(vhds.baothanhhoa.vn) - Kỳ nghỉ hè năm 2021 đã bắt đầu với các bạn nhỏ. Đó là quãng thời gian nghỉ ngơi, vui vẻ với trẻ thơ, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu không được sự giám sát của người lớn.

Không gian văn hóa, giải trí mùa hè: Mùa hè an vui

Kỳ nghỉ hè năm 2021 đã bắt đầu với các bạn nhỏ. Đó là quãng thời gian nghỉ ngơi, vui vẻ với trẻ thơ, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu không được sự giám sát của người lớn.

Không gian văn hóa, giải trí mùa hè: Mùa hè an vuiNghỉ hè nhiều gia đình cho con về quê, để trẻ có những trải nghiệm thực tế cuộc sống.

Nghỉ hè là... về quê

“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày...”, một người bạn thời đại học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội nói với tôi rằng: “Nghỉ hè phải được về quê mới là nghỉ hè”. Kỳ nghỉ hè này, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cả gia đình bạn không thể cùng về quê với những dự định. Tuy nhiên, bạn vẫn cố gắng thu xếp cho con gái 9 tuổi về với ông bà, để con được hít hà hương vị xanh trong, mát lành của khu vườn mùa hạ, cảm nhận trọn vẹn hương hoa dẻ ngan ngát không gian mỗi sáng mai thức dậy; nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” từ vườn đồi sau nhà vọng lại; đi cho gà ăn rồi nhặt trứng hay tự tay hái rau, bắt sâu; chiều chiều theo lũ trẻ trong xóm ra cánh đồng làng thả diều... Những hoạt động, trải nghiệm cuộc sống mà bạn tin rằng lũ trẻ sẽ không thể có được nếu chỉ làm bạn với ti vi, điện thoại... Và thẳm sâu, các ông bố bà mẹ muốn con có ký ức về quê hương, để sau này trong dòng đời tấp nập với những chênh chao của cuộc sống vẫn có một nơi gọi là quê hương cho con trở về...

Chị Nguyễn Thị Dung (phố Ngô Quyền, TP Thanh Hóa), chia sẻ: Vợ chồng tôi đều làm việc theo giờ hành chính nên việc ở nhà trông con là không thể. Trong khi đó, do hạn chế tập trung đông người vì dịch COVID-19, chưa biết khi nào các trường học mới mở lớp dạy hè, cũng không dám cho con đến các trung tâm học thêm. Vì thế, sau khi năm học kết thúc, vợ chồng tôi quyết định gửi hai con về quê với ông bà ngoại ở xã Định Hải (Yên Định) trong những ngày hè để con được trải nghiệm cuộc sống. Biết thế nào là cắt lúa, phơi rơm, hiểu được làm thế nào để ra hạt gạo, bắp ngô"... Cũng theo chị Dung, khi cho con rời phố về quê, bố mẹ phải chấp nhận con mình sẽ đen hơn do phơi nắng, chân tay nhiều nốt do muỗi, côn trùng đốt, thậm chí sau những ngày đầu về quê háo hức thì con sẽ kêu chán, đòi trở lại thành phố vì không được xem các chương trình giải trí trên ti vi, điện thoại; rồi việc sinh hoạt hằng ngày cũng thay đổi, không còn kiểu thức khuya dậy muộn, uể oải mỗi sáng; đồ ăn nhanh, chế biến sẵn tiện lợi bán nhiều ở thành phố hợp khẩu vị sẽ được thay thế bằng những bữa cơm ấm nóng đúng giờ cùng ông bà... Và để cả gia đình được gắn kết tình thân, đều đặn vào chiều thứ 6 mỗi tuần, vợ chồng chị cũng sẽ về quê để thăm ông bà, chơi với con.

Gia đình bác Lương Văn Đàm, thôn Tân Khánh, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) có 3 người con đang sinh sống, làm việc ở TP Thanh Hóa và Hà Nội. Ngày thường chỉ có hai ông bà quanh quẩn với ruộng vườn, mùa hè năm nay cả 5 cháu nội, ngoại cùng được bố mẹ cho về quê. “Cháu lớn nhất đã 13 tuổi và nhỏ nhất 5 tuổi, có thể trông nhau lúc ông bà dọn dẹp, cơm nước. Cuộc sống bình thường chỉ có hai người, bây giờ thêm các cháu có chút xáo trộn, bận rộn nhưng rất vui. Được gần gũi, chăm sóc con cháu thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Tuy nhiên, trông trẻ nhỏ không đơn giản, nhiều vấn đề không lường trước được nên lúc nào cũng phải có ít nhất một người lớn ở nhà, để mắt lũ trẻ”, bác Đàm chia sẻ.

Làng quê với cánh diều chao nghiêng mỗi buổi chiều lộng gió, cua cá ngoi lên ruộng cạn những trưa hè, nhìn chuồn chuồn bay mà đoán được thời tiết mưa, nắng... vốn không lạ lẫm với những bạn nhỏ sinh ra từ làng. Kỳ nghỉ hè với các em ở vùng quê, thay bằng những buổi cắp sách đến trường là ở nhà giúp bố mẹ cơm nước, phơi lúa, nhặt lạc... Còn với những đứa trẻ sinh ra nơi phố thị, “quê nhà” là cả một bầu trời bao la cần khám phá.

Để kỳ nghỉ an toàn

Dù kỳ nghỉ hè ở quê hay phố thì với các em nhỏ, đó cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học nhiều áp lực, nhưng nó cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ nếu trẻ không được sự quan tâm từ người lớn. Trong đó, đáng lưu tâm là vấn đề tai nạn thương tích - tai nạn đuối nước vẫn thường xảy ra ở trẻ em.

Tai nạn đuối nước được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại tai nạn thương tích trẻ em ở nước ta. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 174 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nhiều vụ việc tai nạn đuối nước xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng, như: vụ đuối nước tại xã Vĩnh Ninh, nay là xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) tháng 5-2019 khiến cho 4 học sinh lớp 7 tử vong; vụ đuối nước tại xã Nga Điền (Nga Sơn) vào tháng 5-2020 khiến 2 trẻ em trong một gia đình tử vong; vụ đuối nước tại xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) tháng 3-2021 khiến 2 trẻ em trong một gia đình tử vong; tháng 4-2021 vụ việc đuối nước ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) làm 4 trẻ em tử vong...

Không gian văn hóa, giải trí mùa hè: Mùa hè an vuiNguy cơ tai nạn đuối nước tiềm ẩn, nếu trẻ không được thường xuyên quan tâm nhắc nhở, trang bị kỹ năng bơi lội.

Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tổ chức các lớp tập huấn tại cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, tăng cường giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ; tập huấn trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm hỗ trợ trang thiết bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em...

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em (do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ thực hiện). Qua đó, đã tổ chức 110 lớp dạy bơi an toàn cho 2.200 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi; 80 lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 4.000 trẻ em ở 20 xã thuộc 6 huyện trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng: “Tai nạn đuối nước chiếm hơn 80% các vụ việc tai nạn gây tử vong ở trẻ em. Từ đầu năm 2021 đến nay, tai nạn đuối nước có diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ cần một vài sơ xuất, bất cẩn là tai nạn đuối nước đã có thể xảy ra, đặc biệt vào mùa hè, trẻ em được nghỉ học nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm. Bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở, quan tâm con của người lớn thì việc trang bị, dạy trẻ kỹ năng bơi lội là vô cùng cần thiết”.

Ngày 26-4-2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5426/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Khi tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ em, hậu quả để lại là điều khó có thể lường trước. Trong đó, có những vụ việc mà nỗi đau không gì có thể đong đếm hết. Bởi vậy, hơn ai hết, bố mẹ, gia đình sẽ là những người có trách nhiệm trực tiếp phải quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ; thực hiện phòng, chống đuối nước, để con em mình có những mùa hè ý nghĩa, an vui.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]