(vhds.baothanhhoa.vn) - Tát học sinh, cắt tóc học sinh trong giờ học..., những sự việc ồn ào trong thời gian vừa qua được xem là bài học kinh nghiệm đối với người đứng trên bục giảng. Tất nhiên, nếu lấy đạo đức nghề nghiệp để làm thước đo thì chắc chắn thái độ, hành vi này đã đi quá xa...

Bài học kinh nghiệm về tình huống sư phạm

Tát học sinh, cắt tóc học sinh trong giờ học..., những sự việc ồn ào trong thời gian vừa qua được xem là bài học kinh nghiệm đối với người đứng trên bục giảng. Tất nhiên, nếu lấy đạo đức nghề nghiệp để làm thước đo thì chắc chắn thái độ, hành vi này đã đi quá xa...

Bài học kinh nghiệm về tình huống sư phạmCô giáo Lưu Thị Khoa trao đổi với học sinh.

Hơn 20 năm trong nghề, cô giáo Lưu Thị Khoa ở Trường THCS và THPT Thống Nhất (Yên Định) đã đi qua nhiều tình huống khó xử giữa giáo viên và học sinh. Mỗi tình huống muôn hình muôn vẻ. Mỗi tình huống là một thử thách. Nhưng như chia sẻ của cô giáo Khoa, có đối diện với tình huống, mới có thêm kinh nghiệm trong ứng xử với học trò, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp...

Nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm, cô giáo Lưu Thị Khoa dường như vẫn còn bộn bề cảm xúc. Giờ Ngữ văn, khi chị đang giảng bài, một học sinh ngồi dưới lớp nghịch ngợm, thiếu tập trung. Nhắc nhở nhiều lần, học sinh này vẫn phớt lờ thậm chí còn cười đùa, nói to hơn như thách thức. Cô giáo Khoa kể lại: “Đến lúc không kiềm chế được nữa, tôi đập bàn, quát: Nếu em không học thì ra ngoài ngay. Giữa sự ồn ào của lớp học, giọng học sinh này vang lên: Tao không thích im đấy, đứa nào làm gì được tao. Tôi đã lặng người một lúc khi nghe câu nói ấy. Cố giữ bình tĩnh, tôi hỏi cả lớp: Em nào vừa nói đứng dậy. Nhưng không ai trả lời. Tôi vẫn nhẹ nhàng: Tôi hỏi em nào vừa nói, tôi cho một cơ hội đứng dậy tự nhận lỗi. Lần này vẫn không ai lên tiếng. Tôi nói với lớp: Xin lỗi các em, tôi không thể tiếp tục dạy tiết học này. Phần còn lại của giờ học, tôi yêu cầu lớp tự sinh hoạt”.

Diễn biến của câu chuyện sau đó, khi vào cuối giờ học, học sinh gây lỗi đã đứng lên nhận lỗi, xin lỗi. Không trách mắng, không nhắc lại thái độ của học sinh trước lớp nhưng cô giáo Khoa đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh viết bản tường trình và bản kiểm điểm. “Đấy là câu chuyện, có lẽ không bao giờ tôi quên được. Buồn nhưng rất may, học sinh cũng đã nhận ra lỗi”. Cô giáo Khoa nói. “Mừng hơn nữa, tôi đã kiềm chế được cảm xúc. Trong lĩnh vực giáo dục, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải đối diện với một số tình huống sư phạm nan giải. Quan trọng, cần xử lý khôn khéo để không mất hình ảnh trong mắt học sinh đồng thời còn khiến học sinh học hỏi được nhiều điều”.

Những xung đột xảy ra trong môi trường sư phạm, điều này không thể tránh khỏi. Nhưng rõ ràng, những tình huống sư phạm không giống nhau thì cách giải quyết chắc chắn sẽ khác. Tuy nhiên, đích cuối cùng, là phải tạo được sự gần gũi, cảm thông và sẻ chia giữa thầy và trò. Nếu đẩy câu chuyện đi quá xa, thậm chí có những ứng xử không chuẩn mực thì xem như đó là một thất bại của người đứng trên bục giảng. Câu chuyện của cô giáo Lương Thị Lệ, Trường PTDT nội trú - THCS Lang Chánh (Lang Chánh) được xem như một tình huống “khó đỡ”. Một tình huống mà không phải giáo viên nào cũng dễ gặp.

Bài học kinh nghiệm về tình huống sư phạmHọc sinh Trường PTDT nội trú - THCS Lang Chánh hưởng ứng ngày hội đọc sách.

Ở Trường PTDT nội trú - THCS Lang Chánh, học sinh chủ yếu là dân tộc thiểu số. Xa nhà, các em hoàn toàn phải sống tự lập. Nhưng bên cạnh đó, các thầy, cô giáo trong trường luôn được các em xem như bố, mẹ, cùng quan tâm, giúp đỡ trong mọi vấn đề, tình huống... Đặc biệt, đối với học sinh lớp 6 mới vào trường, có rất nhiều tình huống, đôi khi khiến giáo viên bối rối, dở khóc, dở cười. Đã có rất nhiều kỷ niệm với cô giáo Lương Thị Lệ. Theo chị, khó nhất và thực sự cũng không lường trước được tình huống với các em lớp 6, nhất là học sinh nữ. Cô giáo Lệ nhớ lại: “Có lần, tôi gọi một học sinh đứng dậy để trả lời câu hỏi về bài học nhưng em vẫn ngồi, không nói gì. Gặng hỏi mấy cũng vẫn chỉ ngồi và im lặng. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ bình tĩnh. Hết giờ, tôi xuống gặp riêng học sinh đó. Em ngập ngừng nói: Cô ơi, em đến ngày mà không có băng vệ sinh. Thực sự, tôi cũng có bối rối một chút. Sau đó, chính tôi là người đi mua băng vệ sinh cho học trò đó”.

Trở lại với 2 câu chuyện cùng xảy ra trong tháng 3-2023. Câu chuyện thứ nhất, thầy giáo tát nhiều học sinh trong giờ học, chuyện xảy ra ở một trường liên cấp tại TP Thanh Hóa. Câu chuyện thứ 2, cô giáo lấy kéo cắt tóc một học sinh THPT trước lớp tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hành động phản cảm, đi ngược với quy định và đạo đức nhà giáo. Vẫn biết, hành động đó, cũng xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng và mong cho học sinh tốt hơn. Nhưng trước thái độ của học sinh nên giáo viên đã không kìm chế được cảm xúc. Sự quan tâm đã thành thái quá và đi quá xa...

Một số nghiên cứu về cách ứng xử sư phạm đã cho thấy, hiện tượng quát mắng, sỉ nhục, miệt thị học sinh, thậm chí dùng bạo lực là do đã được một số giáo viên chuyển sang từ cách giải quyết các mâu thuẫn cá nhân đời thường. Vì vậy, trong giáo dục phải tôn trọng học sinh, hướng đến các phương pháp là chủ yếu. Rèn luyện nâng cao năng lực xử lí tình huống sư phạm là rèn luyện toàn bộ nhân cách của người giáo viên.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]