(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi tốt nghiệp khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh, tháng 9-1972, tôi được điều về dạy trường cấp III ở Hoa Lộc (Hậu Lộc), cạnh quê nhà Nga Sơn. Mới làm quen được với học trò và các đồng nghiệp, thì tháng 11 có lệnh điều động của Ty Giáo dục Thanh Hóa, lên Vĩnh Lộc dạy cho các lớp chuyên Toán. Tôi vội nói lời chia tay với các đồng nghiệp, với học trò và hai ngày nghỉ ở nhà ăn cơm với mẹ, rồi lên đường.

Những kỷ niệm không phai của thầy, trò lớp chuyên trong những năm chống Mỹ

Sau khi tốt nghiệp khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh, tháng 9-1972, tôi được điều về dạy trường cấp III ở Hoa Lộc (Hậu Lộc), cạnh quê nhà Nga Sơn. Mới làm quen được với học trò và các đồng nghiệp, thì tháng 11 có lệnh điều động của Ty Giáo dục Thanh Hóa, lên Vĩnh Lộc dạy cho các lớp chuyên Toán. Tôi vội nói lời chia tay với các đồng nghiệp, với học trò và hai ngày nghỉ ở nhà ăn cơm với mẹ, rồi lên đường.

Những kỷ niệm không phai của thầy, trò lớp chuyên trong những năm chống MỹThầy và trò chuyên Văn, chuyên Toán Thanh Hóa thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Sáng hôm sau tôi phải nhận lớp chủ nhiệm và dạy ngay, vì có 2 giáo viên mà những 3 lớp Toán 8, 9, 10. Riêng môn Văn chỉ có 1 lớp 8, mình anh Nguyễn Ngọc Liễn dạy.

Tình cảm thầy trò của chúng tôi nhanh chóng gần gũi. Chỉ cần một buổi sáng, qua mấy bài hình khó, thầy đưa ra phương pháp hệ phương trình, bỏ qua những mò mẫm trực giác là trò thấy thích thú, những ánh mắt sáng lên làm tôi thấy vui, ấm cúng trong lòng hơn, cảm thấy như đã quen các em từ thuở nào. Tri thức làm con người thấy gần gũi quý mến nhau nhanh hơn. Sau này khi viết bài thơ “Tôi yêu nghề dạy học” nghĩ đến lúc này tôi có một cảm xúc: Ngẫu nhiên hay định mệnh của đất trời/ Để tôi được gặp các em tôi/ Tri thức xây nên dòng tình cảm/ Tôi yêu nghề, yêu các em tôi.

Hai hôm sau, tôi đứng ra cử cán bộ lớp. Thấy một cậu học trò rất đáng yêu, người Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) khôi ngô, chữ đẹp, học môn nào cũng được thầy cô khen ngợi, tôi cử ngay làm lớp trưởng. Đó là em Nguyễn Đức Long. Còn cậu học trò rất ngoan, chăm chỉ, luôn có nụ cười hồn hậu chan hòa với bạn bè, dáng nhanh nhẹn, tháo vát, em là người Ngư Lộc (Hậu Lộc) tôi cử làm lớp phó phụ trách mọi sinh hoạt. Đó là em Đồng Đại Lộc. Sau này tôi rất phấn khích khi thấy lớp trưởng, lớp phó của mình thủa ấy đều trở thành cấp tướng trong Quân đội và Công an. Lớp trưởng sau này là Thiếu tướng Nguyễn Đức Long, Phó giáo sư, Viện trưởng Viện Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Lớp phó là Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó giáo sư, Giám đốc Công an Thanh Hóa, rồi làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Lớp chỉ có 2 em nữ, sau này đều làm cô giáo dạy trung học phổ thông. Trong đó, cô giáo Trịnh Thị Phương, về Trường THPT chuyên Lam Sơn giảng dạy.

Tôi, Dương Tiến Vinh và Đỗ Khắc Vinh không bao giờ có buổi họp tổ chuyên môn chính thức, mà bất cứ lúc nào nảy ra vấn đề, sau buổi lên lớp, lúc xuống bếp đi ăn hay cả lúc nửa đêm cũng vùng dậy bàn thảo. Chúng tôi thân thiết hơn từ những lần tranh luận. Vẫn là tri thức làm con người thấy gần gũi quý mến nhau nhanh hơn.

Nói về chuyện dạy dỗ lớp chuyên, thầy cô được phân công dạy các môn không chuyên tâm sự: Vừa thích lại vừa ngại. Thích là học trò tiếp thu rất nhanh, ngại là dễ cháy giáo án do hết bài trước, không phải giảng đi giảng lại, trống thời gian. Ngại hơn cả là những câu hỏi đến bất ngờ từ học trò. Có giáo viên Vật lý tâm sự: “Mình dạy Định luật Ôm trong toàn mạch có học trò chuyên hỏi: Thưa thầy, điện trở ngoài bao nhiêu thì công suất sử dụng đạt lớn nhất ạ! Tớ không giải quyết được ngay, định trả lời nhưng không chắc nên thôi, đành hẹn hôm sau. Về nhà suy nghĩ kỹ thấy câu hỏi rất hay, phải nhờ anh Phán Tổ trưởng tổ Toán giải hộ mới xong”.

Còn một cô dạy Sinh học phàn nàn: “Hôm em dạy bài liên quan đến các giác quan, có học sinh hỏi: Thưa cô, tại sao con người ta chỉ có 5 giác quan mà không có 7, 8, 9, 10 giác quan ạ! Có ý nghĩa tối ưu gì đó không ạ! Em bí, phải hẹn sẽ giải đáp sau khi nghiên cứu thêm. Nhưng nghiên cứu rồi mới thấy cả thế giới cũng bí chứ không phải tôi. Câu hỏi của chuyên Toán có khác, quá sâu xa”.

Năm 1973, Hiệp định Paris đình chiến trên toàn Việt Nam được ký kết, khối chuyên Văn, Toán lại được trở lại địa điểm chính của Trường Cấp 3 Lam Sơn. Được về thị xã Thanh Hóa, nhưng bội phần khó khăn. Thầy trò phải đi tìm nhà trọ, chật chội và khó tìm hơn ở vùng nông thôn nhiều. Hàng ngày lại phải cùng các lớp phổ thông dọn dẹp những đống đổ nát ở sân trường và hình thành các phòng học. Lớp tôi chủ nhiệm không tìm đủ chỗ nên tôi, em Lộc và em Phúc cùng ở trọ trong một nhà, ngủ chung trên một tấm phản của gia chủ. Một hôm bác Ngọc Ấn chủ nhà reo lên: “Ôi bà ơi, nhà ta gặp may rồi, có 3 ông Phúc - Lộc - Thọ đến nhà, phải liên hoan thôi”. Sự việc vui vẻ này làm ba thầy trò chúng tôi gắn bó mãi cùng gia đình. Sau này tôi đi Hà Nội, anh Viên Đình Phúc và anh Đồng Đại Lộc vẫn hay qua lại giúp đỡ được ít nhiều cho con cháu nhà bác Ấn lúc hai bác đã mất.

Được dạy cả 3 lớp nên tôi cũng biết nhiều về các em trong khối. Sau này hầu hết các em đều rất thành đạt và giữ các chức vụ quan trọng. Lê Trường Tùng, thông minh nhất lớp 9T, sau học Toán ở Moskva và là Tiến sĩ Toán Lý tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, rồi Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT; Đinh Trọng Thịnh, PGS.TS ở Học viện Tài chính; La Đức Cương, Giám Đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương; Nguyễn Xuân Hà, Ban Cơ yếu Chính phủ; Nguyễn Hoàng Huyến, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giao thông - Vận tải Việt Nam; Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Thư viện Quân đội; Uông Ngọc Dậu, Giám đốc VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đỗ Ngọc Thống, PGS.TS, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT); Phạm Thùy Vinh, PGS.TS ở Viện Hán Nôm...

Chỉ cần điểm qua sự trưởng thành của 4 lớp học sinh này trong thời chiến tranh chống Mỹ cũng đủ để chúng ta thấy nghĩa to lớn đóng góp của học sinh chuyên Thanh Hóa trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau này các môn chuyên mở rộng, số lượng các lớp chuyên nhiều hơn và đạt nhiều thành tích cao hơn, càng đóng góp cho xã hội thêm nhiều công dân ưu tú, nhân tài cho đất nước.

Gần 50 năm trôi qua, những cô cậu học trò đáng yêu ngày nào của các lớp chuyên Văn, Toán trong thời kỳ chiến tranh nay cũng đã 64, 65 tuổi. Nhiều lần hội ngộ, thầy và trò vẫn nhớ về cội nguồn, cùng nhau lên thăm nơi trọ cũ, tặng quà cho các gia đình và UBND xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc). Đến nay, hai thầy Dương Tiến Vinh và Nguyễn Ngọc Liễn đã đi xa mãi mãi, chỉ còn lại tôi và anh Đỗ Khắc Vinh.

Lần hội khóa 2018, học sinh mời được đồng thời thầy Đỗ Khắc Vinh từ Sài Gòn ra và tôi từ Hà Nội vào. Anh em, thầy trò gặp và ôm nhau mãi giữa sân Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Mỵ Duy Thọ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]