(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã phần nào được “gỡ khó” từ Quyết định 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 27-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 11).

Hỗ trợ vốn vay - nhìn từ Quyết định 11

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã phần nào được “gỡ khó” từ Quyết định 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 27-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 11).

Hỗ trợ vốn vay - nhìn từ Quyết định 11Cơ sở giáo dục mầm non tư thục Sơn Ca (TP Thanh Hóa) đã đầu tư thêm chiếc cầu trượt ngoài trời từ nguồn vốn vay theo Quyết định 11.

Một chính sách nhiều ưu việt

Hơn một tháng trước, chị Vũ Thụy Liên, chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục Sơn Ca ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) được vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thanh Hóa. Với số tiền này, chị đã dùng mua 2 bộ điều hòa mới và một số trang thiết bị khác phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở.

Cũng như nhiều cơ sở mầm non tư thục khác, dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất về kinh tế cho cơ sở mầm non độc lập tư thục Sơn Ca, ước tính thiệt hại gần 170 triệu đồng. Theo đó, trong thời gian nghỉ dịch, cơ sở vẫn phải trả tiền thuê nhà, hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên... Với 80 triệu đồng được vay đã phần nào giúp cơ sở ổn định hơn khi hoạt động trở lại. Chị Vũ Thụy Liên, chủ cơ sở cho biết: “Số tiền được vay không nhiều nhưng cũng đã tạo điều kiện cho cơ sở mua sắm một số đồ dùng thiết bị cho trẻ. Tôi cho rằng, đây là một chính sách có nhiều ưu việt, lãi suất thấp, thời gian vay lâu, đã góp phần gỡ khó cho các cơ sở mầm non ngoài công lập...”.

380 triệu đồng là khoản chi phí phải trang trải bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 tại cơ sở mầm non tư thục Ánh Dương ở phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Khi phải dừng hoạt động do dịch, cơ sở này vẫn hỗ trợ tiền lương cho 25 giáo viên với số tiền là 3 triệu đồng/người trong 3 tháng dịch cao điểm. Bên cạnh đó còn hỗ trợ lương cho lái xe... Với số vốn vay 80 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Nghi Sơn, cơ sở đã sửa chữa lại 2 phòng học và mua thêm một số trang thiết bị. “Đây là sự động viên cho cơ sở trong lúc khó khăn nhưng nếu được thêm vốn vay sẽ tốt hơn nữa để có thể tiếp tục bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất...”, chị Lê Thị Thủy, chủ cơ sở mầm non tư thục Ánh Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở dù đã tiếp cận nguồn vốn vay này nhưng vẫn phải trả lại số tiền đã được giải ngân bởi một số lý do.

Và câu chuyện trả lại vốn vay...

Mục đích của vốn vay là dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19; mua sắm trang thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động. Với mức lãi suất 3,3%/năm và vay tối đa trong 36 tháng là cơ hội thuận lợi để cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bù đắp những tổn thất trong thời gian nghỉ vì dịch.

Tuy nhiên, sau khi vay vốn 30 ngày, ngân hàng sẽ kiểm tra vốn vay này. Ông Nguyễn Việt Tiệp, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Nghi Sơn cho biết: “Thủ tục hồ sơ đơn giản và phòng giao dịch sẽ giải ngân trong 2-3 ngày. Nhưng theo quy định, sẽ tiến hành kiểm tra khách hàng trước, trong và sau khi vay. Sau 30 ngày, ngân hàng xuống thẩm định một lần nữa, nếu sử dụng sai mục đích sẽ thu hồi vốn. Rất mừng, trong 5 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của thị xã tham gia vay vốn thì cả 5 đều tuân thủ đúng quy định”.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có cơ sở đã phải trả lại vốn vay trong đó liên quan đến việc không xuất trình được hóa đơn tài chính. Đơn cử như cơ sở giáo dục mầm non tư thục Ban Mai ở phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa). Theo chủ cơ sở này là chị Nguyễn Thị Lý, dù đã được giải ngân để sửa chữa một số hạng mục, công trình tại cơ sở nhưng do không cung cấp được hóa đơn tài chính nên cơ sở đã trả lại vốn vay cho ngân hàng. Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Khách hàng sau khi vay vốn phải sử dụng đúng theo phương án vay vốn và chứng minh việc sử dụng vốn vay bằng hóa đơn tài chính hoặc các giấy tờ theo quy định”.

Sự ra đời của Quyết định 11 đã “gỡ khó” cho các cơ sở giáo dục, các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập. Một chính sách nhiều ưu việt được xem là nguồn động lực lớn, góp phần phục hồi, duy trì hoạt động bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho các cơ sở này.

- Theo quy định, đối với một cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục được vay tối đa là 80 triệu đồng và tối đa 200 triệu đồng đối với một trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 75 khách hàng thuộc 16/27 đơn vị cấp huyện có phát sinh dư nợ từ nguồn vốn vay theo Quyết định 11, với tổng dư nợ là 6 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]