Khi học sinh được miễn, giảm học phí
Đến nay, đã có 10 tỉnh, thành thực hiện miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Đây được xem là chính sách mang tính nhân văn cao bởi đã giảm được một phần gánh nặng cho phụ huynh về các khoản đóng góp trong năm học. Riêng Thanh Hóa, đang đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh tại vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão...
Do điểm trường thôn Leo thuộc Trường Tiểu học Thành Lâm (Bá Thước) bị sạt lở nên một lớp phải học tạm tại nhà văn hóa thôn. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
1. Từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất miễn toàn học phí cho học sinh THCS. Vấn đề này hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. THCS là cấp phổ cập nên cần thiết phải được miễn học phí.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành không chỉ dừng ở miễn học phí cho cấp THCS. Tại Hải Phòng, địa phương đầu tiên trong cả nước đã thực hiện miễn 100% học phí từ cấp mầm non đến THPT. Đặc biệt, địa phương này đã thực hiện miễn học phí trước khi có đề xuất của Bộ GD&ĐT.
Sau Hải Phòng, nhiều tỉnh, thành cũng áp dụng miễn, giảm học phí cho học sinh là Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Tính đến nay, cả nước đã có 10 địa phương miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.
Để thực hiện chính sách này, không phải tỉnh, thành nào cũng làm được. Trong đó, vấn đề kinh phí là yếu tố quyết định. Bởi, nếu không có nguồn tài chính ổn định thì không thể thực hiện miễn hay giảm học phí. Nếu đã thực hiện thì không chỉ thực hiện trong năm học 2022-2023 (mốc thời gian đề xuất miễn học phí của Bộ GD&ĐT) mà còn phải thực hiện ở nhiều năm học tiếp theo. Thực tế, đã có một số địa phương chỉ thực hiện được 1 năm học.
2. Sau khi Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương hỗ trợ học phí cho học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, một số tỉnh, thành cũng đã triển khai thực hiện. Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với một số ngành, đơn vị liên quan xác định cách thức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, thời gian và nguồn kinh phí hỗ trợ... Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có 17 điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra (chưa xác định mức độ thiệt hại đến người dân). “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để xác định đúng đối tượng, đúng mức độ ảnh hưởng sẽ khó khăn vì cần phải xác định được các tiêu chí mức độ thiệt hại đến đâu là được miễn học phí, mức độ thiệt hại đến đâu thì được giảm học phí. Qua tham khảo cách thức hỗ trợ học phí cho học sinh tại vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ của một số tỉnh, Sở GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết.
Miễn, giảm học phí cho học sinh sẽ giảm bớt gánh nặng đóng góp cho phụ huynh. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Theo đó sẽ có 3 phương án được đưa ra dành cho các đối tượng: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tại các cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và đối tượng là học sinh tiểu học trường dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên. Theo 3 phương án thì tùy thuộc vào ngân sách để thực hiện việc hỗ trợ học phí, có thể thực hiện 1 học kỳ hoặc cả năm học 2024-2025 (không quá 9 tháng).
Nếu phương án được thực hiện, đây là một sự động viên lớn đối với học sinh. Thực tế, do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão, tại nhiều điểm trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu vực miền núi, nhiều học sinh phải di dời ra khỏi điểm sạt lở. Trong đó, huyện Quan Sơn 3 điểm, Lang Chánh 2 điểm, Bá Thước 1 điểm... Tại huyện Bá Thước, hiện 2 khu điểm lẻ của Trường Tiểu học Thành Lâm, học sinh đang phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn.
Sự hỗ trợ, nếu được thực hiện, mừng có mừng nhưng như chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhà, thì sẽ khó khăn do phải xác định đúng đối tượng... Như vậy, phải thực hiện một cách công tâm, khách quan. Nếu không “sai một li đi một dặm”, việc hỗ trợ sẽ không còn ý nghĩa. Đây cũng là điều khiến nhiều địa phương băn khoăn. Họ cho rằng, nếu được hỗ trợ học phí sẽ giúp học sinh giảm gánh nặng đóng góp đồng thời giúp các gia đình tái thiết, phát triển kinh tế ổn định. Nhưng họ cũng bày tỏ sự lo ngại nếu như thực hiện không chính xác thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và... mang tiếng. Do đó, nếu xét đối tượng được hỗ trợ thì cần thiết phải có tiêu chí...
Như trên đã đề cập, không phải đợi đến khi ảnh hưởng của bão lũ mới thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí. Trước đó, nhiều địa phương đã thực hiện được sự miễn, giảm này. Đối với Thanh Hóa, nếu thực hiện ở năm học 2024-2025 thì hàng trăm tỷ đồng sẽ được hỗ trợ cho học sinh. Và có thực hiện ở những năm học tiếp theo còn phải phụ thuộc vào ngân sách... “Sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố giao trách nhiệm. Theo đó, triển khai đến các đơn vị trực thuộc xác định cụ thể, chính xác các đối tượng, báo cáo số liệu, tổng hợp học sinh được hỗ trợ, tổng hợp kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định”, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.
BẰNG AN
{name} - {time}
-
2024-11-23 11:49:00
Trường xanh, lớp xanh...
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-10-29 08:28:00
Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều ý kiến
[Góc nhìn]: Đằng sau vi phạm của học sinh
Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất
Bộ Giáo dục và Đào tạo rút đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo
Gian nan những điểm trường vùng biên
Gala chào mừng hơn 900 tân sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa
Hỗ trợ sách cho học sinh sau bão: Để không gián đoạn hành trình đi tìm con chữ
Phát động cuộc thi tiếng Anh Toefl Primary Challenge và Toefl Junior Challenge
Hơn 150 trường đại học Việt Nam và Liên Minh châu Âu thảo luận cơ hội hợp tác
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Vẫn còn những khó khăn