(vhds.baothanhhoa.vn) - Rất nhiều câu chuyện cảm động ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) khi mà ở đây, mỗi giáo viên thường kiêm luôn vai trò như người cha, người mẹ, thậm chí kiêm luôn “bác sĩ”...

Chuyện ở ngôi trường chuyên biệt

Rất nhiều câu chuyện cảm động ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) khi mà ở đây, mỗi giáo viên thường kiêm luôn vai trò như người cha, người mẹ, thậm chí kiêm luôn “bác sĩ”...

Chuyện ở ngôi trường chuyên biệtHọc sinh Trường THCS DTNT Lang Chánh trong giờ giải lao.

Thầy, cô như bố mẹ ở nhà

Đến lúc này, La Thị Thanh Phương, học sinh lớp 9B Trường PTDTNT Như Xuân (Như Xuân) vẫn chưa quên được câu chuyện xảy ra cách đây gần một năm về trước, khi đấy em đang là học sinh lớp 8B. Vào lúc 2h sáng một ngày tháng 10-2021, Thanh Phương bị đau bụng dữ dội, thầy, cô trực cùng nhân viên y tế nhà trường đã đưa em sang Bệnh viện Đa khoa huyện để khám bệnh. Kết quả, em bị sán lá gan. “Khi bị bệnh, không có người thân bên cạnh, thường có cảm giác tủi thân. Nhưng ở trường, tình cảm của thầy, cô như bố mẹ ở nhà, gần gũi, ấm áp. Hôm em bị bệnh, thầy, cô lo lắng, túc trực, động viên nên em cũng thấy yên tâm hơn”, học sinh La Thanh Phương nhớ lại.

Thanh Phương là một học sinh nghèo. Việc điều trị của em sau đó ở Hà Nội, đã có sự quyên góp, ủng hộ của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường PTDTNT Như Xuân.

Em Lữ Như Quỳnh, học sinh lớp 7A Trường THCS DTNT Lang Chánh (Lang Chánh) được xem là một học sinh đặc biệt. Nhà em ở xã Yên Khương, cách trường 40km. Vào năm học lớp 6, khi bắt đầu học tại ngôi trường này, Quỳnh luôn khóc và đòi về. Sau gần 2,5 tháng em mới nguôi nỗi nhớ nhà. “Em chưa bao giờ phải xa gia đình nên khi vào đây học, ăn, ở tại trường khiến em rất nhớ bố mẹ. Em đã khóc rất nhiều. Được sự động viên của bạn bè đặc biệt là của các thầy, cô, luôn tìm cách để em được vui, chăm sóc, bảo ban nên em đã vượt qua, tập trung cho việc học...”, học sinh Lữ Như Quỳnh chia sẻ.

Một tháng về nhà một lần, nỗi nhớ nhà, những khoảng trống trong lòng chỉ thực sự được khỏa lấp khi các em luôn nhận được tình yêu thương từ những người, thầy cô của mình. Từ tiếp cận đến làm quen với môi trường học tập mới để trường như ngôi nhà thứ 2, thầy cô như người thân là cả một hành trình. Vượt khó, những người đứng trên bục giảng trong vai trò vừa dạy chữ vừa chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và hơn thế...

Tình thương và trách nhiệm

Trường PTDTNT Như Xuân có 240 học sinh trong đó có 146 học sinh nội trú. Theo lịch phân công trực thì 3 giáo viên/1 ngày đêm, mỗi giáo viên trực 1 lần/tuần. “Có những đêm phải thức trắng vì học sinh đau bụng, sốt... Nhân viên y tế ở gần trường, sang để làm công tác sơ cứu ban đầu, trường hợp nặng hơn thì đưa đến trạm y tế hoặc bệnh viện huyện. Thường, sau ca trực, giáo viên chỉ được ít thời gian về nhà, sau đó, nếu có tiết dạy thì phải đến trường luôn nên cũng khá vất vả”, giáo viên môn Toán Phạm Thị Hải Hoàn, cho biết.

Đầu năm 2022, thời điểm dịch CVID-19 đang bùng phát mạnh, Trường PTDTNT Như Xuân từng là ổ dịch của huyện nhà. Nhà trường khi đó thành “bệnh viện” còn thầy, cô giáo thành nhân viên y tế. Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT Như Xuân, Lê Hoàng Lan nhớ lại: “Đó là những tháng ngày không thể quên của nhà trường. Phần lớn ở đây học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm, các em lại sống xa nhà nên trách nhiệm đặt ra với nhà trường rất lớn. Thời điểm nhà trường thành ổ dịch, giáo viên vừa test cho học sinh vừa tiếp tế đồ ăn cho các em...”.

Còn trong ký ức của thầy giáo Nguyễn Khắc Kiên, giáo viên môn Hóa kiêm Tổ trưởng Tổ Quản lý nội trú Trường THCS DTNT Lang Chánh thì có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt 16 năm công tác tại đây, nhớ nhiều vẫn là kỷ niệm với học sinh lớp 6. Anh kể: “Học sinh lớp 6 mới vào trường, phần lớn chỉ có khóc và trốn về. Tôi nhớ, có lần các thầy cô phải chia ra các ngả đi tìm học sinh. Lúc thấy được thì có em đang đi bộ dọc đường, có học sinh thấy thầy, cô lại trốn theo đường ruộng hoặc chạy lên đồi, thuyết phục mãi các em mới chịu quay lại... Vì nhà trường không có bộ phận chuyên trách quản lý học sinh nên giáo viên phải kiêm nhiệm, rất vất vả”.

Ở ngôi trường chuyên biệt, mỗi giáo viên kiêm nhiều việc, luôn nỗ lực vượt khó để là chỗ dựa ấm áp cho học sinh khi xa nhà, để trường là nhà, thầy, cô là người thân... Tôi lại nhớ đến tiếng kẻng báo hiệu giờ đi ngủ, những giáo viên trực ở trường dân tộc nội trú lại đến từng phòng học sinh trong ký túc xá kiểm tra con số. Một đêm, có thể là giấc ngủ tròn hoặc cũng có thể lại là đêm thức trắng...

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]