Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Quan tâm, chia sẻ để bạn trẻ “đi” đúng đường
Giáo dục giới tính không phải là những hô hào khẩu hiệu hay ngăn cấm dọa nạt. Nó bắt đầu từ sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của chính bậc làm cha mẹ; sự lắng nghe của thầy cô giáo... Từ đó, bạn trẻ được trang bị những kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách chủ động.
Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên diễn ra tại Trường THCS Lý Thường Kiệt mang lại ý nghĩa thiết thực.
Có con gái đang học lớp 10 Trường THPT Hàm Rồng, chị Hà Thị Anh (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Bắt đầu từ khi cháu vào THCS, tôi đã chủ động dạy con mình việc hành xử với bạn bè cùng giới và khác giới. Tôi nói với con, hãy xem mẹ như một người bạn cùng giới, chia sẻ với mẹ những điều con băn khoăn. Muốn con cái tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ ngay cả những điều thầm kín, hãy cố gắng đối xử với con như một “người bạn”. Đó không phải sự “bằng vai phải lứa”, mà ở góc độ sẻ chia.
Cũng theo chị Hà Thị Anh, ở lứa tuổi này dù là con trai hay con gái cũng sẽ có nhiều sự thay đổi tâm sinh lý. Nếu cha mẹ dùng quyền và mệnh lệnh để bắt con mình phải thế này, thế kia thì rất dễ gây ra những phản ứng tiêu cực. Là cha mẹ, chúng ta không chỉ có trách nhiệm nuôi con khôn lớn, mà còn phải trang bị cho con những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản để con mình được phát triển toàn diện. Theo dõi những thông tin được công bố về tình trạng bạn trẻ QHTD sớm, có thai ngoài ý muốn, là một người mẹ có con ở độ tuổi đang lớn, tôi cũng vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, tôi không kiểm soát con bằng mọi cách, thay vào đó là sự quan tâm và thấu hiểu, cố gắng lắng nghe những điều con nói, đưa ra những lời khuyên phù hợp và dạy con cả những kỹ năng chăm sóc cũng như phòng vệ cần thiết.
“Mỗi gia đình sẽ có những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, khi người làm cha mẹ theo sát, quan tâm con mình đúng mức sẽ hạn chế được tối đa những tình huống đáng tiếc, trong đó có việc trẻ QHTD sớm, mang thai ngoài ý muốn. Để xảy ra tình trạng đó, tôi cho rằng có trách nhiệm lớn của cha mẹ", chị Hà Thị Anh chia sẻ quan điểm.
Còn tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, việc giáo dục giới tính cho học sinh được nhà trường chú trọng ngay từ đầu cấp. Thông qua nhiều “kênh” khác nhau, từ giờ học chính khóa (thông qua các môn học) đến chương trình sinh hoạt ngoại khóa. Giáo dục giới tính còn được xem như hoạt động định kỳ, thường xuyên.
Cô giáo Bùi Kiều Oanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, đồng thời là Tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý học đường nhà trường, cho biết: “Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh hiện có 540 học sinh ở 3 khối, các cháu đều sống xa gia đình. Vì thế ngoài việc dạy các kiến thức văn hóa thì nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý, đặc biệt là giáo dục giới tính cho học sinh. Mỗi tuần 3 buổi vào thứ 2, 4, 6, phòng tư vấn tâm lý học đường của trường đều đặn mở cửa để học sinh tìm đến chia sẻ các vấn đề đang gặp phải. Không phải lúc nào học sinh cũng sẵn sàng chia sẻ, vậy nhưng thông qua việc nắm bắt tâm lý, giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô trong tổ tư vấn đã kịp thời chủ động giúp các em tháo gỡ vấn đề. Ví dụ như những bối rối, xúc cảm tuổi học trò”.
Em Lê Hà Chinh, học sinh lớp 12E (dân tộc Thái, quê xã Thượng Ninh, Như Xuân) hiện đang học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, tâm tình: “Thông qua việc được chia sẻ với thầy cô, rồi các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện về sức khỏe sinh sản của các bác sĩ có chuyên môn, chuyên gia tâm lý, em biết được ở lứa tuổi của mình, việc nảy sinh cảm xúc với bạn khác giới là điều rất bình thường. Nhưng em tự tin khi bản thân làm chủ được xúc cảm, không để ảnh hưởng tới việc học tập”.
Các vấn đề về tâm sinh lý, giáo dục giới tính cho học sinh được Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh quan tâm.
Về các nội dung giáo dục giới tính trong trường học, Lê Hà Chinh cho biết: “Dù là nội dung môn Sinh học liên quan tới kiến thức hệ sinh sản cơ thể người hay các chương trình ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thì em và các bạn luôn trong tâm thế tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, vui vẻ. Các thầy cô và các chuyên gia có cách truyền đạt kiến thức thú vị, bổ ích. Qua đó, chúng em biết được mình cần phải làm gì để bảo vệ bản thân”.
Cuối tháng 11 vừa qua, tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) đã diễn ra chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên năm 2023. Chương trình do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với nhà trường tổ chức. Thầy giáo Nguyễn Danh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, cho biết: “Chương trình được tổ chức quy mô toàn trường với 270 học sinh ở 4 khối lớp cùng tham gia. Trước đây, thông qua các hoạt động thường xuyên hay các nội dung chương trình học đã có lồng ghép việc giáo dục giới tính cho học sinh. Tuy nhiên, để tổ chức bài bản thì đây là lần đầu tiên. Trước đây, khi nhắc đến giáo dục giới tính, rồi sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục... thì chúng ta vẫn cho rằng đó là điều gì đó tế nhị, khó nói, thậm chí ngay cả nhiều bậc phụ huynh cũng chưa hiểu hết nên thường né tránh. Song thực tế, khi được truyền thông, truyền đạt, giải thích bởi các chuyên gia, người có chuyên môn thì mới thấy đó là điều hết sức bình thường. Tôi cho rằng, chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, cần được tổ chức thường xuyên hơn”.
Liên quan tới giáo dục giới tính cho học sinh trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Phương, chuyên viên môn Sinh học Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo), nhìn nhận: “Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường được lồng ghép ở nhiều môn học khác nhau, trong đó kiến thức cụ thể, rõ ràng nhất là ở môn Sinh học. Theo đó, ngay từ lớp 8, học sinh đã bắt đầu được làm quen với các kiến thức về giới tính, về sức khỏe sinh sản (hệ sinh sản) bằng những kiến thức khoa học. Tùy mỗi khối lớp mà thầy cô giáo sẽ có cách truyền đạt khác nhau để phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Để học sinh tiếp cận những kiến thức về giới tính, về hệ sinh sản trên tinh thần khoa học... thì thầy cô giáo bộ môn đóng vai trò quan trọng. Phải làm thế nào để các em học tập với tâm thế yêu thích, chủ động để từ đó thấy được sự cần thiết, bổ ích của kiến thức chứ không phải né tránh, ngại ngùng”.
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2023-12-08 08:31:00
Thầy giáo vùng cao năng nổ, nhiệt huyết
Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Nhìn từ thực tế
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Thúy Sơn
Vẫn còn khó khăn khi thực hiện hướng dẫn mới về môn tích hợp
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Tiếp tục hay dừng?
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãi
Thăm Làng học sinh Mường Lát
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Bình mới, rượu cũ?
Sự học ở Suối Tôn
Tinh thần khuyến học