(vhds.baothanhhoa.vn) - Cây mít thân thuộc với người Việt từ ngàn xưa. Trải dọc ba miền Bắc - Trung - Nam, miền nào cũng trồng được mít.

Mít hát lời quê

Cây mít thân thuộc với người Việt từ ngàn xưa. Trải dọc ba miền Bắc - Trung - Nam, miền nào cũng trồng được mít.

Mít hát lời quêMinh họa của H.L

Mít là loại cây bóng mát có tác dụng che nắng nóng rất tốt. Cây cao to, lá xanh quanh năm, tán dầy chịu được thời tiết khắc nghiệt. Mít giúp cân bằng môi trường sống, điều hòa không khí, đem đến không gian trong lành mát mẻ, đặc biệt vào mùa hè.

Quê tôi nhiều mít và ổi. Hầu như nhà nào cũng có vài ba cây, có khi cả một vườn luôn. Mít trước ngõ vào cổng, mít ven hàng rào, mít dọc bờ ao... Mít thân thiện với người quê như thành viên trong nhà. Ngày cha về miền mây trắng, mít cũng được thắt khăn tang đủ một trăm ngày. Nếu nhà nào lỡ quên, cây buồn, ba năm không ra trái... mít chờ đoạn tang.

Mít có nhiều loại nhưng chủ yếu phân ra hai loại chính là mít dai và mít mật. À còn mít na quả nhỏ, tròn trịa, múi dầy ăn giòn hơn mít thường nhưng không ngọt bằng. Ở miền Nam còn có mít tố nữ cũng nổi tiếng ngon.

Tháng giêng, tháng hai xuân về. Cây bắt đầu ra búp non, búp non thành lá. Từ thân cây nhú ra vô số những chồi. Từ chồi nhú ra hoa đực và hoa cái. khi chùm hoa nứt vỏ, rất khó phân biệt. Lớn lên, lớp áo vàng bao kín hoa cái bung ra để lộ lớp gai xanh xung quanh và cứ ngày một to dần lên thành quả mít. Hoa đực không mặc áo, thường chỉ to bằng ngón tay, xung quanh phấn vàng nhạt mịn màng.

Đêm vắng. Đi gần cây mít nhiều hoa “đang nở” thoảng mùi thơm ngai ngái, tôi hái bỏ vào lá chuối khô túm lại. Sáng mai mang đến lớp cho bạn bè cùng ăn. Có lần vô tình hái nhầm hoa cái không ăn được, phải dúi xuống ao bèo tây. Mẹ mà biết thì no đòn. Tôi ân hận vì không nhìn kỹ đã bức tử oan quả mít non.

Hoa đực cuống nhỏ thon không có cánh, vàng dần rồi chín. Màu vàng chính là phấn của hoa. Bà bảo những ai đang cho con bú, ăn dái mít sữa sẽ nhiều hơn. Chả biết có đúng không, nhưng ngày ấy món này là món chống đói của lũ trẻ nhà quê chúng tôi.

Dưới gốc mít bọn tôi chơi nhảy dây, đánh chuyền, trốn tìm. Đói thì vặt dái mít chấm muối. Có hôm tôi bị nghẹn không thở được, trợn cả mắt lên. Bọn bạn chết khiếp, thi nhau vuốt ngực cho trôi xuống. Lũ chào mào ngó nghiêng nhìn như chế nhạo. Tôi quát thầm: “Chờ đấy, tí nữa tao hết cơn thì chúng mày biết tay!”.

Hoa mít đực chín trong vòng ba bốn ngày. Nghe nói bây giờ người ta còn thụ phấn nhân tạo từ phấn hoa đực cho hoa cái. Lấy tay miết vào hoa đực, cho phấn bám vào rồi xoa đều lên mình hoa cái.

Tháng ba, mưa phùn là liều thuốc thần tiên cho hoa cái. Chúng lớn nhanh, mỡ màng như gái dậy thì. Hoa đực héo úa, gục đầu rụng về với đất, sau khi đã mãn nguyện với sứ mệnh cao cả của mình. Ba, bốn tháng sau, những quả mít vào mật. Quả trước quả sau, nối nhau mà chín.

Mùa hè vườn rộn tiếng ve. Đã thành thói quen, sáng dậy là mấy chị em chạy ngay ra cây mít ở chái nhà để “búng”. Tiếng búng nghe bồm bộp, là mít đã già. Thấy mùi thơm y rằng có quả đã chín.

Mít được hạ xuống, lũ trẻ tranh nhau hít hà. Trong nhà, mẹ xới cơm nếp ra rá cho nguội. Mùi thơm của mít quyện với mùi nếp. Nhón một miếng cơm, cắn thêm miếng mít. Chà, vừa thơm vừa ngọt, ngon xuýt xoa.

Quê tôi bổ mít không ai ăn một mình. Sau khi lấy lá mướp chùi cho hết nhựa thì mít được chia làm nhiều phần. Mẹ phân công từng đứa sang nhà họ hàng để cho. Đó mãi là tấm lòng thơm thảo của người quê chân chất thật thà...

Mít được lọc lõi rồi bẻ cong để tách phần xơ và múi. Xơ cho vào nấu cám lợn, hột rửa sạch phơi khô rồi đem luộc.

Tháng năm âm lịch mít bắt đầu chín. Ngày tết “giết sâu bọ” bao giờ mẹ em cũng có đĩa mít và bát cái rượu nếp. Mấy chị em thích lắm, ăn vào sâu bọ chả biết có chết không. Chỉ thấy hôm sau rôm mọc thành vầng như cơm cháy.

Mít cũng có xơ đực và xơ cái như hoa mít vậy. Xơ đực gầy nhạt, xơ cái béo ngọt. Và dĩ nhiên ai cũng thích xơ cái rồi. Có ông chú họ đi bắt lươn về vừa đi vừa ngâm nga, giọng khê đặc thuốc lào: “Thân em như tấm mít xơ/ Chó chê không cạp, ai ngờ anh thương”. Chúng tôi ngâm mình tắm ao nhại lại, ông chú huơ cái lờ lên dọa: “Mai sang nhà, đừng hòng tao cho ăn mít nhá!”.

Sau này để nhớ về quê, về tuổi thơ, nên dù đất có hạn, tôi vẫn dành một góc để trồng mít. Cây không phụ người, năm nào cũng cho sai quả.

Bây giờ mới giữa tháng tư. Hoa mít đã tàn. Những vạt nắng non mơn man trên đầu mít mẹ. Mít con lúc lỉu xếp hàng từ gốc đến thân cây. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, mít sẽ chín, thơm nưng nức một góc vườn. Ve ran ran tấu lên bản nhạc gọi hè, tre nghiêng mình nghe mít hát lời quê...

Tản văn của Lê Phương Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]