(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra tại làng Khả Lam, huyện Lương Giang, phủ Thành Đô (nay thuộc làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Lê Lộng (1396-1465) tham gia vào khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Ông là võ tướng mưu trí, gan dạ, quyền biến trong chiến trận.

Lê Lộng - võ tướng mưu trí

Sinh ra tại làng Khả Lam, huyện Lương Giang, phủ Thành Đô (nay thuộc làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Lê Lộng (1396-1465) tham gia vào khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Ông là võ tướng mưu trí, gan dạ, quyền biến trong chiến trận.

Lê Lộng - võ tướng mưu tríĐền thờ Lê Lộng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011.

Từ năm 1418 đến năm 1428, trong 10 năm “nếm mật nằm gai”, chinh chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lộng tham gia hầu hết các trận đọ sức của nghĩa quân với quân Minh. Trong đó có trận ở Lạc Thủy (vùng thượng lưu sông Chu), Mường Mọt (nay thuộc huyện Thường Xuân), đèo Ống (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước); Sách Khôi (thuộc vùng giáp ranh giữa Thạch Thành (Thanh Hóa), Nho Quan (Ninh Bình) và Đông Nam (Hòa Bình)...

Năm 1423, trong thời gian nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh tạm thời hòa hoãn, Lê Lộng theo Lê Lợi về căn cứ Lam Sơn để củng cố xây dựng lực lượng, thực hiện chiến lược “Bên trong lò rèn chiến cụ/ Bên ngoài giả thác hòa thân” (Phú núi Chí Linh).

Năm 1424, quân Lam Sơn mở cuộc chuyển hướng chiến lược vào Nghệ An, Lê Lộng cùng với Lê Nỗ, Lê Đa nhận mệnh đi đánh giặc ở Khả Lưu (nay thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Năm 1426, sau khi cả vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn đã trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, trở thành trung tâm của toàn bộ phong trào kháng Minh trong cả nước và đang trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Lê Lợi quyết định tổng tiến công ra Bắc. Vâng mệnh Lê Lợi, Lê Lộng cùng với Lê Ngân, Lê Quốc Hưng đem binh đi đánh giặc ở Tốt Động, Ninh Kiều... chém được tướng giặc là Trần Hiệp, Lý Lượng và hơn năm vạn quân giặc.

Năm 1427, Lê Lộng còn được bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cùng các tướng Trần Lựu, Phạm Bôi, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Lê Liệt, Lê Thụ, Phạm Văn Liêu... đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 100 ngựa, 5 voi chiến mai phục ở cửa ải Chi Lăng và đánh tan quân viện binh của Nhà Minh do Liễu Thăng chỉ huy. Trận Chi Lăng đã kết liễu tướng giặc Liễu Thăng ở núi Mã Yên, đánh tan hy vọng được cứu viện của Vương Thông ở thành Đông Quan.

Năm Mậu Thân 1428, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vương triều Lê Sơ được thành lập. Khi vua Lê Thái Tổ luận công ban thưởng, dù chỉ mới 32 tuổi nhưng ông đã được vua ban tước Khang Vũ Hầu, Kiệt tiết tuyên lực công thần, Ngân thanh Vinh lộc đại phu, giữ chức Tả xa kỵ vệ Đại tướng quân.

Lê Lộng - võ tướng mưu tríBia ghi thân thế sự nghiệp của Thái úy Khang quốc công Lê Lộng được con cháu trong dòng họ dựng lại.

Kể cả khi Lê Lợi mất, rồi lần lượt qua các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, ông vẫn luôn là người cận thần được vua tin yêu. Đặc biệt, thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), Lê Lộng là một cận thần được trao nhiều trọng trách của triều đình, giữ chức Tuyên úy xứ Lạng Sơn. Năm 1437, Lê Lộng lại giữ chức Tuyên úy đại sứ. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lộng được phong làm Đô Đốc bình chương sự.

Trong 37 năm làm quan cùng 4 triều đại vua, ông đã được 13 lần thăng chức, từ chức quan Nội hầu phong, đến Hương thượng hầu, rồi đến Thượng trí tự (tước hầu cao nhất trong triều đình).

Tháng 9/1465, Lê Lộng mắc bệnh hiểm nghèo và mất tại phủ đệ Kinh sư (tức kinh đô Thăng Long). Triều đình cấp tặng lễ vật để lo việc cúng tế, truy tặng các đồ uy quan táng lễ đầy đủ, nghỉ thiết triều 3 ngày, sau đó đưa thuyền chở về quê an táng. Ông được truy tặng tước Khang Quốc công, ban tên thụy là Chiêu Trang, ban phong Thượng đẳng Phúc thần.

Theo văn bia thờ Lê Lộng do tiến sĩ Nguyễn Trực chép, có đoạn viết: “Ông tính trầm lặng, mạnh mẽ, nhưng quả quyết, làm quan trải 4 triều vua một lòng cần lao phò tá vương gia, đánh Đông, dẹp Tây thật có công lớn, một lòng sắt son trước sau đáng nêu danh vậy”. Noi gương ông, thế hệ con cháu nhiều người đã trở thành quan lớn. Con trai trưởng là Lê Khắc Cần, làm chức quan Nhập nội thiếu úy; con trai thứ Lê Khắc Kiệm làm quan dưới triều Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông được giao giữ chức Bắc quân Đô đốc, phủ tả đô đốc, Tổng quản trấn Nghệ An xứ; Cháu nội ông gồm Đại tướng quân Lê Khắc Khoan, Tiến sĩ Lê Khắc Nhân, Thượng tướng quân Lê Công Hiền... Họ đều là những công thần có công lao to lớn đối với đất nước, là những người được dân làng tôn quý, phụng thờ.

Lý giải với chúng tôi về việc Lê Lộng vốn là lang đạo gốc Mường nhưng đền thờ ông cùng 4 người thê thiếp và con trai thứ Lê Khắc Kiệm (làm quan dưới triều vua Lê Thánh tông, Lê Hiến tông) lại ở xã Thọ Vực (Triệu Sơn), ông Lê Công Đỉnh, hậu duệ đời thứ 18 dòng họ Lê Công, cho biết: “Theo gia phả của dòng họ thì đây là quê vợ của Lê Lộng, và được vua ban lộc điền Khai quốc công thần Lê Lộng là thành hoàng làng Công Lập, đồng thời là thủy tổ dòng họ. Đền có niên đại khoảng 400 năm và hiện đang lưu giữ 7 sắc phong về Thái úy khang quốc công Lê Lộng”.

Cùng với thời gian, không gian của đền đã thay đổi, nhà tiền đường cũng đã khác xưa duy chỉ có hậu cung là vẫn giữ nét kiến trúc của lần sửa chữa năm 1848.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Công Đỉnh cho biết: “Mỗi lần vào ngày giỗ cụ Lê Lộng, lớp hậu duệ chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đền thờ Thái úy khang quốc công Lê Lộng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011 nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Được biết, huyện Triệu Sơn đã triển khai dự án mở rộng khuôn viên đền thờ Lê Lộng tại xã Thọ Vực đồng thời xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, dự án hiện đang tạm dừng. Địa phương rất mong đền sớm được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của Nhân dân”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]