Gian nan những điểm trường vùng biên
Những điểm trường mầm non, tiểu học ở các bản Cá Giáng, Cánh Cộng, xã Trung Lý (Mường Lát) nơi chúng tôi qua, còn bộn bề những khó khăn. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, con đường đến lớp của các em học sinh cũng lắm gập ghềnh, trắc trở.
Lớp học mượn của điểm trường Cá Giáng, Trường Tiểu học Trung Lý 2 tại bản Cánh Cộng, bên trong lớp học có nhiều vết nứt, thấm dột vào mùa mưa.
Gập ghềnh đường đến lớp
Để vào được các bản Cá Giáng, Cánh Cộng, chúng tôi phải đi đò qua sông Mã. Cơn mưa rả rích khiến con đường vào các bản thêm lầy lội. Tuyến đường chưa được đầu tư khiến việc đi lại của bà con các bản Cá Giáng, Cánh Cộng gặp nhiều khó khăn. Còn với các em học sinh, con đường đến trường là cả một thách thức. Thầy Phạm Văn Mùi, giáo viên điểm trường Cá Giáng, Trường Tiểu học Trung Lý 2, cho biết: "Điểm trường Cá Giáng có 5 lớp. Do có 2 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng nên nhà trường phải mượn phòng học ở bản Cánh Cộng để dạy học. Việc chia tách các lớp dẫn đến nhiều bất cập, như quãng đường các em học sinh phải di chuyển xa hơn; việc dạy học và tổ chức các hoạt động tập thể cho các em khó triển khai".
Anh Hờ A Sống, phụ huynh em Hờ Thị Sía, học sinh lớp 5, điểm trường Cá Giáng vội vã đưa con đến lớp chia sẻ: “Lớp học đến bản Cánh Cộng khiến quãng đường tôi phải đưa, đón con xa hơn. Trong khi đường nối giữa các bản chưa được đầu tư nên mùa mưa đi lại rất khó khăn. Nhiều hôm mưa lớn, đành phải cho con nghỉ học”.
Tương tự, những khó khăn về cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ Cánh Cộng và Cá Giáng trong năm học 2024-2025, đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc học sinh phải đi học xa, còn nhà trường lại không thể tổ chức ăn bán trú. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con học 2 buổi/ngày.
Cô Lò Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lý, cho biết: "Hiện tại, điểm trường Cánh Cộng có 22 học sinh. Cơ sở vật chất của điểm trường đã xuống cấp, một phòng học bị hư hỏng nặng, thấm dột... Tại điểm trường Cá Giáng có 48 học sinh, với 6 lớp nhưng do thiếu phòng học, cô trò phải mượn nhà văn hóa của bản để mở lớp. Điều đó khiến cho các hoạt động giảng dạy, vui chơi theo đặc thù không thể triển khai. Ngoài tình trạng thiếu phòng học, phòng học xuống cấp thì diện tích đất cũng hẹp, không đủ chỗ cho các em vừa học vừa chơi, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của trẻ.
Mong muốn của cô trò Trường Mầm non Trung Lý là việc sớm được đầu tư xây dựng điểm trường mới tại bản Cánh Cộng, với cơ sở vật chất đầy đủ. Việc này sẽ tạo điều kiện thực hiện dồn ghép học sinh từ bản Cá Giáng về và hướng đến tổ chức ăn bán trú cho các em, đảm bảo môi trường học tập tốt hơn.
Hy vọng trường mới!
Thầy giáo Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2, cho biết: Trường Tiểu học Trung Lý 2 còn 4 điểm trường lẻ. Trong đó, điểm trường Cá Giáng là khó khăn nhất về phòng học. Trong 2 năm học gần đây, nhà trường phải mượn phòng học ở bản Cánh Cộng để duy trì 2 lớp học.
Lớp học mượn của điểm trường Cá Giáng, Trường Tiểu học Trung Lý 2 tại bản Cánh Cộng xuống cấp.
Để giải quyết được những bất cập về thiếu phòng học, Trường Tiểu học Trung Lý 2 đã làm hồ sơ đăng ký xin được thụ hưởng từ Chương trình “Ngôi trường xanh mơ ước” theo kế hoạch thực hiện xây dựng điểm trường xanh mơ ước của Ngân hàng BIDV Thanh Hóa. Nếu được xét duyệt thì vấn đề thiếu phòng học tại điểm trường Cá Giáng sẽ được giải quyết, thầy trò không phải đi học nhờ.
Thầy Hảo thông tin thêm, đối với điểm trường chính ở bản Cò Cài, đầu tháng 11/2023, huyện Mường Lát đã có chủ trương đầu tư công trình Trường Tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý. Ngôi trường được xây dựng 2 khu nhà lớp học 2 tầng với 8 phòng học; khu nhà hành chính 2 tầng; nhà bếp; nhà bán trú 2 tầng, 12 phòng... “Khi dự án hoàn thành, nhà trường sẽ tổ chức ăn bán trú cho các em lớp 3, lớp 4, lớp 5. Đối với các em học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ học tại các điểm lẻ”.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: Do địa hình, địa bàn phân tán nên đến nay khối các trường mầm non, tiểu học, hiện còn nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện vẫn còn 30% số phòng, lớp học chưa đảm bảo kiên cố. Hệ thống phòng học bộ môn, phòng chức năng của các bậc học mới chỉ đáp ứng được 35% so với quy định...
Trước những khó khăn trên, huyện Mường Lát đã xây dựng Đề án số 06-ĐA/HU, ngày 28/12/2023 về nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mường Lát giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2030, quy mô mạng lưới trường, lớp hợp lý, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện. Trong đó, huyện ưu tiên nguồn lực tập trung xây dựng các điểm trường chính với quy mô của trường bán trú.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-10-24 10:34:00
Gala chào mừng hơn 900 tân sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa
Hỗ trợ sách cho học sinh sau bão: Để không gián đoạn hành trình đi tìm con chữ
Phát động cuộc thi tiếng Anh Toefl Primary Challenge và Toefl Junior Challenge
Hơn 150 trường đại học Việt Nam và Liên Minh châu Âu thảo luận cơ hội hợp tác
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Vẫn còn những khó khăn
Xây dựng “Trường học hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm” ở Trường Mầm non Hoằng Quỳ
Giáo viên vẫn được dạy thêm
Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó
Điểm nhấn chất lượng giáo dục của một trường huyện