đồ chơi cho các cháu cũng được người dân tận dụng những cây tre, tấm ván gỗ trên rừng để chế thành, như: cầu bập bênh, đánh đu, sân chơi... Đáng nói hơn là điểm trường này vẫn chưa cho điện lưới nên việc dạy và học thêm phần khó khăn.

Điểm lẻ khu Xa Mang của Trường Mầm non Sơn Điện 1, huyện Quan Sơn năm học mới này vẫn chưa có điện thắp sáng.

Tại điểm Na Hồ của Trường Mầm non Sơn Điện có 2 lớp học, với 28 học sinh, phòng học tại đây được người dân trong bản làm bằng gỗ, tre và lợp lá cọ. Sau bản Na Hồ là bản Sủa và bản Na Phường nằm biệt lập, chia cắt với các bản còn lại bởi con sông Luồng, muốn sang hai bản trên buộc phải đi qua 2 chiếc cầu tre bắc ngang nhánh sông Luồng. Điểm trường khu Sủa - Na Phường có 3 lớp học với 44 học sinh, phòng học được người dân bản xây dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, lá cọ. Các loại đồ chơi như: Đu quay, bập bênh được làm đơn sơ bằng gỗ, tre. Lốp xe máy, ô tô, xe đạp được các cô giáo xin từ những quán sửa xe đem về trường sơn mầu lại để làm trò chơi cho các em học sinh.

Các em học sinh ở điểm lẻ khu Sủa và Na Phường đến năm học mới vẫn chưa có đồ chơi mới.

Cô Vi Thị Chiến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Điện 1, chia sẻ: Trước năm học mới 2017 - 2018, nhà trường vẫn chưa có kế hoạch để đảm bảo cơ sơ vật chất cho việc dạy học ở các khu điểm lẻ. Vấn đề này còn phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền xã, huyện. Lớp học ở các điểm lẻ nếu có xuống cấp thì sẽ huy động người dân đến cùng khắc phục, xây dựng lại.

Tại huyện Mường Lát, hiện nay có53 điểm lẻ của các trường Tiểu học, 58 điểm lẻ của các trường Mầm non. Ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho biết: Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, về cơ bản các trường cấp 2 trên địa bàn của huyện đã có phòng học kiên cố và phòng học cấp 4. Huyện đang triển khai xây dựng hơn 60 phòng học mầm non để đưa vào sử dụng cho năm học mới theo dự án của tỉnh.

Lô Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]