(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) ở gần các di chỉ mang dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn như di chỉ Hoằng Lý (nay thuộc TP Thanh Hóa), di chỉ Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Vì thế, dấu tích về sự tồn tại và tụ cư của con người là khá rõ nét.

Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóa

Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) ở gần các di chỉ mang dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn như di chỉ Hoằng Lý (nay thuộc TP Thanh Hóa), di chỉ Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Vì thế, dấu tích về sự tồn tại và tụ cư của con người là khá rõ nét.

Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóaDù được trùng tu, tôn tạo, song bà con Nhân dân làng Vĩnh Gia vẫn giữ lại những bức tường được xây dựng trước đó rất lâu.

Theo tài liệu lịch sử địa phương ghi lại, có dấu vết hành quân của các cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng, Bà Triệu và sau này là Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lê Đại Hành. Đến thế kỷ XII, thời Lý có ấn tích Tô Hiến Thành từng qua làng Chùa Gia được Nhân dân giúp đỡ. Thời Trần có tướng Trần Khát Chân đã đem quân vào đánh Chiêm Thành. Và thời kỳ Bình Định vương Lê Lợi khởi nghĩa, đánh đuổi quân Minh, một số địa danh trên vùng đất Hoằng Phượng đã được ghi trong sử sách. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp loạn, trên đường trở về Phú Xuân cũng có qua làng.

Trải qua thời gian, nhiều lần chia tách, sáp nhập song làng Vĩnh Gia luôn có vị trí quan trọng trong xã. Đặc biệt nơi đây có những di tích lịch sử khá nổi tiếng như chùa Vĩnh Phúc; nghè làng thờ tam vị đại vương (gồm: Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và tôn Thành hoàng làng).

Dẫn chúng tôi thăm nghè làng, ông Nguyễn Gia Luận, phó trưởng ban thường trực ban quản lý di tích, cho biết: Từ buổi sơ khai xây dựng làng Vĩnh Gia chỉ có 5 - 7 hộ, dần dần phát triển, sinh cơ lập nghiệp đến nay làng đã được chia tách thành 3 thôn: Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 2, Vĩnh Gia 3 với khoảng trên 4.000 nhân khẩu. Không chỉ thay đổi về diện mạo nông thôn mà đời sống từng gia đình cũng đã đổi thay theo hướng tích cực. Song, điều chúng tôi tự hào nhất là những nét văn hóa, truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo luôn được bà con giữ gìn. Hiếm có làng nào đến nay vẫn giữ được 52 sắc phong như làng Vĩnh Gia chúng tôi.

Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóaMột tấm bia cổ ở nghè làng Vĩnh Gia.

Được xây dựng từ thời nhà Lê, nghè làng Vĩnh Gia có cấu trúc chữ tam, mái cong, gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Cổng đền làm kiểu tứ trụ. Do bom đạn của giặc Mỹ, nghè bị hư hỏng nặng, sau này đã được bà con trùng tu tòa tiền đường, trung đường và cổng. Bước chân vào nghè, ngắm nhìn bức hoành phi với 4 chữ “quốc thái dân an”, lại thêm không gian thoáng đãng mát mẻ, ai cũng dễ chịu. Ngoài ra, ở tại nghè còn lưu giữ được nhiều câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi công lao to lớn của các vị thần được thờ. Căn cứ vào 52 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn phong thần cho các vị thần được lưu giữ thì nghè Vĩnh Gia thờ hai nhân vật lịch sử là Thái sư Tô Hiến Thành (thời Lý) và Lưỡng vệ Thượng tướng quân Trần Khát Chân (thời Trần). Trong đó có 16 đạo sắc phong thể hiện việc “Khi Tô Hiến Thành chỉ huy đạo quân nhà Lý chống quân xâm lược Ai Lao, mở phòng tuyến đánh giặc tại vùng đất Ái Châu, một đêm nằm mộng thấy một vị thần đến bày cho kế đánh giặc. Quả nhiên, khi tiến quân đều thắng trận. Tô Hiến Thành đã đề nghị nhà vua phong cho vị thần miếu hiệu là “Tiến hiền Thiên tôn” và trở thành Phúc thần của làng Vĩnh Gia. Từ đó, nghè Vĩnh Gia là nơi thờ “tam vị đại vương”.

Cùng với nhiều hiện vật quý còn lưu giữ, 52 đạo sắc phong (triều Lê 32 đạo sắc, triều Nguyễn 18 đạo sắc, triều Tây Sơn 2 đạo sắc), đã thể hiện những giá trị văn hóa riêng, đặc sắc của nghè làng. Theo lý lịch di tích, các đạo sắc phong này có từ thời Hồng Đức nguyên niên (1557) đến thời Duy Tân (1909) với nội dung chủ yếu là ca ngợi công lao giúp dân, giúp nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm thời Lý - Trần của các vị thần được thờ phụng tại nghè.

“Trải qua chiến tranh, nghè bị tàn phá nhưng thế hệ cha ông tôi vẫn giữ được những tờ sắc phong quý giá”, ông Nguyễn Xuân Sinh, người nhiều năm trông coi nghè làng, cho biết.

Đối diện nghè Vĩnh Gia là Vĩnh Phúc tự, còn gọi là chùa Gia. Chùa có ngôi tam bảo 5 gian rộng, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ Đinh, bên cạnh là phủ Mẫu. Phía trước là Tam quan đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, tầng trên là gác chuông trông rất bề thế và vững chắc. Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ bằng gỗ (trong đó có tượng Tam Thế và tượng Thích ca hài đồng), 4 pho tượng Mẫu, 1 cuốn thư chữ Hán ghi “Thánh bất khả tri”, 3 cỗ kiệu rước, 13 tấm bia đá có niên đại từ thời nhà Lê ghi việc tu sửa và đề danh những người công đức.

Năm 1994, chùa Vĩnh Phúc và nghè làng Vĩnh Gia tự hào đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóaMột góc thôn NTM kiểu mẫu Vĩnh Gia 1.

“Kể từ sau khi được công nhận, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng những đóng góp của bà con Nhân dân làng Vĩnh Gia, các di tích đã được trùng tu, tôn tạo khang trang. Đặc biệt, từ năm 1999, đều đặn hằng năm chúng tôi đều tổ chức hội làng kéo dài 3 ngày từ mùng 8 đến 10/2 âm lịch. Đây là dịp để con cháu trở về, đồng thời cũng là cơ hội để tình làng, nghĩa xóm thêm gần gũi, đoàn kết”, ông Nguyễn Xuân Sinh, nói thêm.

Bên cạnh các di tích được xếp hạng, ở Hoằng Phượng nói chung, Vĩnh Gia nói riêng, còn có di sản phi vật thể hát chèo được bà con Nhân dân giữ gìn. Kể lại về những năm trước đây, ông Nguyễn Gia Luận cho biết thêm: "Khi tôi còn nhỏ, lễ hội làng tổ chức suốt cả tháng 2 âm lịch. Cũng ở vị trí của nghè làng Vĩnh Gia hiện nay, xưa có cồn lớn, xung quanh là hồ nước bao bọc. Mùa lễ hội các cụ đóng rạp ở trên cồn và diễn tuồng, diễn chèo say mê. Nay lễ hội chỉ diễn ra trong 3 ngày, song ngoài các trò chơi, trò diễn dân gian, biểu diễn hát văn, hát giao duyên, hát xẩm thì hát chèo luôn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân làng Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng".

Về làng Vĩnh Gia những ngày này, bà con thôn Vĩnh Gia 2 đang rộn ràng đón nhận thôn NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Thế Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng, cho biết: Làng Vĩnh Gia rất phong phú về văn hóa với chùa, nghè và giáo họ. Bà con Nhân dân luôn đoàn kết để xây dựng làng ngày một phát triển. Trên đất làng Vĩnh Gia xưa nay là ba thôn, trong đó thôn Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 2 đã được công nhận NTM kiểu mẫu, và từ nay đến hết năm 2024, thôn Vĩnh Gia 3 sẽ nỗ lực về đích NTM kiểu mẫu.

*Bài viết có sử dụng tư liệu sách "Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Phượng (1953-2020).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]