Hơn 150 cơ sở giáo dục đại học cùng bàn cách đổi mới quản trị
Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm về tự chủ đại học của các nước.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hôm nay, 15/12, hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã cùng tham dự hội thảo quốc gia “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng.”
Hội thảo do Câu lạc bộ mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương, Trưởng ban Tổ chức hội thảo cho biết chủ đề hội thảo là vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến thượng tầng kiến trúc và những nội dung thiết thực, cốt lõi nhất trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trong thời gian qua. Ban tổ chức đã nhận được gần 70 báo cáo có chất lượng của các đại biểu và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục từ các đại học, trường đại học trên cả nước.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ, đồng trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết các báo cáo hội thảo tập trung đánh giá thực trạng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm về tự chủ đại học của các nước; mối quan hệ giữa ban giám hiệu – hội đồng trường; thực trạng về tự chủ tài chính, tự chủ học thuật của các trường đại học.
Các báo cáo tại hội thảo cũng đã xem xét và khảo sát, đánh giá những nhân tố chủ yếu tác động đến tự chủ đại học ở Việt Nam. Báo cáo đề cập đến các vấn đề rất quan trọng như đội ngũ giảng viên, chuẩn đầu ra và sự hài lòng của sinh viên; chuyển đổi số; khung năng lực của giảng viên và người học; hoạt động kiểm định chất lượng; mối quan hệ của nhà trường, nhà khoa học với doanh nghiệp trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, điều thay đổi quan trọng nhất trong tự chủ đại học từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 là định hướng các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Qua các báo cáo tham luận của các đại biểu có thể thấy được bức tranh khá tổng thể về việc thực hiện tự chủ trong các trường đại học ở Việt Nam từ 2019 đến nay, gồm cả mặt tích cực và hạn chế. Tự chủ đại học đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập nhưng cũng còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
Cụ thể như cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của hội đồng trường với ban giám hiệu; vấn đề khái niệm đại học, trường đại học hay chỉ là các trường đại học; việc cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập...
Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định hội thảo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các các nhân, tổ chức về tự chủ đại học, cũng như đề xuất những kiến nghị xác đáng và thuyết phục để Đảng và Nhà nước tháo gỡ những rào cản, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam. Từ hội thảo này cho thấy các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quản quản lý nhà nước phải tiếp tục thay đổi từ nhận thức đến cơ chế vận hành, quản trị tự chủ đại học, phải đẩy mạnh tự chủ đại học để từ đó, các cơ sở giáo dục đại học nắm thời cơ và khơi thông các nguồn lực.
“Tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, nếu thực hiện tốt, đúng và đầy đủ, thực sự có thể ví như ‘khoán 10’ với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nếu biết tận dụng và phát huy tốt để cộng hưởng, phát huy những thế mạnh và tiềm năng, giáo dục đại học Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới,” Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất 4 nội dung, chủ đề hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2025 là: Đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam; triển khai đào tạo STEM; chuyển đổi số và ứng dụng AI trong giáo dục đại học; xây dựng các tiêu chí độc lập của Câu lạc bộ, của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam trong bối cảnh AI và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay./.
Câu lạc bộ bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB năm 2023 của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. Câu lạc bộ tập hợp thành viên là các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, bao gồm các hoạt động như bảo đảm chất lượng, tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, cập nhật tài liệu chuyên môn, đổi mới phương pháp và công nghệ giảng dạy; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và phục vụ cộng đồng; đóng góp hoàn thiện chính sách và trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. |
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-15 09:25:00
Nâng cao công tác quản lý học sinh trọ học xa nhà
-
2024-12-14 14:20:00
“Thoát ly” khỏi sách giáo khoa là điều nên làm
-
2024-12-12 09:55:00
Xây dựng môi trường học đường an toàn
Đưa kiến thức pháp luật đến học sinh
Quy định mới khi công nhận trường đạt chuẩn quốc gia
Đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
Cần có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học
Loay hoay chờ “chốt” phương án thi vào lớp 10 năm 2025
Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong trường học
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
Xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên