(vhds.baothanhhoa.vn) - Áp dụng trò chơi dân gian vào trường học cũng là cách để văn hóa truyền thống thấm nhuần vào tâm hồn của trẻ. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã đưa trò chơi này vào các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Khi trường học có “sân chơi dân gian”

Áp dụng trò chơi dân gian vào trường học cũng là cách để văn hóa truyền thống thấm nhuần vào tâm hồn của trẻ. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã đưa trò chơi này vào các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Khi trường học có “sân chơi dân gian”Học sinh Trường TH thị trấn Thọ Xuân hào hứng với trò chơi dân gian “Ô ăn quan”.

“Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?”, bài đồng dao vui nhộn này được các em học sinh Trường Tiểu học (TH) thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) hào hứng hát. Không chỉ dừng ở trò chơi “Rồng rắn lên mây”, trên sân trường, học sinh còn “trổ tài” với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác, là trồng nụ, trồng hoa, ô ăn quan, nhảy dây, lặc cò cò, hay mèo đuổi chuột...

Hôm nay, Phạm Tiến Đạt, lớp 5C được các bạn bầu là thầy thuốc trong trò chơi “Rồng rắn lên mây”. Khi đoàn rồng rắn hát tới câu “tha hồ mà đuổi”, “thầy thuốc” Đạt bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn và đã bắt được khúc đuôi, như vậy “thầy” đã loại được một người. Quệt giọt mồ hôi, “thầy thuốc” Đạt cho biết: “Vì em béo hơn các bạn nên được bầu làm thầy thuốc để đuổi cho khỏe, cho nhanh. Rất vui, ngày nào cũng chơi mà không chán”.

Từ nhiều năm nay, Trường TH thị trấn Thọ Xuân đã đưa trò chơi dân gian vào trường học, như một hoạt động trải nghiệm. Nếu trước đây, trò chơi được lồng ghép vào tiết sinh hoạt dưới cờ hoặc ở tiết giáo dục thể chất thì từ tháng 10/2023, nhà trường đã đưa ra ý tưởng vẽ mô hình một số trò chơi dân gian bằng sơn màu ngay trên sân trường để học sinh tham gia nhiều hơn. Trò chơi được vẽ bắt mắt, với những hình dáng ngộ nghĩnh, tạo sức hút lớn không chỉ đối với học sinh, giáo viên, phụ huynh mà ngay cả những người khách khi đến thăm trường cũng “choáng ngợp” bởi không gian đẹp này. 17 lớp với hơn 20 mô hình. Học sinh có thể chơi vào đầu giờ hoặc giờ ra chơi... Phó Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Thọ Xuân, cô giáo Lê Thu Hương cho biết: “Nếu nhà trường không tổ chức trò chơi thì học sinh sẽ không có nơi chơi. Thời buổi công nghệ, về nhà các em chủ yếu tiếp cận máy tính, điện thoại... Trong mục tiêu giáo dục, ở hoạt động trải nghiệm cũng hướng học sinh đến các trò chơi dân gian. Chính vì vậy, nhà trường mong muốn mang đến cho các em một sân chơi bổ ích, ý nghĩa, vừa rèn luyện sức khỏe vừa giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống”.

Khi trường học có “sân chơi dân gian”Trò chơi dân gian “Cướp cờ” với học sinh Trường TH Xuân Phú.

Cũng như Trường TH thị trấn Thọ Xuân, nhiều năm qua, trò chơi dân gian đã được đưa vào Trường TH Tây Hồ. Hoạt động này được thực hiện theo kế hoạch thường xuyên trong năm. Các trò chơi cũng được tổ chức vào giờ giáo dục thể chất, hoạt động ngoại khóa... Tuy trên sân trường không vẽ mô hình trò chơi bằng sơn màu, đơn giản hơn, ở Trường TH Tây Hồ các em vẽ bằng viên phấn, viên gạch nhưng không vì thế mà hạn chế niềm vui, tiếng cười. Ở đó các em vẽ trò ô ăn quan với vật liệu có thể là hạt xoan, đá cuội hoặc kẻ ô, viết số cho nhảy lò cò... Phó Hiệu trưởng Trường TH Tây Hồ, cô giáo Phạm Thị Hồng phấn chấn: “Tuổi thơ của mỗi người không thể rời xa các trò chơi dân gian. Nhà trường cùng học sinh “ngược về quá khứ” để tạo môi trường thân thiện, gần gũi, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa giữa thời đại công nghệ số. Rất vui, học sinh vô cùng hưởng ứng, trò chơi trở thành món ăn tinh thần, ý nghĩa với các em”.

Còn ở Trường TH Xuân Phú, nơi có 70% học sinh dân tộc Mường, các em cũng được đến với trò chơi dân gian ngay chính trong trường học của mình. Học sinh miền núi ít được giao tiếp, rụt rè trong ứng xử, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã giúp các em tự tin, gắn kết hơn. Trên sân trường, các em được chơi kéo co, bịt mắt bắt dê, thả đĩa ba ba... Theo chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, cô giáo Phan Thị Hà, ngoài giờ ra chơi thì vào tiết trông trẻ, ở cuối buổi chiều, giáo viên nhà trường cũng định hướng, hướng dẫn trò chơi dân gian cho học sinh với 1 - 2 tiết/tuần. “Có những trò chơi học sinh biết nhưng cũng có một số trò chơi các em chưa nắm vững về luật chơi, cách chơi thì giáo viên sẽ phổ biến lại như nhảy bao bố, mèo đuổi chuột... Trò chơi dân gian nào cũng luôn mang lại cho các em sự hào hứng, thích thú. Các em tự giác chơi, không cần phải nhắc nhở”.

Khi trường học có “sân chơi dân gian”Học sinh Trường TH thị trấn Thọ Xuân với trò chơi dân gian "Rồng rắn lên mây".

Ùa ra sân trường để hòa mình vào sân chơi dân gian, với rộn rã niềm vui, tiếng cười. Nét văn hóa truyền thống lại được tái hiện giữa thời công nghệ số. Trò chơi dân gian là một sản phẩm văn hóa của ông cha để lại và được xem là hội tụ đầy đủ các tính nghệ thuật trong mỗi trò chơi. Nói về tính hiệu quả khi trò chơi dân gian được đưa vào trường học, bà Trịnh Thị Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân hồ hởi: “100% các trường TH trên địa bàn đã làm được việc này. Thầy, trò và phụ huynh rất vui mừng khi học sinh yêu thích, say mê với các trò chơi. Ở đó, các em được tăng cường tinh thần đoàn kết trong tập thể, góp phần xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực” đồng thời góp phần duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]