(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều giáo viên cho rằng, trang thiết bị và đồ dùng dạy học là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay không phải trường nào cũng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu trang thiết bị dạy học: Nhiều trường gặp khó

Nhiều giáo viên cho rằng, trang thiết bị và đồ dùng dạy học là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay không phải trường nào cũng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu trên.

Hàng năm các nhà trường đều trích một phần kinh phí chi thường xuyên để mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tuy vậy cũng chỉ mang tính “chắp vá”, bởi không nhiều trường có đủ nguồn kinh phí để mua sắm hàng năm. Theo ý kiến nhiều giáo viên, phần lớn họ phải tận dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học được cấp từ khá lâu, hóa chất, dụng cụ dạy học đều không sử dụng được, ngoài ra phòng học bộ môn thiếu cũng là nguyên nhân khiến chất lượng dạy học không đạt hiệu quả cao. Thiết bị mau hư hỏng, thiếu đồng bộ là tình trạng chung của phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong quá trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng trường, lớp đặc biệt trang thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm đồng bộ, tuy vậy, tại nhiều địa phương khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học, thời gian từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án đến thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng khá dài nên trang thiết bị không còn phù hợp nhu cầu dạy học.

Đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2018, đến nay Trường THPT Triệu Sơn I cơ bản đáp ứng đầy đủ các phòng học bộ môn, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Trường hiện có 2 phòng tin học, 2 phòng ngoại ngữ, 1 phòng lý công nghệ và 1 phòng hóa sinh.

Theo thầy Nguyễn Quốc Ngân - Hiệu trưởng nhà trường, được biết do trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang cấp từ lâu, đến nay phần lớn hóa chất, dụng cụ TDTT đều không sử dụng được.

Tương tự, trang thiết bị, đồ dùng học tập tại Trường THPT Nga Sơn nhiều năm nay hư hỏng, xuống cấp sau nhiều lần sử dụng, hàng năm nhà trường có mua sắm, bổ sung một số thiết bị dạy học nhưng không đáng kể.

Cô Mai Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Được thành lập từ năm 2004, trải qua 15 năm thành lập, trường hiện chưa có phòng học ngoại ngữ và các phòng học bộ môn. Trong khi đó, nhà xe nhà trường tận dụng chứa đồ dùng thí nghiệm, thực hành, hóa chất. Một số phòng học cũng được nhà trường dùng làm nơi để tranh ảnh, đồ thí nghiệm...”.

“Do kinh phí nhà trường có hạn, trong khi mỗi gói trang thiết bị - dạy học có giá trị rất cao, nhà trường chỉ có thể mua sắm, bổ sung dần dần, một số hóa chất, thiết bị được trang cấp từ lâu, nay không sử dụng được, chúng tôi đành phải để tập trung tại một góc nhà xe của trường...”, cô Hạnh cho biết thêm.

Cũng theo cô Hạnh, ngoại trừ Trường THPT Nga Sơn, cả 3 trường THPT đóng trên địa bàn huyện Nga Sơn đều chưa có phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh...

Nhiều hóa chất, thiết bị dạy học của trường THPT Nga Sơn hết hạn sử dụng được tập kết tại khu vực nhà xe.

Đến nay, Trường THCS Tân Thành (Thường Xuân) còn thiếu các phòng chức năng, phòng thực hành Lý - Công nghệ, Hóa Sinh, Tin học, phòng nhạc... Được nhà nước cấp từ lâu, đến nay một số trang thiết bị đồ dùng dạy học của trường đều không sử dụng được, hàng năm nhà trường có mua sắm, bổ sung nhưng không đáng kể.

Có một thực tế, do nguồn kinh phí có hạn, nhiều trường phải tận dụng, sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học được cấp từ lâu, để nâng cao chất lượng dạy học, một số giáo viên phải tự làm đồ dùng, sử dụng hệ thống máy chiếu mô phỏng bằng hình ảnh trực quan... Đối với những môn học thiếu trang thiết bị, giáo viên thường phải dạy chay, trong khi học sinh khó tiếp cận kiến thức mới.

Đối với bậc học THCS, THPT môn Vật lý rất cần các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, không chỉ giáo viên, mà còn cả học sinh thực hành. Tuy vậy, các thiết bị, đồ dùng như mạch điện, bóng đèn, nhiệt kế, ampe kể... đều quá cũ, không sử dụng được.

Bên cạnh đó, nhiều bộ môn, tiết học cần dùng phương pháp trực quan, học sinh cần được thực hành, thí nghiệm, quan sát mô hình mới mang lại hiệu quả trong tiết dạy, như Hóa học, Sinh học... phần lớn các trường đều thiếu, yếu.

Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho rằng, từ khi thay sách giáo khoa, khoảng những năm 2000, các trường học của huyện cơ bản đều được cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sau gần 20 năm, số trang thiết bị, đồ dùng này phần vì hư hỏng, còn lại không phát huy tác dụng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học...

Thiết nghĩ, các cấp ngành liên quan cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]