(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho học sinh (HS) nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong trường học

Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho học sinh (HS) nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong trường họcCô, trò Trường THCS Đa Lộc tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm).

Là địa phương có Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm), Khu Di tích đền Đức Thánh Cả, vì vậy ngoài truyền thụ kiến thức văn hóa theo chương trình giáo dục chính khóa, Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc) luôn coi trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa qua các hoạt động ngoại khóa.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc cho biết: Để HS hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa - lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nhiều chủ đề khác nhau như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Đặc biệt, trường đã lựa chọn Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm làm địa điểm để tổ chức lễ kết nạp đoàn cho HS hằng năm và nhiều hoạt động khác của đoàn trường. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp HS hiểu sâu sắc hơn truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương. Đồng thời, nhắc nhở các em giữ gìn và phát huy truyền thống, nỗ lực học tập, rèn luyện đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Em Đoàn Huyền Trang, HS lớp 9A Trường THCS Đa Lộc chia sẻ: "Em cũng như các bạn trong trường thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã cũng như trong tỉnh do nhà trường tổ chức. Em rất tự hào khi được sinh ra trên quê hương Đa Lộc - nơi có Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm. Đây là địa danh mà các thầy, cô luôn nhắc nhở chúng em phải biết trân quý và giữ gìn để phát huy truyền thống cách mạng của quê hương. Em hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân có ích cho quê hương, đất nước”.

Tương tự, trên địa bàn xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) có các điểm lịch sử như: Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường, Đài chiến thắng trận đầu hải quân Nhân dân Việt Nam, Đồi 82 - nơi trận địa các cụ lão dân quân bắn rơi máy bay Mỹ. Đây đều là những “địa chỉ đỏ” giúp các thế hệ trẻ hiểu được những năm tháng chiến tranh mà cha ông đã chiến đấu, hy sinh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Theo đó, trong chương trình học, Trường THCS Hoằng Trường đã lồng ghép, tổ chức cho các em HS đến thăm Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, nghe những câu chuyện lịch sử về chiến công hào hùng của các lão dân quân đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để các em hiểu rõ truyền thống cách mạng của quê hương; từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Được biết, từ sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục, ngay từ đầu năm học, các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đều xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên giảng dạy, tiến hành lồng ghép việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương cho HS thông qua các môn học chính khóa như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... Đồng thời, tổ chức các buổi học ngoại khóa tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương.

Theo thống kê, mỗi năm các trường trên địa bàn huyện tổ chức cho khoảng 6.000 HS, giáo viên, phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn như: Bảng Môn Đình - nơi thờ 12 vị đại khoa của xã Hoằng Lộc; Đài chiến thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam; chùa Bụt, Hòn Bò, xã Hoằng Trường; đền thờ Tô Hiến Thành, xã Hoằng Tiến...

Có thể thấy, phương pháp giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm ngày càng được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng; gắn nội dung bài học với lịch sử địa phương, giúp giờ học trở nên hào hứng, HS chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức vốn gần gũi, gắn bó với chính mảnh đất các em sinh ra và lớn lên. Theo đánh giá của các nhà trường, hoạt động bổ ích này không chỉ giúp HS hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa địa phương, qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]