Gùi chữ lên Tà Cóm
Chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa mưa xối xả. Vậy nhưng, mọi điểm trường ở các bản, làng xa xôi vẫn rộn ràng “bài ca trên non”.
Lễ khai giảng của thầy và trò điểm trường Tà Cóm.
Vời vợi Tà Cóm
Trường Tiểu học Trung Lý 2 nằm cách trung tâm xã Trung Lý (Mường Lát) chừng hơn 40km. Đây là một ngôi trường còn khá non trẻ với 20 năm thành lập, sau khi được tách ra từ Trường Tiểu học Trung Lý. Không thể nói hết những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất mà thầy, trò nơi đây phải trải qua. Sau khi sáp nhập điểm trường Cánh Cộng vào điểm trường Cá Giáng, thì Trường Tiểu học Trung Lý 2 còn 1 điểm chính và 4 điểm trường lẻ là Tà Cóm, Cá Giáng, Pá Búa, Lìn với 406 học sinh, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông. Các điểm lẻ nằm cách xa điểm chính từ 5 đến 15km, thầy cô giáo được phân đi cắm bản ở hẳn lại đó, thỉnh thoảng lại về điểm chính khi họp hội đồng hay giao ban hàng tháng.
Thầy Đỗ Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2 - người đã có 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở miền biên viễn Mường Lát trực tiếp chở tôi vào Tà Cóm - là điểm trường xa nhất. Vượt qua con đường độc đạo lầy lội, trơn trượt, bản Tà Cóm hiện ra với những mái nhà gỗ được lợp chủ yếu bằng ngói xi măng. Nổi bật nơi góc núi là 3 lớp học kiên cố.
Thầy giáo Hà Văn Hơn, phụ trách điểm Trường Tà Cóm cho biết: “Năm học 2024-2025 điểm trường có 91 học sinh. Để bảo đảm công tác giảng dạy cho năm học mới, trước đó giáo viên và dân bản đã chủ động dọn dẹp phòng học, trồng cây và sơn lại tường... Song, khó khăn nhất có lẽ vẫn là việc đi đến từng hộ thuyết phục gia đình cho các em nhỏ trong độ tuổi đến trường học “cái chữ” để hướng đến tương lai”.
Thầy giáo Hà Văn Hơn trong một buổi lên lớp.
Điểm Trường Tà Cóm tuy có 5 lớp, nhưng chỉ có 3 thầy giáo. Đồng nghĩa có 2 thầy giáo phải đảm nhiệm cùng lúc 2 lớp. Bên cạnh cơ sở vật chất, nhu cầu về nước sạch, thực phẩm với các thầy cũng rất bất cập. Vì điểm trường ở cách biệt nên phải nhiều tuần các thầy mới có thể xuống trung tâm xã một lần. Mỗi lần xuống, các thầy phải tranh thủ mua đủ thứ cần thiết để dự trữ.
Gieo chữ ở “vùng đỏ”
Vào những năm 2000, bản Tà Cóm là “vùng đỏ” về ma túy. Vòng quay luẩn quẩn với ma túy cứ bám riết lấy người dân nơi đây. Tháng 12/2004 Trường Tiểu học Trung Lý 2 thành lập, những lứa thầy cô đầu tiên của trường lưng đeo ba lô đựng giáo án, tay cầm túi cá khô, lạc rang, leo núi, vượt sông vào bản với quyết tâm đưa 100% trẻ đến trường.
Thời gian đầu các điểm trường nơi đây chưa có phòng học kiên cố, thầy trò ở nhà ghép gỗ, dựng trên nền đất ẩm thấp, không điện, không nước, không sóng điện thoại và không nhà vệ sinh. Ban ngày, các thầy cô tận dụng ánh sáng mặt trời để dạy học, tối đến chỉ dùng đèn dầu thắp sáng. Đến giờ nghỉ, người mang can đi xách nước suối về ăn uống, sinh hoạt, người tranh thủ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn toàn đồ khô. Nhưng sợ nhất ngày mưa bão, gió lớn tốc mái nhà, đồ đạc bay tứ tung, thầy cô phải sang nhà dân trú.
Điểm trường Tà Cóm, bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát).
Ngày ấy, cái khó của giáo viên là tiếp cận giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của các hộ dân để làm hồ sơ cho học sinh. Thầy Thủy cho biết: “Phải có sổ hộ khẩu, chúng tôi mới xác định tuổi của trẻ để xếp lớp, làm hồ sơ tuyển sinh và các chế độ an sinh xã hội". Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều không muốn lộ thông tin hoặc không nhớ, không biết ngày sinh của con. Đưa trẻ đến trường đã khó, duy trì sĩ số lớp ổn định không đơn giản. Thấy lớp vắng, thầy cô lại chèo đèo, lội suối đi vận động. Tuy nhiên, cái họ nhận được đôi khi là sự hắt hủi, ánh mắt giận dữ của phụ huynh.
Chủ tịch UBND xã Trung Lý Ngân Văn Lon chia sẻ: "Là điểm nóng về ma túy, bất ổn về an ninh xã hội nên không chỉ thầy cô, mà người khác đến bám bản Tà Cóm xây dựng kinh tế cũng bị nhiều đối tượng cản trở, gây khó khăn vì sợ là người của cơ quan công an. Nhưng mấy năm nay, công tác bảo đảm an ninh - trật tự được tăng cường nên số người nghiện ma túy ngày một giảm. Điện lưới quốc gia cũng được kéo về bản, cây sắn bán được giá, đời sống bà con đỡ vất vả hơn, sự học của con em mới được chú ý. Thầy cô vận động học sinh đến trường, yêu cầu phụ huynh cung cấp sổ hộ khẩu để làm giấy khai sinh, học bạ và các chế độ chính sách hỗ trợ dễ dàng hơn. Sĩ số trẻ đến lớp duy trì ở mức cao”.
Đường vào bản Tà Cóm.
Đặc biệt, Tà Cóm còn là bản có nhiều người vươn lên trong học tập, đỗ đại học. Nhắc về sự học ở bản nghèo này, các thế hệ thầy cô giáo “cắm bản” vẫn khâm phục nghị lực phi thường của Sùng A Chai - người đầu tiên đỗ đại học và sau này trở thành thầy giáo đầu tiên của bản Tà Cóm. Tiếp bước Chai, 4 người nữa đã tốt nghiệp đại học và đang có thêm nhiều em tiếp nối con đường học tập ở các trường cao đẳng, đại học.
Mặt trời khuất sau những ngọn núi. Trước khi ra về, thầy Thủy khoe sắp tới Trường Tiểu học Trung Lý 2 sẽ được xây mới và tương lai thoát nghèo đang đến gần hơn với người dân bản Tà Cóm...
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-09-13 16:30:00
35 học sinh/lớp: Có thể đáp ứng được
Bộ GD-ĐT phát động toàn ngành ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Xu thế tất yếu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Nhiều trường đại học lùi lịch nhập học của sinh viên, chuyển học trực tuyến
Nước sông Mã lên cao, học sinh ở một số điểm trường tại xã Phú Xuân phải nghỉ học
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao
Khi phụ huynh đồng hành định hướng nghề nghiệp cho con
Năm học mới: Hãy tạm biệt những “nỗi buồn cũ”
Năm học mới và đường tới trường...
Gieo những “hạt giống đỏ” tuổi 18 cho Ðảng: Nỗ lực “ươm mầm”