(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm dạy ở Trường Mầm non (MN) Nga Thái, đến 2007, cô giáo Trịnh Thị Oanh (sinh năm 1980) được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường MN Nga Điền. Đến tháng 8-2013, chị chuyển về Trường MN Nga An làm Hiệu trưởng. Và tháng 11-2014 lại quay trở về quê nhà, Trường MN Nga Thái (cùng ở huyện Nga Sơn). Chị nói vui với chúng tôi: “Đi để trở về”.

Gặp cô hiệu trưởng “hết lòng với trẻ”

Sau 5 năm dạy ở Trường Mầm non (MN) Nga Thái, đến 2007, cô giáo Trịnh Thị Oanh (sinh năm 1980) được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường MN Nga Điền. Đến tháng 8-2013, chị chuyển về Trường MN Nga An làm Hiệu trưởng. Và tháng 11-2014 lại quay trở về quê nhà, Trường MN Nga Thái (cùng ở huyện Nga Sơn). Chị nói vui với chúng tôi: “Đi để trở về”.

Gặp cô hiệu trưởng “hết lòng với trẻ”Cô giáo Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga Thái (người ngồi giữa) dự một tiết học của lớp trẻ 4 tuổi.

7 năm đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường MN Nga Thái, chị Oanh cho biết: "Để nâng cao chất lượng giáo dục trong trường, trước hết mình phải nắm bắt được khả năng, năng lực của giáo viên để phân công nhiệm vụ. Từ đó sẽ biết được ai hạn chế ở điểm nào để bồi dưỡng. Ban đầu nhiều người, dù chỉ nói phía sau không đồng tình về sự thay đổi vị trí của các giáo viên, nhưng tôi không làm điều đó vì sự yêu ghét cá nhân. Tôi chỉ mong muốn xây dựng một môi trường đạt chất lượng dạy học và có đầy đủ cơ sở vật chất tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện”. Đồng thời chị xây dựng, đề cao nền nếp, kỷ cương trường lớp học; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; tham mưu cho chính quyền địa phương nhập hai khu của nhà trường làm một và mở rộng khu trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho con em...

Sự thay đổi ấy nhanh chóng nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Trước đây, nhiều giáo viên đủng đỉnh, 7h30 phút cũng chưa có mặt, bê trễ công việc. Sau một thời gian ngắn, tất cả giáo viên đã đến trước 7h để đón học sinh; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng được nâng lên rõ rệt. Phụ huynh nhận thấy những thay đổi ấy, tin tưởng đưa con đến trường đúng độ tuổi.

Cô giáo Oanh nhớ lại: "Những ngày làm việc ở Trường MN Nga Điền là quãng thời gian vất vả nhất với tôi. Ngày đấy hiệu phó cũng không có phụ cấp trách nhiệm. Con nhỏ, chồng làm việc tự do, lương 900.000 đồng/tháng, áp lực công việc, rồi quãng đường 7km từ nhà sang Nga Điền khó khăn. Tôi đã đi vào TP Hồ Chí Minh định tìm kiếm cơ hội khác. Nhưng nhớ nghề, nhớ bọn trẻ, tôi thầm nghĩ: Mọi người sống được mình cũng phải sống được”.

Có lẽ chính sự quyết tâm ấy đã trở thành động lực thôi thúc cô giáo Trịnh Thị Oanh luôn phấn đấu, nỗ lực hết sức dù ở môi trường nào. Từ Trường MN Nga Điền, sang Nga An rồi Nga Thái, lúc nào chị cũng là người khơi nguồn, đi đầu trong mọi phong trào. Khi là Hiệu phó chuyên môn Trường MN Nga Điền, chị đã bắt tay ngay vào việc xây dựng môi trường giáo dục MN mới. Chị đã góp phần xây dựng ngôi trường này trở thành trường chuẩn quốc gia. Về Nga An, lúc đó trường đứng tốp cuối trong số các trường MN của huyện. Như một người khai hoang, chị đã được các phụ huynh và giáo viên ghi nhận những việc mình làm.

Trở về mảnh đất quê nhà, Trường MN Nga Thái vừa thuận lợi nhưng cũng là thử thách với chị. Nhiều người tò mò, chờ đợi chị sẽ làm thế nào để thay đổi ngôi trường. Chị đã làm bằng tất cả tâm huyết của mình. Chỉ sau một năm học, chị vực dậy phong trào của ngôi trường xếp thứ 27 của huyện, trở thành trường dẫn đầu. 5 năm liên tục, nhà trường được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và các danh hiệu thi đua. Riêng năm học 2020-2021, nhà trường được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chi bộ 5 năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc và được Huyện ủy Nga Sơn tặng Giấy khen chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020. Bản thân chị cũng được tặng Giấy khen đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (2015-2020). Đặc biệt, mới đây chị Oanh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.

Gặp cô hiệu trưởng “hết lòng với trẻ”Một góc sân sáng tạo cho trẻ ở Trường Mầm non Nga Thái.

Khi được hỏi về thành tích của mình, chị cười nói: “Một cây làm chẳng nên non. Mình là người đứng đầu nên có điều kiện nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Phải khẳng định, tất cả là sự nỗ lực của cả tập thể, tôi chỉ là người hướng lái và chỉ đạo”.

Cô giáo Trịnh Thị Oanh chia sẻ: "Trong lúc giáo viên MN còn gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, chỉ có tình yêu nghề mới níu chân các cô giáo MN ở lại. Tôi từng nói với giáo viên của mình, cô giáo MN vừa là nghệ sĩ, bác sĩ, ca sĩ, vừa là cô giáo, là người mẹ hiền. Để trở thành cô giáo tốt, ngoài phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, các mối quan hệ giữa gia đình nhà trường và xã hội, thì chính tình yêu nghề, yêu trẻ để trẻ yêu mình mới là thước đo”.

Câu chuyện của cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Oanh đã giúp tôi hiểu rằng, khi đứng ở vai trò đầu tàu chỉ đạo và điều hành, nếu không có được sự đồng tình của giáo viên, sự ủng hộ của phụ huynh, chắc chắn chị không thể nhiệt tâm làm việc và cống hiến. “Tôi lúc nào cũng chỉ muốn cống hiến, cống hiến hết mình cho nghề và đặc biệt vì những mầm xanh tương lai. Hiện nay đời sống giáo viên đã có nhiều thay đổi, đỡ vất vả hơn nhiều, xã hội cũng dần nhìn nhận đúng vai trò của các cô giáo MN, đó là điều mà không chỉ riêng tôi, các cô giáo MN đều cảm thấy hạnh phúc để sẵn sàng hy sinh và phấn đấu”, chị Oanh tâm sự.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]