(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là những nhà giáo nổi tiếng từ nhiều năm nay. Bằng tình thương, trách nhiệm, họ đã làm nên điều kỳ diệu trong sự nghiệp “trồng người”…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những gương mặt - những trang đời

Họ là những nhà giáo nổi tiếng từ nhiều năm nay. Bằng tình thương, trách nhiệm, họ đã làm nên điều kỳ diệu trong sự nghiệp “trồng người”…

Người thầy ngồi xe lăn

Gần 10 năm nay, cái tên Lê Tuấn Hùng đã trở nên thân thuộc với nhiều học sinh ở TP Thanh Hóa. Anh là một người thầy đặc biệt - nhà giáo ngồi xe lăn.

Những gương mặt - những trang đờiLớp học của thầy giáo Lê Tuấn Hùng.

Lê Tuấn Hùng sinh năm 1982, đã từng tốt nghiệp 2 trường đại học: Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) ngành Sư phạm Vật lý và Đại học Bách khoa (Hà Nội). 27 tuổi, anh đã nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao sau khi thành lập Công ty Tự động hóa Tân Hoàng.

Tuy nhiên, vào năm 2012, sau một tai nạn, anh trở thành người khuyết tật với chấn thương cột sống và liệt 2 chân. Những tưởng tương lai đã khép lại nhưng như phép nhiệm màu, cuộc đời và sự nghiệp của Lê Tuấn Hùng mở sang một trang mới. 3 năm sau đó, anh làm thầy giáo dạy 2 môn Toán và Lý cho học sinh THPT tại nhà, ở phố Trịnh Tráng, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa).

Gần 10 năm, anh đã ôn luyện thành công cho hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học lớn trong nước. Anh nói: “Khi tôi cận kề cái chết, ai cũng nghĩ sẽ không qua khỏi. May mắn thay tôi được tiếp tục ở lại cuộc đời này và làm những việc có ý nghĩa… Lúc đầu tôi không theo nghề giáo dù đã tốt nghiệp đại học sư phạm. Khi gặp sự cố về sức khỏe, tôi lại về với nghề. Gần 10 năm tôi dạy học với nhiều niềm vui, thành quả. Tôi không thu học phí của học sinh nghèo, khuyết tật trong lớp. Với tôi, điều quan trọng là phải tạo động lực, đam mê cho học sinh, nếu không có khát vọng sẽ khó thành công”.

Gần 10 năm ngồi xe lăn dạy học và đồng hành

là những cơn đau hành hạ nhưng thầy giáo Lê Tuấn Hùng vẫn kiên trì để nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ cho nhiều lứa học trò như anh đã chia sẻ: “Tôi được tiếp tục ở lại cuộc đời này và làm những việc có ý nghĩa…”.

Còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục với công tác xóa mù chữ

Trở lại vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), gặp nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thông, vẫn trong tôi là hình ảnh một nhà giáo gần gũi, bình dị. Khi tôi đến, bà đang ngồi đọc sách trước sân nhà.

Những gương mặt - những trang đờiNGƯT Nguyễn Thị Thông.

Năm nay, NGƯT Nguyễn Thị Thông tròn 75 tuổi. Cách đây 9 tháng, vào tháng 9-2020, bà đã dừng công việc giảng dạy ở lớp học tình thương sau gần 20 năm gắn bó. Bà cho biết: “Lớp học cuối cùng có 7 em, chủ yếu là các em khuyết tật, học sinh lớn nhất 16 tuổi. Hôm kết thúc lớp học, có một doanh nghiệp ở Hậu Lộc đã tặng cho cô và trò 4 triệu đồng để liên hoan. Tôi thưởng cho mỗi em 500 nghìn, còn lại 500 nghìn cộng với số tiền tôi góp thêm để tổ chức một buổi chia tay nho nhỏ"…

Gần 20 năm, bà đã dạy cho 147 học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi và xóa mù chữ cho 62 người lớn tuổi.

Hôm nay, nhìn lại những năm tháng đứng lớp với bao lứa học trò, trong bà vẫn còn nguyên cảm xúc. Lớp học tình thương là ngôi nhà chung cho những mảnh đời kém may mắn. Một lớp học được dạy với nhiều lứa tuổi, trình độ. Tại đây, các em sẽ được học văn hóa đến hết chương trình lớp 5.

Còn nhớ, buổi học đầu tiên, lớp học được dựng ngay lối ra vào của nhà bà giáo Thông, bàn ghế học tập là cánh cửa nhà, cửa bếp. Sau này lớp học được chuyển đến hợp tác xã và điểm học cuối cùng là tại Trung tâm học tập cộng đồng ở UBND xã Ngư Lộc.

Gần 20 năm, bà đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp sách, vở, quần áo cho lớp học tình thương để các em có cuộc sống và điều kiện học tập tốt hơn… Từ lớp học này, một số em tiếp tục học lên, tốt nghiệp THCS, THPT, đến nay đã có công ăn việc làm ổn định.

Dưới ngôi nhà chung, vẫn còn in đậm trong bà hình ảnh cậu học trò bị liệt 2 tay, 2 chân Nguyễn Văn Nguyên (SN 2005) hay người học trò bị bệnh down Nguyễn Văn Dương (SN 2000)… Tấm lòng nhân ái và sự kiên trì của bà giáo Thông đã giúp nhiều học sinh khuyết tật, đặc biệt là 2 học trò này đọc thông, viết thạo, làm toán giỏi.

Sau 35 năm công tác trong ngành giáo dục, đến khi nghỉ hưu, NGƯT Nguyễn Thị Thông vẫn tiếp tục với sự nghiệp trồng người. Cuộc hành trình gần 20 năm với lớp học tình thương, đó là một ký ức đẹp. Trong ngôi nhà nhỏ, bà đang cất giữ hàng chục tấm bằng khen của các cấp, ngành ở tỉnh, Trung ương. Riêng lá thư khen của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được bà ép plastic cẩn thận. Bà xúc động: “Tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Ngư Lộc. Trước khi lớp học kết thúc, tôi có đến từng thôn để rà soát nhưng không còn trường hợp nào chưa biết chữ. Cách đây ít hôm, có một số chị ở các xã lân cận đến xin học chữ để đọc được sách của Phật giáo, nhưng do tôi vừa ở bệnh viện về nên hẹn các chị vào dịp khác, khi sức khỏe ổn định. Còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục với công tác xóa mù”...

Nhân lên tình đoàn kết, sự sẻ chia rất lớn

Ông Lê Bá Hưng sinh năm 1943, từng có 35 năm làm giáo viên, cán bộ quản lý tại một số trường THPT ở Quảng Xương. Sau khi về nghỉ chế độ, ông tiếp tục làm công tác giáo dục với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quảng Xương từ năm 2006 - 2016. 10 năm ấy, ông đã tích cực xây dựng các tổ chức khuyến học từ thôn, xóm, xã... Như ông chia sẻ: ‘Việc học xưa nay đều có nguồn gốc từ gia đình, dòng họ, thôn làng và chính dòng họ, thôn làng là nơi gieo mầm, động viên, khích lệ cho việc học của gia đình. Phải xây dựng được phong trào cụ thể thì mới động viên, khích lệ nhà nhà, người người làm khuyến học”.

Những gương mặt - những trang đờiNhà giáo Lê Bá Hưng.

Từ phong trào, nhiều xã nghèo đã làm tốt công tác khuyến học, nhiều cách làm hay ra đời. Ông Lê Bá Hưng kể lại: “Tôi nhớ ở xã Quảng Văn, nhóm chị em hay đi lễ chùa cũng thành lập quỹ khuyến học với 100 nghìn đồng/người/tháng để khích lệ, tuyên dương chính con em họ. Còn ở xã Quảng Lợi (nay là xã Tiên Trang) lúc đấy có ông Toại, tuy tuổi cao nhưng vẫn động viên người trong thôn tham gia quỹ khuyến học, riêng bản thân ông đóng góp 50 nghìn đồng/tháng. Nay ông đã mất nhưng từ việc làm của ông đã góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học ở địa phương có bước chuyển rõ nét”.

Nêu cao tinh thần khuyến học, khuyến tài, vào năm 2012, Quỹ Khuyến học gia đình nhà giáo Lê Bá Hưng ra đời. Đây được xem là dấu ấn quan trọng cho sự tâm huyết, trách nhiệm với công tác khuyến học của một nhà giáo. Không chỉ vợ chồng ông mà cả 6 người con trai gái, dâu, rể cũng tham gia đóng góp quỹ với số tiền 500 nghìn đồng/người/tháng. 1 năm, quỹ có số tiền là 48 triệu đồng, trong đó ông dùng 30 triệu đồng đóng góp cho Hội Khuyến học huyện, còn 18 triệu đồng để khen thưởng con, cháu trong gia đình.

Và ngay cả khi không còn làm khuyến học, ông vẫn tích cực với phong trào. Đó là vào năm 2019, ông đã ủng hộ 25 triệu đồng cho Hội Khuyến học thị trấn Tân Phong và 10 triệu đồng cho Hội Khuyến học Quảng Xương. Hàng năm, gia đình ông vẫn đều đặn đóng góp cho quỹ khuyến học dòng họ, quỹ khuyến học thôn với số tiền từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/năm. Nói về những đóng góp cho phong trào khuyến học, ông cười: “Tôi làm cho vui thôi, phải thấy đó là niềm vui thì mới có động lực để làm. Khuyến học, nếu làm tốt thì sẽ nhân lên tình đoàn kết, sự chia sẻ rất lớn”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]