(vhds.baothanhhoa.vn) - Để ứng phó với dịch COVID-19, ngày 29-9-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 2697 về việc hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới. Hướng dẫn nhằm giúp các nhà trường triển khai đúng chương trình, song cũng tạo không ít áp lực đối với giáo viên và học sinh.

Khi giáo viên vất vả dạy “chạy COVID-19”

Để ứng phó với dịch COVID-19, ngày 29-9-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 2697 về việc hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới. Hướng dẫn nhằm giúp các nhà trường triển khai đúng chương trình, song cũng tạo không ít áp lực đối với giáo viên và học sinh.

Khi giáo viên vất vả dạy “chạy COVID-19”Buổi học ngày thứ 7 của học sinh Trường Tiểu học Quảng Bình (Quảng Xương).

Nội dung công văn nhấn mạnh: “Tranh thủ, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng học sinh có thể đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp. Tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi, dạy học cả ngày thứ 7 (đối với tất cả các lớp), dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú (đối với các trường có đủ điều kiện). Thời lượng dạy học không quá 7 tiết/ngày với nội dung là các bài học mới”.

Đến Trường Tiểu học (TH) Quảng Nham 1 (Quảng Xương) vào sáng thứ 7, không khí các lớp học rất nghiêm túc. Theo chia sẻ của Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Lê Ngọc Chế: “Lịch học ở nhà trường đối với học sinh lớp 1-2 là 10 buổi/tuần; lớp 3-4-5 là 9 buổi/tuần, gồm cả ngày thứ 2-3-5 và các buổi sáng thứ 4-6-7. Trước đây không phải ứng phó với dịch COVID-19, các buổi chiều giáo viên dành để hướng dẫn học sinh ôn tập nội dung kiến thức. Việc tăng giờ học đương nhiên gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh”.

Thầy giáo Lê Ngọc Chế còn cho biết thêm: Học sinh không có thời gian thẩm thấu được nội dung kiến thức và càng không có thời gian luyện tập nội dung mới. Còn với giáo viên, đây là năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo yêu cầu của chương trình, tối thiểu là 1,5 giáo viên/lớp và mỗi lớp không quá 35 học sinh. Để đảm bảo số học sinh thì chúng tôi phải có 7 lớp 1, điều đó đồng nghĩa với việc cần 10,5 giáo viên. Tuy vậy, vì không đủ giáo viên nên nhà trường đã phải dồn lại còn 5 lớp và mỗi lớp 1 giáo viên.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở Trường TH Quảng Bình (Quảng Xương), chị Lê Thị Hương cho biết: “Trong suốt 25 năm đi dạy, trong đó có 10 năm là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, đây là thời điểm khó khăn và áp lực nhất. Lương tâm nghề giáo không cho phép tôi để học sinh của mình học hết lớp 1 mà không biết đọc biết viết. Nếu năm học 2020-2021, với bộ sách giáo khoa Cánh diều, mỗi buổi học các em chỉ phải học 2 vần, thời gian buổi chiều để củng cố ôn tập, thì năm học 2021-2022, riêng môn tiếng Việt trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, mỗi buổi học các cháu phải học 4 vần. Để “chạy COVID-19”, học sinh phải học 7-8 vần/ngày. Cụ thể, ở lớp 1 bài 48, chúng tôi dạy 4 vần: “óc, ốc, úc, ức”/buổi. Nói thật, các con vừa ra lớp 1 làm quen với âm vần, học 2 vần đã khó, nói gì đến 4 vần/buổi, 7 vần/ngày”.

Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 do có các ca F0 trong cộng đồng, nên học sinh trên toàn huyện Quảng Xương đã có thời gian dừng tới trường từ 10-9 đến hết ngày 20-9. “Dạy chạy chương trình khiến giáo viên rất vất vả, nhưng còn hơn là dạy trực tuyến. Bởi như ở xã Quảng Nham (Quảng Xương), hầu hết các gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, con cái để lại cho ông bà, lại thêm thiếu thốn về phương tiện học tập, việc dạy trực tuyến chắc chắn sẽ khó cho cả thầy và trò", thầy giáo Lê Ngọc Chế chia sẻ.

Trường TH Thành Sơn (Quan Hóa) từ khi bắt đầu năm học 2021-2022 đến nay giáo viên và học sinh nhà trường chưa phải nghỉ buổi học nào. Tuy vậy, theo chia sẻ của thầy giáo Phạm Văn Loan, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Việc dồn kiến thức khiến việc dạy và học ở các trường TH trên địa bàn tỉnh nói chung và các trường ở khu vực miền núi nói riêng rất vất vả. Trước đây, thời lượng đứng lớp của giáo viên chỉ có 23 tiết/tuần, trừ 3 tiết chủ nhiệm là khoảng 20 tiết, nhưng giờ đây giáo viên phải dạy 30 tiết/tuần. Lượng kiến thức nhiều khiến học sinh không theo kịp. Trong Công văn số 2697 có hướng dẫn: “Chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và tổ chức thực hiện đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình cụ thể”. Tuy vậy, Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa không có văn bản hướng dẫn cụ thể mà chuyển trực tiếp công văn của Sở GD&ĐT để chúng tôi thực hiện. Với học sinh miền núi, để đảm bảo kiến thức như chương trình trước đây đã khó, nay dồn kiến thức của 3 tuần dạy trong 2 tuần, thực sự các em không tiếp thu được. Kể cả nếu không phải đối phó với đại dịch thì việc có 6-7 tuần ôn tập cũng chưa chắc đảm bảo kiến thức cho học sinh”.

Rõ ràng, tranh thủ, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng học sinh có thể đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp là rất thiết thực và phù hợp với tình hình hiện nay. Song chính điều này đã tạo những áp lực không nhỏ tới giáo viên và học sinh. Để đạt được mục tiêu bảo đảm dạy học trực tiếp được nhiều nhất và trong thời gian sớm nhất những nội dung chủ yếu, cơ bản, cốt lõi, quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông cấp TH, rất cần sự phối hợp của phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Cô giáo Lê Thị Hương, Trường TH Quảng Bình (Quảng Xương) chia sẻ: "Tôi thường xuyên phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn con đọc lại bài cũ và xem trước bài mới ở nhà. Đến lớp cô giáo chỉ rèn đọc câu, đọc đoạn… Dù rất thương các con, cả ngày đi học, tối về vẫn phải ngồi học bài, nhưng cả xã hội đang gồng mình chống dịch, thì giáo viên và học sinh phải cùng nhau cố gắng”.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]