(vhds.baothanhhoa.vn) - Là đơn vị chủ đầu tư thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV), Liên minh HTX tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò quản lý, giám sát trong triển khai thực hiện các dự án. Trong đó, việc lựa chọn đối tượng người dân tham gia là một trong những khâu quan trọng quyết định thành công, hiệu quả của các dự án.

Lựa chọn đối tượng tham gia các dự án giảm nghèo

Là đơn vị chủ đầu tư thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV), Liên minh HTX tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò quản lý, giám sát trong triển khai thực hiện các dự án. Trong đó, việc lựa chọn đối tượng người dân tham gia là một trong những khâu quan trọng quyết định thành công, hiệu quả của các dự án.

Lựa chọn đối tượng tham gia các dự án giảm nghèoĐược hỗ trợ giống, đàn gà của hộ gia đình anh Hoàng Văn Mão, thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc (Thường Xuân) đang sinh trưởng tốt.

Tại huyện Thường Xuân, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình MTQG GNBV, Liên minh HTX đã phối hợp với UBND huyện và các chủ đầu tư triển khai dự án nuôi lợn nái đen sinh sản tại thị trấn Thường Xuân, xã Ngọc Phụng; nuôi gà ri theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại xã Xuân Lộc. Sau hơn 3 tháng triển khai, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả, bước đầu nhận thấy những tín hiệu tích cực, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất truyền thống của người dân.

Bà Hoàng Thị Lài, công chức Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, cho biết: "Đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu, chúng tôi đã định hướng, tư vấn cho xã, thị trấn và đơn vị chủ trì liên kết lựa chọn các đối tượng hộ dân phù hợp. Không chỉ có nguyện vọng tham gia mô hình mà còn có đủ điều kiện về chuồng trại, trình độ sản xuất bảo đảm thực hiện dự án hiệu quả. Với phương châm đó, hiện nay 2 dự án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần đưa những giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa cho người dân".

Cùng tham gia đoàn kiểm tra dự án Liên kết chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Xuân Lộc vào cuối tháng 9/2024, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn vai trò của việc lựa chọn đối tượng người dân tham gia dự án GNBV. Từ nguồn hỗ trợ, dự án đã trao 3.479 con gà ri giống và hơn 11,8 tấn thức ăn hỗn hợp cho 61 hộ dân địa phương. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, tỷ lệ hao tổn của dự án chỉ ở mức 4,6%, hiện tại 95,4% số gà giống được phát đang sinh trưởng và phát triển ổn định, đã có đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Hoàng Văn Mão, thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc - một trong những hộ dân có tỷ lệ nuôi ổn định, cho biết: "Là hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi được hỗ trợ 35 con gà giống, gia đình mua thêm khoảng 100 con giống để tiện công chăm sóc. Nhờ chuẩn bị tốt vệ sinh chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình duy trì tổng đàn ổn định. Đến đầu tháng 10, đàn gà đã đạt trọng lượng từ 1,3-1,6kg/con. Dự kiến sẽ xuất bán vào cuối tháng 11, trọng lượng ước tính đạt 2,5-3kg/con. Với hiệu quả như trên, hầu hết các hộ đã tham gia dự án đều dùng lợi nhuận để mua giống, tái đàn và nhân đàn phát triển kinh tế".

Tương tự với dự án hỗ trợ liên kết sản xuất lúa nếp hương tại xã Giao Thiện (Lang Chánh) do HTX Dịch vụ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) là đơn vị chủ trì liên kết. HTX đã phối hợp với địa phương lựa chọn các hộ dân có truyền thống, kỹ thuật sản xuất lúa nước và nằm trong vùng liên kết để triển khai hỗ trợ. Nhờ được cấp nguồn giống bảo đảm, tập huấn sản xuất và người dân tuân thủ hướng dẫn chăm sóc của cán bộ khuyến nông nên 54,4ha lúa nếp hương trong vụ mùa 2024 cho năng suất khoảng 50 tạ/ha, cao hơn 1,2 lần so với sản xuất lúa nếp truyền thống. Người dân địa phương đã nhận định đây là mô hình sản xuất hiệu quả và dự kiến nhân rộng trong những vụ tiếp theo.

Ở hầu hết các dự án giảm nghèo, ngoài công tác chỉ đạo điều hành, huy động nguồn lực thì phát huy vai trò “chủ thể” của người dân là yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công. Bởi họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là nhân tố trực tiếp triển khai, thực hiện dự án. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: "Trong 2 năm 2023 và 2024, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện chuyển tiếp và triển khai 6 dự án giảm nghèo, từ nguồn vốn của Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình MTQG GNBV. Theo đó, có gần 1.000 hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, dân sinh của các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh được thụ hưởng dự án. Để các dự án đạt hiệu quả tốt nhất, bên cạnh việc thực hiện đúng các khâu kỹ thuật, quy trình triển khai dự án, Liên minh HTX tỉnh luôn yêu cầu và giám sát đơn vị chủ trì liên kết phối hợp với các địa phương lựa chọn những hộ có mong muốn phát triển kinh tế bền vững, đủ điều kiện về tư liệu sản xuất (chuồng, trại), trình độ sản xuất và đúng đối tượng thụ hưởng theo các quy định của Nhà nước. Đến nay, 6/6 dự án đã và đang đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa gắn với các chuỗi giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững".

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]