(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 105) về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (trước đó là Nghị định số 06/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo), hầu hết trẻ em thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn khu vực miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ra lớp đúng độ tuổi, nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục chu đáo của nhà trường.

Hỗ trợ ăn trưa, tạo “lực đẩy” cho giáo dục mầm non

Thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 105) về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (trước đó là Nghị định số 06/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo), hầu hết trẻ em thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn khu vực miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ra lớp đúng độ tuổi, nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục chu đáo của nhà trường.

Hỗ trợ ăn trưa, tạo “lực đẩy” cho giáo dục mầm nonChính sách hỗ trợ ăn trưa góp phần thu hút HS Trường Mầm non xã Phú Nghiêm đến trường. (Ảnh chụp tháng 2-2021)

Đến thăm Trường Mầm non Phú Nghiêm (Quan Hóa) những ngày đầu tháng 5, tôi được cô giáo Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện trường có trên 174 học sinh (HS) học tại 2 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường lẻ. Những năm trước, việc huy động HS đến lớp gặp rất nhiều khó khăn, sĩ số lớp không ổn định, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường chỉ đạt 90%. Nguyên nhân là bởi đời sống người dân còn nhiều vất vả, chưa có điều kiện cho trẻ được đến lớp và ăn bán trú. Nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho HS mẫu giáo thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở bậc học mẫu giáo của nhà trường đã đạt 100%. Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Phú Nghiêm có 126 trẻ được hỗ trợ ăn trưa với tổng số tiền hơn 175 triệu đồng.

Chị Hà Thị Tú, ở bản Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm, có con học tại Trường Mầm non Phú Nghiêm, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, nguồn thu nhập chính là từ vài sào ruộng, vì vậy, việc chăm lo cho con bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày là vấn đề khó. Được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa của Chính phủ, cháu đi học đều, ăn, ngủ đúng giờ và tăng cân khỏe mạnh”.

Theo số liệu từ phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa, năm học 2020 - 2021, huyện có 2.467 trẻ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Hiện huyện Quan Hóa đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để chi trả tiền hỗ trợ học kỳ II cho các đối tượng. Việc thực hiện chính sách trên đã góp phần nâng cao tỷ lệ HS mẫu giáo ra lớp năm sau cao hơn năm trước. Trong năm học 2020 - 2021, tỷ lệ HS mẫu giáo ra lớp của huyện Quan Hóa đạt 100%.

Tại huyện Thường Xuân, 2.940 HS được hỗ trợ ăn trưa, với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Ông Lâm Tuấn Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT, cho biết: Ngay khi Nghị định 105 mới được ban hành, Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân đã chỉ đạo các trường lập danh sách trẻ trong diện được hưởng chế độ theo nghị định; phối hợp với xã, thị trấn, phụ huynh làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Phòng GD&ĐT thực hiện kiểm tra, đối chiếu và thống kê, lập danh sách trẻ mẫu giáo thuộc đối tượng quy định trong nghị định và trình UBND huyện duyệt và cấp kinh phí. Qua thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo, giáo dục mầm non ở huyện Thường Xuân đã có bước phát triển mới. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt 98%, có nhiều trường đạt tỷ lệ 100% như Trường Mầm non xã Xuân Lộc, Trường Mầm non xã Xuân Lẹ...

Hỗ trợ ăn trưa, tạo “lực đẩy” cho giáo dục mầm nonHS mầm non đến trường được chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện. (Ảnh chụp tháng 2-2021)

Thực hiện Nghị định 105, năm học 2020 - 2021, huyện Quảng Xương có 955 HS được thụ hưởng với tổng số tiền 1,017 tỷ đồng. “Trước thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến lớp mới đạt trên 80%, hiện tỷ lệ này đã tăng lên 92,5%; 100% trường mầm non tổ chức học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã tạo điều kiện huy động trẻ đến lớp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ” - bà Nguyễn Thị Quế, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 105, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các trường mầm non thực hiện. Năm học 2020 - 2021, Thanh Hóa có 33.193 trẻ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa. Nhờ chính sách này, tỷ lệ HS mẫu giáo đến trường năm học 2020 - 2021 của tỉnh đạt 95%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ từ 98% trở lên như: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thường Xuân...

Một vấn đề đặt ra, theo các quy định về đối tượng thụ hưởng của nghị định, chính sách hỗ trợ này mới chỉ dành cho các cháu mẫu giáo từ 36 - 72 tháng tuổi, còn đối với nhóm nhà trẻ dưới 3 tuổi thì vẫn chưa phải là đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là một trong những nguyên nhân tỉnh ta chưa nâng cao được tỷ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ tới lớp, nhiều huyện tỷ lệ còn thấp, ví như các huyện: Quảng Xương chỉ đạt 21%, Thường Xuân 27%, Quan Hóa 34%, Lang Chánh 46,8%...

Nhìn chung, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo, chính sách đối với giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh đã tạo bước phát triển mới đối với giáo dục mầm non. Rất mong thời gian tới, đối tượng nhóm nhà trẻ cũng sẽ được quan tâm để tăng tỷ lệ các cháu tới trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Nghị định 105 của Chính phủ quy định đối tượng áp dụng là trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập bảo đảm một trong những điều kiện: Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136 ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; trẻ em là con liệt sĩ, con anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có); trẻ em khuyết tật học hòa nhập. Mức chi trả 160.000 đồng/trẻ/tháng, thời gian hỗ trợ cho trẻ em tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]