(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với việc thiếu kinh phí và quỹ đất dành cho môn giáo dục thể chất (GDTC) trong các nhà trường, hiện nay, việc thiếu và yếu về sân chơi bãi tập, đồ dùng dụng cụ, sự nghèo nàn trong nội dung dạy và học... đang khiến cho bộ môn GDTC không gây hứng thú và hiệu quả giáo dục còn thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục thể chất trong trường học: Còn nhiều khó khăn

Cùng với việc thiếu kinh phí và quỹ đất dành cho môn giáo dục thể chất (GDTC) trong các nhà trường, hiện nay, việc thiếu và yếu về sân chơi bãi tập, đồ dùng dụng cụ, sự nghèo nàn trong nội dung dạy và học... đang khiến cho bộ môn GDTC không gây hứng thú và hiệu quả giáo dục còn thấp.

Sau khi được công nhận trường chuẩn Quốc gia vào năm 2010, đến nay, Nhà đa năng phục vụ cho hoạt động GDTC của Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương) đã xuống cấp nghiêm trọng, mái dột, sơn mốc thấm, sàn bong tróc, tường ngấm nên mọc rêu, hệ thống cửa bằng khung nhôm kính đã vỡ và hư hỏng nhiều, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động GDTC còn thiếu và yếu... hàng năm nhà trường có tu sửa nhưng vẫn chỉ ở mức có thể sử dụng tạm do thiếu kinh phí. May mắn có đủ quỹ đất dành cho sân bãi phục vụ cho hoạt động GDTC, tuy nhiên do sử dụng nhiều năm, sân bãi bị xuống cấp nghiêm trọng, lầy thụt khiến cho những ngày trời mưa, hàng tuần sau sân vẫn chưa khô để đưa vào sử dụng.

Một vấn đề khác khiến cho hoạt động GDTC ở Trường THPT Quảng Xương 1 gặp nhiều hạn chế là do học sinh đông, sân bãi không đảm bảo trong khi đó khu vệ sinh chật hẹp, khu phòng thay đồ dành cho GV và HS sau mỗi giờ hoạt động thể chất không có khiến cho GV và HS rất bức xúc.

Để khắc phục tình trạng trên, thầy giáo Lê Văn Dỵ - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 cho biết: Do tính cấp bách về vấn đề sân bãi tập, hạ tầng phục vụ cho hoạt động GDTC, nhà trường đang tiến hành xây dựng khu vệ sinh, khu phòng thay đồ GV và HS, tiến hành đổ bây cho 10.000m2 sân bãi tập, tuy nhiên nguồn kinh phí hoàn toàn phải nợ nhà thầu. Vì vậy, nhà trường rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, của ngành và các mạnh thường quân để nhà trường tạo dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động GDTC, nâng cao chất lượng GDTC đồng bộ và tương xứng với chất lượng giáo dục chuyên môn của nhà trường, đồng thời nỗ lực xây dựng Trường THPT Quảng Xương 1 trở thành đơn vị anh hùng của ngành giáo dục.

Khuôn viên nhiều trường hẹp, học sinh kết hợp sân chơi và sân tập làm một.

Cùng chung những khó khăn do nhà đa năng xuống cấp, thiếu hạ tầng và đồ dùng dụng cụ phục vụ cho hoạt động GDTC, thầy giáo Nguyễn Quốc Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 (huyện Triệu Sơn) cho biết: Phần lớn các trang thiết bị, đường chạy, sân bãi phục vụ cho hoạt động GDTC của nhà trường chỉ dừng lại ở mức tối thiểu nên GV luôn cảm thấy chưa an tâm cho sự an toàn và chất lượng giáo dục môn học này trong nhà trường.

Do thiếu sân tập, Trường THPT Triệu Sơn 3 (huyện Triệu Sơn) buộc phải kết hợp sân chơi và sân tập làm một. Khi sân chơi trở thành sân tập TD -TT thì các môn như nhảy xa, nhảy cao, đẩy tạ, ném bóng... rất khó áp dụng vào dạy trong nhà trường. Nhà trường đã khắc phục bằng việc thay những hố cát nhảy bằng đệm mút. Song học sinh đã không phát huy hết khả năng trong luyện tập, đệm mút lại nhanh hỏng, việc mua sắm trang bị thì có chi phí cao. Một bất cập nữa khi sân chơi thành sân tập luyện đó là trong quá trình tập theo đúng quy chuẩn của một tiết học sẽ ảnh hưởng đến các học sinh trong lớp khác do tiếng ồn...

Thầy giáo Phạm Xuân An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 3 đề xuất: Nhà trường hiện đang thiếu diện tích để xây dựng khu sân bãi cho hoạt động GDTC đồng thời đây cũng là tiêu chí để xây dựng trường chuẩn quốc gia, vì vậy rất mong UBND huyện Triệu Sơn, Sở GD&ĐT quan tâm, cấp thêm đất để nhà trường mở rộng mặt bằng để đảm bảo sân bãi cho hoạt động GDTC và giáo dục quốc phòng trong nhà trường.

Gặp khó khăn về sân bãi, các em học sinh Trường Tiểu học Đông Tân (TP Thanh Hóa) phải luyện tập ở khu đất trống mượn tạm của thôn, cô giáo Lê Thị Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Tân cho biết: Hiện nhà trường chưa có nhà đa năng, chưa có giáo viên giảng dạy đặc thù nên các tiết học thể dục thường rất khó khăn. Để khắc phục nhà trường phải thuê sân tập hoặc mượn đất trống nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài.

Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có trên 2.000 trường học, nhưng chỉ gần 50% trường có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu cho bộ môn giáo dục thể chất và các hoạt động ngoài giờ. Điều đáng nói là, yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụgiảng dạy bộ môn giáo dục thể chất là một trong những tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, song do hạn chế về quỹ đất, nguồn vốn khiến nhiều trường đang phải nợ. Thiếu sân tập, nên ở hầu hết các trường, học sinh vẫn phải học một số môn như: chạy bộ, nhảy xa hay những bài thể dục đã giảng dạy cách đây hơn 20 năm... ở sân trường vừa bất tiện, vừa ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Có một nghịch lý là trong khi các trường thiếu không gian cho học sinh học thể dục thì nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại các địa phương chưa hoạt động tốt. Nên chăng cần có sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT và ngành Văn hóa - Thể thao để phát huy, tận dụng công năng của các công trình này phục vụ cho việc học tập GDTC của các em học sinh đồng thời có thể thí điểm trong việc thực hiện giáo dục thể chất theo hướng mở, tăng tính tự chọn cho người học, đổi mới cách dạy học, đánh giá nhằm biến môn thể dục, thể thao nhà trường thành môn học yêu thích, hát huy đúng năng lực, sở trường của học sinh.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]