(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm trở lại đây, phong trào tổ chức các ngày "Hội khóa, hội lớp" đã và đang nở rộ. Các thế hệ học sinh đua nhau mở hội và hầu hết đều do tự phát. Nào là Hội khóa kỷ niệm 10 năm ra trường, rồi 20 năm, rồi 30 năm,... Thậm chí các cụ U70 cũng nô nức Hội khóa kỷ niệm 50 năm rời xa tuổi học trò... Thế mới thấy thấm thía câu thành ngữ "Phú quý sinh lễ nghĩa" mà cha ông để lại!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ngày hội khóa

Nhiều năm trở lại đây, phong trào tổ chức các ngày "Hội khóa, hội lớp" đã và đang nở rộ. Các thế hệ học sinh đua nhau mở hội và hầu hết đều do tự phát. Nào là Hội khóa kỷ niệm 10 năm ra trường, rồi 20 năm, rồi 30 năm,... Thậm chí các cụ U70 cũng nô nức Hội khóa kỷ niệm 50 năm rời xa tuổi học trò... Thế mới thấy thấm thía câu thành ngữ "Phú quý sinh lễ nghĩa" mà cha ông để lại!

Nếu nhìn từ góc độ "lễ nghĩa" thì hoạt động này mang nhiều ý nghĩa tích cực. Đó là cơ hội để các thế hệ học sinh được gặp thầy xưa, bạn cũ; là nơi để học trò cũ tri ân công lao của các thầy cô giáo; Là dịp để bạn bè lâu năm ôn lại những kỷ niệm của một thời áo trắng sân trường xa lắc xa lơ...

Tuy nhiên, vì có "phú quý" nên những kỳ hội ngộ này không tránh khỏi những hệ lụy từ vật chất. Đó là những cuộc liên hoan dường như không có điểm dừng, bởi những câu cửa miệng "Bao nhiêu năm rồi mới gặp lại mà..., cứ vui hết mình đi...!" Rồi... "Ngày xưa khó khăn là thế còn vui được! Bây giờ thì... lo gì!" vân vân và... vân vân...! Trong những cuộc vui ấy, có những anh bạn "đại gia" xin được "bao từ A đến Z"; cũng có những anh bạn khốn khó chỉ biết bẽn lẽn nâng cốc, ngượng ngùng; Có những người vô tư, chân thành, cũng có người so đo, tính toán. Chưa nói đến việc, sau mỗi cuộc vui chén tạc chén thù, rủi ro đang rình rập ngoài đường, thì cái sự thừa mứa, cái sự hoang phí, rồi cả những gượng gạo kia chắc chắn sẽ để lại dư âm trong mỗi người một khác! Mà đâu chỉ có liên hoan ăn nhậu, "Hội khóa, hội lớp" bây giờ còn phải có "đồng phục khóa", "đồng phục lớp"; Thế là các dịch vụ ăn theo nảy nở. Các công ty may dễ dàng đáp ứng ngay nhu cầu "đồng phục" của các thượng đế! Vậy nhưng, hầu hết "đồng phục" ấy chỉ được sử dụng duy nhất một lần...

Cũng có những ngày "hội khóa" không diễn ra như vậy! Cũng vẫn là trò cũ, thầy xưa... nhưng không ồn ào, không "đồng phục"... mà lắng đọng trong sự đồng cảm, sẻ chia và đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc! Ở đó, thầy cô vẫn giữ vai trò là người định hướng cho những hoạt động của lũ trò cũ năm xưa; Ở đó, anh bạn "đại gia" vẫn có cơ hội được thể hiện mình bằng những đóng góp thiện tâm... Và ở đó, những người bạn khó khăn vẫn có cơ hội được góp những tấm áo cũ vào bọc quà từ thiện cho những học sinh nghèo vùng khó... Những ngày "Hội khóa" như vậy thực sự là những cuộc trải nghiệm đáng quý và để lại trong lòng tất cả thầy cũ trò xưa những cảm xúc lắng đọng, những dư âm đẹp đẽ, những dư vị ngọt ngào,...

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, trong một thế giới phẳng. Tất cả những gì ta làm, dẫu muốn hay không đều có thể trở thành tiêu điểm cho những góc nhìn đa chiều. Và... những ngày "hội khóa" không phải là ngoại lệ! Tôi đã từng được nghe những chia sẻ rất thật lòng từ một cô giáo tiểu học, rằng... Tất cả những ngày "hội khóa" phần lớn diễn ra đối với các thế hệ cựu học sinh cấp 3 (THPT), đối với các cựu học sinh cấp 2 (THCS) và cấp 1 (cấp tiểu học). Xét về góc độ thời gian, cuộc đời mỗi cô cậu học trò đều trải qua 5 năm ở bậc tiểu học, 4 năm ở bậc THCS, và ở bậc THPT thì chỉ vỏn vẹn 3 năm! Thời gian tuổi học trò gắn bó với bậc tiểu học gần gấp đôi quãng thời gian ở bậc THPT. Chưa nói,tiểu học là bậc học nền tảng, là nơi những đứa trẻ chập chững bước vào ngưỡng cửa tuổi học trò, là nơi thầy cô hết lòng tận tụy, vừa dạy, vừa dỗ, vừa dìu dắt chăm lo cho việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của từng đứa trẻ... Vậy nhưng... các thầy cô giáo tiểu học kể cả trong mơ cũng chưa bao giờ được mời dự một ngày "Hội khóa" từ lũ học trò năm cũ...?! Phải chăng, những cống hiến hy sinh của các thầy cô giáo tiểu học là chưa đủ lớn? Hay bởi tuổi học sinh tiểu học còn quá nhỏ nên chưa thể lưu giữ được những hình ảnh yêu mến thân thuộc của những thầy cô đã gắn bó với chúng suốt cả 5 năm đầu tuổi học trò?!

"Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang..."! Đâu đó, câu hát của nhạc sĩ Trần Đức vẫn vang vọng, như an ủi, như sẻ chia, lại như có cả sự cảm thông cho những chuyến đò thầm lặng! Mặc cho ngoài kia, những ngày "Hội khóa" vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như thế! Vẫn cứ là... đến hẹn lại lên!

Lê Kim Sơn


Lê Kim Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]