(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào đúng kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh bằng nhiều cách để bảo vệ an toàn cho con nhưng cũng giúp con có một kỳ nghỉ hè bổ ích, học được những kỹ năng đơn giản trong cuộc sống. Ở góc độ nào đó, dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội để trẻ trưởng thành hơn.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào đúng kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh bằng nhiều cách để bảo vệ an toàn cho con nhưng cũng giúp con có một kỳ nghỉ hè bổ ích, học được những kỹ năng đơn giản trong cuộc sống. Ở góc độ nào đó, dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội để trẻ trưởng thành hơn.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

Con trai lớn cô giáo Bình giúp mẹ thu hoạch rau trên sân thượng.

Nhật ký ở nhà một mình

Trong căn hộ thuộc chung cư C5 Mường Thanh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, bé Nguyễn Thiên Tân, 12 tuổi vừa ngáp vừa nhìn đồng hồ. Đã quá trưa mà bố mẹ chưa về. Cô em gái nhỏ Nguyễn Phạm Minh Giang, 9 tuổi, hết trò nghịch, chán nản lăn lộn trên giường rồi lăn ra ngủ, không mảy may quấy khóc, mè nheo. Bố làm công an, mẹ công tác tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, chuyện bố mẹ thay phiên nhau đi trực chúng đã quen nên chẳng đứa nào nghĩ gì.

Dường như hoàn cảnh đã biến những đứa trẻ này trưởng thành trước tuổi, luôn sẵn sàng lên “chiến tuyến” như bố mẹ chúng.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

12 tuổi Tân đã rất ra dáng anh trai cả khi dạy em gái làm việc nhà.

Trở về nhà khi đã quá trưa, chị Phạm Thị Hồng - mẹ chúng bật công tắc điện, nhẹ nhàng kê đồ đạc lên cao khỏi tầm với của con, rón rén bước ra ngoài rồi khóa cánh cửa phòng, để lại các con chìm trong giấc ngủ. Đối mặt với muôn vàn nỗi lo điện đóm, cháy nổ, trộm cướp... vợ chồng chị Hồng vẫn phải chấp nhận để hai đứa nhỏ ở nhà một mình. Bởi, ông bà nội, ngoại ở xa, mẹ không thể nghỉ làm, cũng chẳng thể mang theo các con đến bệnh viện.

Lịch sinh hoạt của gia đình chị Hồng bắt đầu khá sớm. Vợ chồng chị thường ra khỏi nhà lúc 7h sáng, sau khi đã chuẩn bị bữa sáng cho con. Ăn xong, hai anh, em tự bảo ban nhau lấy sách ra học. Học chán, chúng lấy đồ chơi ra chơi rồi nằm dài trông mẹ về mang theo bữa cơm trưa. Buổi chiều, hai anh em có thể ra ngoài chơi với các bạn sau khi bố, mẹ tan làm.

Ban đầu, chị Hồng cứ thắc thỏm khi phải để con ở nhà một mình, bởi thường ngày, con đi học về là chị phải lo tắm rửa, xúc cho con ăn, giúp con học tập, sắp xếp bài vở. Vậy nên dù đã chuẩn bị đồ ăn và dặn dò kỹ càng, chị Hồng vẫn có cảm giác không tin tưởng lắm khi giao đứa nhỏ cho đứa lớn trông.

“Mấy hôm đầu vì không yên tâm, tôi tranh thủ chạy về nhà thì thấy con trai đã tự tắt ti vi, cho em ăn. Đến chiều, khi tôi về đến nhà thì con trai đã dọn dẹp đồ chơi cẩn thận. Thấy mẹ về, con vào giúp tôi nhặt rau nấu cơm. Đấy là việc chưa từng xảy ra, bởi mọi khi hễ đi học về là con trai chỉ ngồi xem ti vi, mặc tôi làm việc nhà. Đến khi đi tắm, phải gọi mãi con mới chịu hợp tác”, chị Hồng nhớ lại.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

Cô bé Giang cũng rất nghe lời khi chăm chỉ nhặt rau giúp mẹ nấu cơm

Ngày thứ 2, thứ 3, rồi đến cuối tuần, chị Hồng chỉ theo dõi hoạt động của các con qua camera chứ không ghé về. Và lúc này, cả gia đình mới ngạc nhiên: Dường như con mình đã lớn! Mặc dù vẫn đôi lúc còn chành chọe với em và gọi điện mách mẹ nhưng chưa thấy mâu thuẫn lớn xảy ra; các con biết tự ăn, tự chăm sóc nhau mà không cần nhắc nhở.

Cái gọi là kỹ năng sống của các con những ngày ở nhà bỗng tăng lên một cách đáng kể, không còn ỷ lại bố mẹ như những ngày đi học hay dịp cuối tuần. Đến lúc này, chị Hồng mới thấm thía câu nói của một người bạn, rằng càng bao bọc thì con lại càng khó nuôi.

Chị tâm sự: “Không phải sấp ngửa đưa đón, chăm sóc con cái giúp tôi thư thả hơn một chút, không còn cáu gắt như mọi ngày. Thay vào đó, khi con ào ra đón mẹ về và khoe thành tích trong ngày, tôi sẽ lắng nghe con lâu hơn, trò chuyện với con nhiều hơn. Nhờ đó không khí gia đình nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

Làm việc nhà giúp các bé tránh xa màn hình tivi, rèn luyện sức khỏe khi ở nhà chống dịch

Cùng cơ quan và chung cư nơi chị Hồng sinh sống cũng có nhiều gia đình vì hoàn cảnh nên phải để con ở nhà tự chăm nhau. Nhiều mẹ khoe, các con thậm chí còn tự giặt đồ sau khi tắm, lau nhà trong lúc đợi mẹ về…

Sự ý thức phòng dịch của các con cũng khiến nhiều mẹ ngỡ ngàng, chị Nguyễn Thị Vân, chung cư C5 Mường Thanh, mẹ của cậu con trai 8 tuổi, chia sẻ: “Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên tivi, con trai luôn tự giác đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài. Có hôm 2 mẹ con đi thang máy, bé còn nhắc nhở mọi người hạn chế nói chuyện để phòng dịch. Lúc đó, mình thật sự bất ngờ vì sự hiểu biết và trưởng thành của con”.

Nhà là lớp học, bố mẹ là thầy cô

Thông thường, mùa hè vợ chồng chị Lê Thị Xuân ở đường Lê Lai, TP Thanh Hóa sẽ đưa hai con trai về quê ở Hoằng Hóa chơi và đi du lịch ít ngày rồi bước vào kỳ học hè. Nhưng năm nay, mọi hoạt động của hai con đều diễn ra tại nhà. Trải qua 3 đợt dịch trước đó, chứng kiến các con tự giác học online với cô giáo, chị đã lên kế hoạch thiết kế những ngày hè không nhàm chán cho con bằng cách đưa ra những kế hoạch nhỏ.

Là chủ một thẩm mỹ viện, chị Xuân làm việc tại nhà nên có nhiều thời gian hơn để “giao việc” cho con từ chuyện học hành đến làm việc nhà. Hai anh em tự phân chia thời gian mỗi ngày để hoàn thành công việc. Thời gian còn lại trong ngày, hai an, em sẽ bày trò chơi với nhau.

Chị cũng sẽ đưa ra các điều kiện thưởng, phạt để các con hăng hái thực hiện. Nếu hoàn thành kế hoạch, con sẽ được ghi một điểm tốt. Cuối mỗi đợt sẽ tổng kết điểm tốt để nhận “thưởng”. Phần thưởng thường là chiếc cặp mới, dụng cụ học tập hay một món đồ chơi mà con thích... Được mẹ hướng dẫn và có động lực thực hiện những công việc mới, Minh Sáng - 11 tuổi, đã biết phụ mẹ quét nhà, lau nhà, tắm cho em, giặt quần áo, nấu mấy món đơn giản; cậu em trai 9 tuổi, thì hào hứng rửa chén phụ anh. Chị Xuân cho biết: "Dù là con trai nhưng tôi vẫn tập cho các con biết làm mọi việc vì điều đấy tốt cho con trong quá trình tự lập sau này”.

Khác với chị Xuân, cô giáo Hồ Thị Bình, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, lại kéo 2 con mình lên sân thượng trồng cây. Chị hướng dẫn con ươm mầm, trộn đất, tưới nước, vun xới, bón phân, cách phân biệt hoa đực, hoa cái. Nhờ có khu vườn nhỏ, các con chị Bình hạn chế được điện thoại, iPad trong những ngày hè đang phải dừng nhiều hoạt động vì dịch bệnh.

“Tôi cũng chia sẻ với con về đặc điểm của côn trùng: con ong, bướm sẽ giúp cây thụ phấn, ngoài ra, sự tác động của con người cũng sẽ giúp các loại khổ qua, dưa leo kết trái”, chị Bình nói.

Trẻ trưởng thành hơn với một mùa hè đặc biệt

Mảnh vườn nhỏ là sân chơi cũng là lớp học của các con chị Bình.

Trở thành những nông dân nhí, các con đã hiểu được rau trái chúng ăn hàng ngày được hình thành thế nào. Lũ trẻ ưa vận động, thích trải nghiệm hơn và biết quý trọng những món rau mẹ chế biến cho cả nhà, vì có góp công sức trong đó.

Chị Bình chia sẻ: “Nhờ mảnh vườn trên sân thượng mà mọi thành viên đều có thêm nhiều niềm vui, người lớn giảm căng thẳng trong công việc, trẻ nhỏ có nhiều trải nghiệm bổ ích. Đây cũng là cách giúp con vận động, giữ sức khỏe tốt sau những ngày dài trong 4 bức tường. Buổi tối, cả nhà quây quần ăn cơm, kể chuyện, giải trí với nhau, vậy mà thấy vui lắm".

Dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại nên nếu cho con đi học thì nhiều gia đình vẫn chưa thực sự yên tâm. Những sắp xếp ban đầu mang tính thời vụ đã chuyển sang thế lâu dài, những đứa trẻ vốn quen được bao bọc nay đã bắt đầu tự lập. Giãn cách tại nhà là cơ hội để bọn trẻ được chơi, được lớn, được khám phá và hình thành cho mình những kỹ năng riêng.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]