(vhds.baothanhhoa.vn) - Chương trình dạy nghề nặng lý thuyết, thiếu thực hành; việc lựa chọn nghề dạy chưa phù hợp với sở thích, xu hướng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu và yếu... là những nguyên nhân khiến công tác dạy nghề trong trường phổ thông đạt hiệu quả thấp, tồn tại nhiều bất cập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập trong dạy học nghề phổ thông

Chương trình dạy nghề nặng lý thuyết, thiếu thực hành; việc lựa chọn nghề dạy chưa phù hợp với sở thích, xu hướng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu và yếu... là những nguyên nhân khiến công tác dạy nghề trong trường phổ thông đạt hiệu quả thấp, tồn tại nhiều bất cập.

Công tác dạy nghề trong trường phổ thông được thực hiện với mục tiêu bổ sung thêm các kỹ năng thực tế bên cạnh việc học kiến thức các môn văn hóa; giúp phân luồng học sinh phổ thông sang đào tạo nghề, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”... Thực tế dạy, học và tổ chức các kỳ thi nghề trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khiến cho những mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Đầu tiên phải nhìn nhận rằng, chương trình dạy nghề nhìn chung còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo. Do đó, tình trạng dạy “chay”, học “chay” là khá phổ biến. Chính điều này đã tạo cho học sinh tâm lý bị động, không có hứng thú đối với các tiết học nghề.

Em Phạm Thị Ly, học sinh Trường THPT Yên Định II (huyện Yên Định), cho biết: Em thấy nghề điện dân dụng mang tính thực tiễn rất cao, thầy cô giáo cũng đã trang bị cho chúng em nhiều kiến thức. Tuy nhiên, chúng em chưa được thực hành nhiều, dẫn đến việc khi áp dụng vào thực tế sẽ không đạt hiệu quả.

Cơ sở vật chất phục vụ cho các nghề phổ thông ở trường THPT cũng rất khó khăn, vì không có nguồn kinh phí nào cấp về riêng cho dạy nghề. Thêm vào đó, khi học nghề xong, giấy chứng chỉ của học sinh khi đi xin việc không có cơ sở sản xuất nào chấp nhận.

Thầy giáo Hoàng Văn Huân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Quảng Xương), cho biết: Khó khăn lớn nhất trong hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp của nhà trường là cơ sở vật chất phục vụ cho dạy nghề. Nhà trường hiện không có xưởng thực hành, dụng cụ thí nghiệm, do nhiều đồ dùng thí nghiệm rất đắt tiền nên chỉ có thể dạy thông qua hình ảnh tải trên mạng internet xuống hoặc mua lại đồ cũ của những hàng sửa chữa đồ điện dân dụng.

Tiết học nghề dân dụng tại Trường THPT Chu Văn An (Quảng Xương).

Thẳng thắn thừa nhận hoạt động dạy nghề phổ thông không phải là thế mạnh của nhà trường, thầy giáo Nguyễn Quốc Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn I (huyện Triệu Sơn), cho biết: Nhà trường hiện đang dạy các nghề: Tin học, nuôi cá, điện dân dụng, nấu ăn, làm vườn. Tuy nhiên, trang thiết bị, đồ dùng dạy học rất thiếu thốn, chỉ duy nhất Tin học là có đầy đủ nhất vì có sẵn phòng máy, các nghề còn lại các thầy cô chủ yếu hướng dẫn về mặt lý thuyết, học sinh ít được thực hành. Một khó khăn khác là do các lớp dạy nghề thường phân theo lớp chứ chưa thể bố trí nam học riêng, nữ học riêng, do đó chưa thể đáp ứng việc dạy theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc bố trí giáo viên chuyên trách dạy nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các trường bố trí giáo viên bộ môn Vật lý, Kỹ thuật, Sinh học, Công nghệ “kiêm” luôn việc dạy nghề. Thậm chí có nhiều giáo viên không có nghiệp vụ cũng được bố trí dạy do thiếu giáo viên.

Hoạt động giáo dục nghề phổ thông tạo cơ hội cho học sinh được học tập, tìm hiểu để có những hiểu biết, kỹ năng thực tế ban đầu về một số nghề phổ biến nhất trong xã hội, khám phá năng lực của bản thân, đối chiếu với những yêu cầu của một số nghề cụ thể để giúp cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do ở một số trường chỉ có thể tổ chức cho học sinh học một nghề duy nhất dẫn đến các mục tiêu của hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp trong trường phổ thông khó có thể đạt được.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông; thí điểm triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương nhằm tăng cường khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh... là những giải pháp thiết thực, cần nhanh chóng thực hiện. Bởi nó góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau THCS và THPT, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề trong trường phổ thông, tránh bệnh hình thức và lãng phí.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]