(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ, đột phá của những công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghệ 4.0) đã góp phần kết nối, xóa nhòa mọi khoảng cách và thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của xã hội từ kinh tế, văn hóa, đời sống lao động sản xuất, nhất là với ngành giáo dục.

Sức hấp dẫn của công nghệ 4.0 với giáo dục

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ, đột phá của những công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghệ 4.0) đã góp phần kết nối, xóa nhòa mọi khoảng cách và thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của xã hội từ kinh tế, văn hóa, đời sống lao động sản xuất, nhất là với ngành giáo dục.

Sức hấp dẫn của công nghệ 4.0 với giáo dụcỨng dụng CNTT đã giúp các tiết học dễ hiểu và sinh động hơn. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Công nghệ 4.0 được ứng dụng trong dạy, học đã đem lại hiệu quả cao cho ngành giáo dục và cán bộ, giáo viên. Trước đây, các thầy cô giáo phải cặm cụi viết từng trang giáo án, rồi học thuộc lòng trước khi lên lớp giảng bài, nhưng tính thuyết phục cũng không cao. Từ khi được soạn bài trên máy tính, bài giảng của thầy cô thuyết phục hơn vì có thể khai thác, lựa chọn nhiều tư liệu trên mạng internet. Khi lên lớp, giáo viên không chỉ minh họa bằng ngôn từ mà còn có các hình ảnh, video,… vô cùng sinh động, giúp học sinh tiếp thu bài giảng nhanh chóng và sâu hơn. Nhiều giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phù hợp với đặc trưng của từng môn học. Chẳng hạn một tiết học về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, ngay từ hoạt động “vào bài”, giáo viên chiếu một video ngắn giới thiệu về tác giả Nguyễn Du. Hay khi dạy về “Ca Huế trên sông Hương”, giáo viên chiếu cho các em xem video giới thiệu về cố đô Huế, nghe một vài giai điệu dân ca Huế, hoặc xem các đạo cụ và trang phục biểu diễn của các ca công… Những hình ảnh trực quan sinh động trong các bài học đã để lại ấn tượng sâu sắc cho học sinh.

Một ví dụ khác, trước đây, nhiều thầy cô giáo phải loay hoay trong thư viện tìm kiếm tranh ảnh, bản đồ,… để minh họa cho bài giảng. Giờ đây chỉ cần bật máy tính, gõ vào công cụ tìm kiếm là giáo viên có tất cả kho tư liệu, hình ảnh,… vô cùng sống động và phong phú. Qua thư viện điện tử, giáo viên được tham khảo nhiều giáo án và tài liệu hay, giúp cho việc tự học, tự nghiên cứu đạt hiệu quả tốt.

Từ khi ứng dụng CNTT, thầy cô soạn giáo án điện tử rất thuận lợi, giờ dạy có tính tương tác cao hơn. Nghe giảng, học sinh tích cực chủ động trao đổi, tham gia các hoạt động, đáp ứng được mục tiêu của đổi mới phương pháp dạy học: Lấy học sinh làm trung tâm. Phần luyện tập trong tiết học không còn buồn tẻ khi học sinh được tham gia các trò chơi trí tuệ mà vui nhộn theo hướng học mà chơi, chơi mà học, đã tạo sự hào hứng, phấn chấn cho tinh thần người học. Kết thúc tiết học giáo viên chiếu sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức và củng cố bài học cho các em.

Trên thực tế, tất cả các môn học đều có thể ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học, nhất là môn học Ngoại ngữ. Trong môn học này, khi áp dụng CNTT, học sinh được nghe, luyện nói theo phát âm chuẩn của người nước ngoài, được thực hành nhiều bài tập trên máy tính, được tham gia các trò chơi để củng cố bài học, khắc sâu kiến thức ngay trên lớp học.

Do CNTT phát triển nên giáo viên đã sử dụng máy trợ giảng trong quá trình dạy học. Thầy, cô giáo vừa giữ được sức khỏe, học sinh lại nghe rõ được bài dạy. Nhiều trường học đã lắp camera trong các phòng học để ban giám hiệu nhà trường quản lý, đánh giá chất lượng giáo viên, còn phụ huynh thì có thể thường xuyên theo dõi được hoạt động của con em mình trên lớp. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh khi chọn trường mầm non cho con đã lựa chọn những trường học có gắn camera trong lớp học.

Nhờ có CNTT, giúp cho hoạt động quản lý và lưu tài liệu của nhà trường hiệu quả hơn. Ban giám hiệu các nhà trường đã ứng dụng CNTT để triển khai công việc tới giáo viên, giảm bớt thời gian cho việc họp hành. Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm sử dụng CNTT để liên lạc thường xuyên với phụ huynh qua phần mềm VnEdu, mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử. Thông tin được cập nhật nhanh, đầy đủ nhất, đạt hiệu quả cao nhất mà lại đỡ mất thời gian cho giáo viên khi phải viết sổ liên lạc như trước đây. Khi CNTT chưa được ứng dụng trong giáo dục, vào thời điểm cuối kỳ hoặc cuối năm, thầy cô “sợ” nhất là phải cập nhật vào sổ điểm viết tay, vừa mất thời gian, vừa không chính xác. Giờ đây các sổ điểm điện tử đã giúp cho giáo viên thuận lợi hơn trong việc hoàn thành và tổng kết điểm nhanh chóng, chính xác.

Năm học 2020 - 2021, để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho triển khai học trực tuyến trên internet. Hình thức học này vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa giảm chi phí và thời gian cho giáo viên. Khi học, giáo viên không chỉ học lý thuyết mà còn trực tiếp xem được phần thực hành cụ thể sinh động. Sau mỗi phần học lý thuyết lại có bài tập thực hành trắc nghiệm và tự luận giúp giáo viên khắc sâu kiến thức đã học...

Tuy nhiên, kỷ nguyên công nghệ 4.0 cũng gây ra không ít khó khăn cho giáo viên, phụ huynh khi việc quản lý học sinh, con em mình trước những thông tin ngoài luồng trên mạng internet. Không ít phụ huynh học sinh đã phải đau đầu, khổ sở khi con nghiện game, bỏ bê việc học hành. Điều này đòi hỏi nhà trường và gia đình phải biết cách khai thác, hướng dẫn và quản lý các em sử dụng CNTT trong học tập để nâng cao chất lượng của giáo dục.

Ứng dụng CNTT vào dạy, học và các hoạt động khác ở nhà trường luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, không phải ở trường học nào cũng được sử dụng CNTT rộng rãi vì những khó khăn về tài chính. Vì vậy, thay vì chờ đợi sự đầu tư của Nhà nước, nhiều trường đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và phụ huynh, chung tay góp sức, trang bị cho nhà trường các thiết bị công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Bài và ảnh: Trịnh Thị Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]