(vhds.baothanhhoa.vn) - Khoản 2, Điều 38, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi tắt là Thông tư 32), có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 quy định học sinh (HS) vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ không còn bị hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Sau hơn một học kỳ thực hiện thông tư này, mối quan hệ thầy - trò và phụ huynh đã gần gũi hơn.

Không phê bình học sinh trước lớp: Ghi nhận sau hơn một học kỳ thực hiện

Khoản 2, Điều 38, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi tắt là Thông tư 32), có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 quy định học sinh (HS) vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ không còn bị hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Sau hơn một học kỳ thực hiện thông tư này, mối quan hệ thầy - trò và phụ huynh đã gần gũi hơn.

Không phê bình học sinh trước lớp: Ghi nhận sau hơn một học kỳ thực hiệnMột tiết học ở Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn).

Vừa dạy vừa dỗ

Hơn một học kỳ trôi qua, đến giờ cô giáo Mai Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 11G, Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn) vẫn chưa quên được hình ảnh người học trò bật khóc nức nở sau khi đã nói hết những bức xúc trong lòng. Đây là một HS ngoan của lớp, nhưng gần cuối học kỳ I đã sa sút trong học tập, thường nói chuyện, cáu gắt với bạn bè ngay trong giờ học…

Hình thức giáo dục mà cô giáo Mai Thị Nhung đã thực hiện đó là gặp trực tiếp HS để lắng nghe chia sẻ, sau đó mời phụ huynh để trò chuyện, trao đổi. Từ đó cô xác định nguyên nhân chính là do HS bị ép học quá nhiều nên đã tạo cho em áp lực lớn. Giáo viên Mai Thị Nhung nhớ lại: “Lúc đầu, tôi hơi bất ngờ về thái độ, hành vi của HS này. Nếu trước đây, tôi có thể nhắc nhở trước lớp, nhưng Thông tư 32 ra đời đã giúp chúng tôi kiên trì và nỗ lực dạy dỗ để HS biết sửa lỗi mà không mặc cảm hay xấu hổ trước bạn bè, còn người thầy như một nhà tâm lý để đưa ra ứng xử tế nhị, nhẹ nhàng... Rất mừng, từ thời điểm xảy ra sự việc, đến nay người học trò đã trở lại là một HS ngoan của lớp. Gia đình cũng đã thay đổi cách giáo dục con khoa học, phù hợp hơn”.

Kết thúc học kỳ I vừa qua, ở Trường THCS Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc) đã có một số HS không tuân thủ nội quy nhà trường và bị nhắc nhở không phải trước lớp, trước trường mà khi chỉ có một thầy, một trò. Đó là trường hợp của HS lớp 7A hay đi học muộn và trường hợp của HS lớp 6B có tình cảm với một bạn khác giới làm ảnh hưởng đến học tập… Chia sẻ về điều này, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành, cô giáo Nguyễn Thị Hòa, cho biết: “Tôi nhớ cách đây vài năm, cũng tại trường này, có HS sau khi bị thầy cô phê bình trước lớp đã tự ti, mặc cảm và có những hành động tiêu cực, thậm chí bỏ học. Áp dụng Thông tư 32, tôi cho rằng đạo đức của HS có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Các em sau khi được thầy, cô gặp riêng nhắc nhở, khuyên bảo, đã biết lắng nghe, cởi mở hơn và thấy được tôn trọng hơn. Thực tế, giáo viên không chỉ dạy mà còn phải biết cách dỗ học trò sao cho hiệu quả”.

Không phê bình HS trước lớp mà sẽ nhắc nhở, giáo dục trực tiếp hoặc khiển trách, thông báo với phụ huynh, nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm, hoặc tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác... Đây là những hình thức giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo Thông tư 32, được cho là mang nhiều tính nhân văn.

Khi không còn “Yêu cho roi, cho vọt…”

Trước khi Thông tư 32 ra đời, nhiều nhà trường vẫn theo nếp giáo dục truyền thống là “Yêu cho roi cho vọt…”. Ở đó giáo viên được nhắc nhở, được phê bình HS trước lớp, thậm chí là trước trường những mong các em có sự tiến bộ. Thông tư 32 có hiệu lực đã mang đến sự thay đổi mà ở đó điều quan trọng đòi hỏi người thầy phải có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt hơn. Theo chia sẻ của thầy giáo Phạm Xuân Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn): “Thông tư 32 ra đời, ban đầu cán bộ, giáo viên cũng có những ngỡ ngàng nhưng đến nay, từ kết quả cho thấy đây là cách làm bền vững nhân văn. Giáo viên đi từ khâu nhận thức, tuyên truyền giáo dục động cơ, uốn nắn hành vi HS. Uốn nắn trên tinh thần lấy nhân tố tích cực làm gương, còn những trường hợp chậm tiến sẽ dưới hình thức cá biệt hóa để giáo dục, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm… Giữa thầy và trò là 2 khoảng cách về lối sống, do đó hãy bắt đầu từ câu chuyện hiểu tâm lý HS”.

Đồng quan điểm, ông Đặng Xuân Trường, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Lộc, cho rằng: “Chúng tôi đã có những trăn trở trước hình thức mới trong việc giáo dục, xử lý kỷ luật HS vi phạm. Thực sự đây cũng là khó khăn, đòi hỏi người thầy phải có nghệ thuật sư phạm hơn. Qua hơn một học kỳ, các nhà trường trên địa bàn huyện đã chấp hành tương đối tốt, HS được quyền tôn trọng. Đến thời điểm này, phòng chưa nhận được sự phản ánh nào của phụ huynh, HS về ứng xử của thầy cô giáo đi ngược lại với Thông tư 32”.

Tuy nhiên, về phía những người trực tiếp làm công tác giáo dục, đằng sau sự nhân văn của Thông tư 32, sau hiệu quả bước đầu khi thực hiện, họ vẫn còn những băn khoăn. Đó là trong trường hợp HS quá quen với sự nhẹ nhàng, tế nhị của người thầy thì cũng có khả năng HS sẽ khó dạy dỗ hơn, nhất là khi sự phối hợp không thành công giữa nhà trường và gia đình. Nếu dùng đến biện pháp tạm dừng học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà HS vẫn không có những biến chuyển thì sẽ xử lý như thế nào?...

Thông tư 32 đã và đang có những tác động tích cực, tạo chuyển biến về nhận thức của HS, nâng cao ứng xử sư phạm của người thầy. Có thể ở đâu đó không tránh được những thói quen cũ, nếp cũ như “Yêu cho roi, cho vọt”, nhưng để thích nghi với cái mới cũng sẽ cần lắm một sự điều chỉnh dần để hoàn thiện hơn…

Khoản 2, Điều 38, Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học:

HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

  1. a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để HS khắc phục khuyết điểm.

  2. b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ HS nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm.

  3. c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]