(vhds.baothanhhoa.vn) - Con thiếu tự tin, “nghiện” game nặng… Những vấn đề này đã được phụ huynh tìm đến các trung tâm dạy kỹ năng sống (KNS) để mong được chia sẻ, tư vấn và tìm giải pháp hữu ích cho con mình. KNS hướng vào việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và giá trị trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng.

Khi phụ huynh đặt niềm tin ở các trung tâm dạy kỹ năng sống

Con thiếu tự tin, “nghiện” game nặng… Những vấn đề này đã được phụ huynh tìm đến các trung tâm dạy kỹ năng sống (KNS) để mong được chia sẻ, tư vấn và tìm giải pháp hữu ích cho con mình. KNS hướng vào việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và giá trị trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng.

Khi phụ huynh đặt niềm tin ở các trung tâm dạy kỹ năng sốngGiáo viên Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt cùng học sinh với hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng ngày tết. (Ảnh tư liệu trung tâm cung cấp)

Khi con thay đổi tính cách…

3 năm về trước, N.U.L. ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) thi trượt THPT. Em là một cô bé bướng bỉnh và hay bảo thủ. Sau khi nhận kết quả thi, em tỏ ra thất vọng, chán nản và càng lì lợm, bướng bỉnh hơn. Theo chia sẻ của chị L.T.T.L., phụ huynh cháu N.U.L: “Tính tình con vốn không ôn hòa, rất nóng nảy. Hai mẹ con tôi như nước với lửa. Bản thân không có thời gian và không đủ sự kiên nhẫn, bình tĩnh để dạy con. Đến khi con thi trượt THPT, thấy tâm lý của con khá nặng nề nên tôi đã tìm đến trung tâm dạy KNS”.

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, chị Lan đã đến Công ty CP Đánh thức tiềm năng Việt ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đăng ký cho con tham gia học KNS tại đây. “Có chương trình gì tôi đều cho con tham gia. Rất bất ngờ, con nhanh tiến bộ, khắc phục những tính xấu trước đây, biết cách ứng xử hơn”, chị Lan cho biết.

Việc giáo dục KNS là vô cùng quan trọng. Tài giỏi, thông minh mà thiếu KNS cũng khó hòa nhập, tiếp cận môi trường xung quanh. Ở trường học, mặc dù có tiết giáo dục KNS nhưng thời lượng quá ngắn nên kiến thức thu được rất hạn chế. Cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, kéo theo đó là sự bận bịu công việc của phụ huynh, không thể quan tâm nhiều hơn đến con em mình, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thiếu hụt kiến thức giao tiếp, cách đối diện những khó khăn và cách vượt qua nó…

3 năm nay, chị N.N.H. ở phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) đăng ký cho con là V.N.H.L. (9 tuổi) tham gia học KNS tại Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa). V.N.H.L., theo nhận xét của chị H., là cậu bé nhút nhát, chậm chạp. Chị nói: “Ở môi trường nào, con cũng rụt rè và không có sự chủ động, như khi gặp người lớn, bảo chào thì con mới lên tiếng. Ngay từ năm lớp 1, tôi đã cho con học chương trình “Tự tin vào lớp 1”, tiếp đó con học về giao tiếp, thuyết trình. Ở những lớp học này, con có nhiều hơn sự tương tác với cô giáo và các bạn. Sau một thời gian, ngôn ngữ của con nhanh hơn, chủ động chào hỏi, làm quen. Đặc biệt, rất tự tin trước đám đông”.

Phương pháp

Ở Thanh Hóa hiện nay có 28 đơn vị được cấp phép hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Mỗi đơn vị có những phương pháp dạy khác nhau. Tuy vậy, đích cuối cùng là trẻ được trang bị KNS để định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất. Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt hay Công ty CP Đánh thức tiềm năng Việt là 2 đơn vị tiên phong trong dạy KNS tại Thanh Hóa.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Công ty CP Đánh thức tiềm năng Việt đã mở gần 100 khóa đào tạo cho đối tượng học sinh và gần 200 khóa học cho phụ huynh. Bên cạnh đó, công ty này đã tư vấn, kèm cặp cho hàng chục đối tượng khó thay đổi hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội, rối loạn các tâm lý tuổi học đường… Ông Đào Ngọc Cường, Giám đốc Công ty CP Đánh thức tiềm năng Việt, cho biết: “Phương pháp của chúng tôi là phải đánh thức con người bên trong. Từ đó, mỗi người có khát khao hành động mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Phương pháp này dễ đi vào lòng người và dễ tiếp nhận. Quan điểm của tôi khi dạy KNS cho trẻ, phải hiểu được tâm lý và tính cách lứa tuổi, biết làm cho trẻ hứng thú và cuốn vào những bài giảng của mình. Quan trọng là làm cho trẻ thích học và cảm giác như không phải học mà học được rất nhiều”.

Đối với Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt, phương pháp dạy KNS chủ yếu học qua trải nghiệm. Thông qua các hoạt động dã ngoại, trải nghiệm, mô phỏng, hoạt động tập thể, tương tác đội nhóm để các em học sinh có cơ hội rèn luyện và phát triển các kỹ năng cá nhân như giao tiếp, thuyết trình, kiểm soát cảm xúc tiêu cực… “Trung tâm có nhiều đối tượng, có em rất tự tin nhưng phụ huynh vẫn muốn con được bồi dưỡng, phát huy thêm; có em nhút nhát, bố mẹ muốn con mạnh dạn, hòa nhập tốt hơn… Điều mong muốn của trung tâm cũng như phụ huynh, học sinh là có một sân chơi bổ ích, ý nghĩa để phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân, giúp các em có cuộc sống lành mạnh và hiệu quả”, cô giáo Nguyễn Thị Huế, giáo viên của Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt, chia sẻ.

Trong guồng quay cuộc sống, những lo toan thường nhật đã làm giảm sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái, hoặc sự quan tâm đấy lại dồn hết cho việc học văn hóa mà không chú trọng đến KNS cho con. Khi bố mẹ đặt niềm tin ở các trung tâm dạy KNS đồng nghĩa là tìm đến sự giải tỏa tâm lý cho cả bố mẹ và người con. Vậy nên, phương pháp dạy vẫn là quan trọng nhất, như ông Vũ Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã từng nói: “Bên cạnh việc dạy trẻ các hành động như bảo vệ môi trường, tránh xa nơi nguy hiểm, biết xin lỗi, cảm ơn…, chúng ta cần dạy trẻ ý thức được những việc làm đó và trẻ thực hiện các hành động đó vì ý thức trẻ hiểu, chứ không phải vì người lớn bắt trẻ phải làm. Khi đó KNS của trẻ được hình thành và theo trẻ đến suốt cuộc đời”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]