(vhds.baothanhhoa.vn) - Bộ GD&ĐT vừa có Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT năm 2011 (gọi tắt là Thông tư 32 - PV). Thông tư mới này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020. Trong đó, có quy định giáo viên sẽ không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường; quy định về trường hợp nào thì học sinh được dùng điện thoại trong lớp học... Những quy định mới này đã thu hút sự quan tâm và cả những ý kiến trái chiều của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Thông tư 32: Cần thêm hướng dẫn

Bộ GD&ĐT vừa có Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT năm 2011 (gọi tắt là Thông tư 32 - PV). Thông tư mới này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020. Trong đó, có quy định giáo viên sẽ không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường; quy định về trường hợp nào thì học sinh được dùng điện thoại trong lớp học... Những quy định mới này đã thu hút sự quan tâm và cả những ý kiến trái chiều của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.

Thông tư 32 hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh và đổi mới trong giáo dục.

Coi trọng động viên, khuyến khích thay vì phê bình

Theo Thông tư 32, từ ngày 1/11 tới đây, giáo viên sẽ không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 10C4, Trường THPT Triệu Sơn 1 (huyện Triệu Sơn) chia sẻ: Học sinh cấp 3 đang là lứa tuổi mới lớn, muốn chứng tỏ bản thân. Do đó, biện pháp kỷ luật trước lớp, trước trường hay ghi học bạ không còn phù hợp với các em nữa, nó có thể sẽ khiến các em mặc cảm, xấu hổ, thậm chí có thể gây tác dụng ngược, càng khiến các em bất cần và có hành động xấu hơn. Thay vào đó chúng ta có thể sử dụng các biện pháp nhắc nhở riêng, phối hợp với phụ huynh để quản lý, giáo dục các em, để các em nhận ra cái sai và sửa chữa.

Đồng quan điểm, cô giáo Lê Thị Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Đông Sơn1 (huyện Đông Sơn) cho rằng: Học sinh có nhiều đối tượng khác nhau, do đó, cốt lõi là chúng ta phải lựa chọn phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh khác nhau đó để đảm bảo tính giáo dục cao nhất.

Thầy giáo Lương Hữu Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1 (huyện Đông Sơn) nêu quan điểm: "Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi cho rằng Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường và cơ sở giáo dục có biện pháp phê bình nhắc nhở học sinh, quản lý tốt nền nếp, kỉ luật của học sinh".

Phê bình, nhắc nhở học sinh hay nặng hơn là xử lý, kỷ luật học sinh phải hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo môi trường học tập, rèn luyện thực sự nhân văn, giáo dục học sinh cả về tri thức lẫn nhân cách. Việc bỏ quy định phê bình học sinh trước lớp, trước trường mà thay vào đó là góp ý trực tiếp sẽ khiến các em cảm thấy được tôn trọng, sẵn sàng mở lòng sẻ chia, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ. Từ đó giúp cho việc giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao hơn.

Nới lỏng quy định về sử dụng điện thoại trong giờ học

Ngay sau khi Thông tư 32 có quy định: "Học sinh được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học và được giáo viên cho phép", đã có rất nhiều ý kiến trái chiều bày tỏ quan điểm băn khoăn, lo lắng.

Chị Lê Mai Anh (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm: "Lớp rất đông học sinh, giáo viên không thể quản lý hết được việc học sinh có đang thực sự sử dụng điện thoại để học hay không? Tôi cho rằng, trên lớp học sinh nên chú ý nghe giáo viên giảng bài, nếu cần các con thảo luận về 1 đề tài hay nội dung nào đó, giáo viên có thể cho các con tìm hiểu ở nhà trước. Đến lớp, các con chỉ cần lấy tài liệu đã chuẩn bị ra để thảo luận. Nếu vừa học, vừa tra cứu thì các con sẽ bị phân tâm, mất chú ý, mất thời gian giảng dạy của cô".

Còn em Hoàng Thanh Tùng - học sinh lớp 9, Trường THCS Thiệu Vân (TP Thanh Hóa cho rằng: "Việc sử dụng điện thoại không đúng mục đích trong giờ học sẽ vẫn diễn ra. Do đó, không nên sử dụng điện thoại trong các giờ học chính khóa vì chúng em nên tập trung nghe giảng thì hiểu bài hơn".

Em Trịnh Khánh Toàn - học sinh lớp 9, Trường THCS Hoằng Long, TP Thanh Hóa bày tỏ: Chỉ nên sử dụng điện thoại trong thời gian giới hạn được thầy cô cho phép thì nó sẽ biến thành một công cụ hữu ích cho việc học. Trong các giờ ngoại khóa có thể sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, từ điển hoặc nghe phát âm môn ngoại ngữ đối với những từ khó...

Thông tư 32 đã giao quyền cho giáo viên quyết định việc học sinh có được dùng điện thoại trên lớp hay không, phụ thuộc vào từng tiết học, từng môn học và nhu cầu của môn học đó. Đánh giá về quy định mới này của Bộ GD&ĐT, đại diện các nhà trường cho rằng, đây là một quy định khá mở, tạo điều kiện cho các nhà trường và giáo viên có thêm công cụ hỗ trợ quá trình dạy học. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện thì cần có những hướng dẫn cụ thể từ ngành giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Tường Vân - giáo viên Tiếng Anh - Trường THCS Minh Khai, TP Thanh Hóa chia sẻ: "Quan điểm của tôi là trong giờ học chính khóa không sử dụng điện thoại. Còn trong giờ học nhóm, học đội tuyển... các em có thể được dùng dưới sự kiểm soát của giáo viên, để tra cứu thông tin hoặc phục vụ cho môn Tiếng Anh có thể là tra cứu từ điển hay nghe phát âm".

Với quy định tại Khoản 4, Điều 37 Thông tư 32 thì học sinh muốn sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp phải: Phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Nếu thực hiện đúng được yêu cầu của Thông tư 32, tăng trách nhiệm giám sát của giáo viên thì điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho học sinh cũng như phụ huynh trong học tập và giảng dạy.

Thầy giáo Lê Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Tân, TP Thanh Hóa cho biết: Để thực hiện thông tư mới này, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn, học sinh được dùng trong trường hợp nào, không được dùng trong trường hợp nào để nhà trường có thể triển khai. Nhà trường cũng sẽ họp hội đồng giáo dục trường để quy định cụ thể môn nào, tiết nào được dùng, tránh trường hợp học sinh mang điện thoại đến trường nhưng không dùng cho mục đích học tập.

Ngoài 2 nội dung nêu trên, Thông tư 32 còn quy định thêm một số nội dung khác như: Giảm hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên; tăng số lần lưu ban của học sinh; bỏ cảnh cáo ghi học bạ đối với học sinh... đây là những quy định mới, mở, được xây dựng trên tinh thần vì sự phát triển toàn diện của học sinh và đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Hy vọng rằng, những đổi mới này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong áp dụng thực tiễn và tạo ra bước đột phá mới trong nền giáo dục nước nhà.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]