(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đảm bảo môi trường sống cho nhân dân và phòng trừ dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau lũ đang là vấn đề cấp bách, được ngành Y tế và các địa phương khẩn trương thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch sau lũ

(VH&ĐS) Đảm bảo môi trường sống cho nhân dân và phòng trừ dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau lũ đang là vấn đề cấp bách, được ngành Y tế và các địa phương khẩn trương thực hiện.

Tại huyện Hậu Lộc, tính đến sáng ngày 13/10 vẫn còn 935 hộ dân bị ngập và ngập nặng, trong đó có những xã bị ngập nặng là: Xuân Lộc, Phong Lộc...

Ông Nguyễn Văn Khoản - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc, cho biết: “Ngay sau nước rút, trong sáng ngày 13/10, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ, nhất là các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết… Đồng thời huy động lực lượng của đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cùng tham gia khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạo vét bùn đất cho các hộ bị ảnh hưởng. Tổ chức phun khử trùng toàn bộ các vùng bị ngập lụt và hướng dẫn người dân xử lý nước uống, nước sinh hoạt”.

Với phương châm nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh đến đó, vệ sinh từ trong nhà rồi đến đường làng, ngõ xóm, Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc đã cắt cử cán bộ xuống các xã, thị trấn cùng với nhân viên y tế hướng dẫn dọn dẹp vệ sinh môi trường, kiểm tra tình hình tại các khu dân cư về độ ô nhiễm nguồn nước, sức khỏe người dân… và cùng với chính quyền địa phương thu gom, chôn xác động vật trôi nổi.

Cán bộ y tế xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc cấp clomin B cho người dân.

Xã Phong Lộc là một trong những nơi bị ngập nặng nhất huyện Hậu Lộc. Đến chiều ngày 13/10 vẫn còn 213 số hộ bị ngập, trong đó 2/3 số hộ bị ngập nặng, phải di chuyển bằng xuồng. Ông Lê Đức Khanh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phong Lộc cho biết: “Đối với những hộ ngập sâu, trạm đã cắt cử nhân viên y tế túc trực, nhằm chủ động hướng dẫn, phòng ngừa dịch bệnh kịp thời cho nhân dân. Trong mấy ngày tới, khi công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn hoàn tất, trạm sẽ tiến hành công tác khử trùng, tiêu độc ở những nơi này, qua đó đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường học tập”.

Theo ghi nhận tại một số khu dân cư ở tạm tại các huyện Thạch Thành, Yên Định… đã xuất hiện các bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy. Các nhân viên y tế đã có mặt kịp thời cấp phát thuốc.

Tại các địa phương có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường do khối lượng lớn xác chết động thực vật như Yên Định, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng thì ngành y tế cùng với môi trường và lực lượng chức năng tổ chức thu gom xác động vật và xử lý bằng hóa chất sau khi chôn.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ, ngành Y tế Thanh Hóa đã giao Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, thân thể và ăn uống trong mùa mưa lũ. Tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh thường gặp sau lũ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, buồng bệnh.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị, thành phố cũng đã thành lập mỗi đơn vị 2 tổ điều trị với đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc men… sẵn sàng chi viện khi có nhu cầu. Đồng thời, ngành Y tế cũng đã cấp cơ số thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Trung tâm Y tế các huyện: Thạch Thành, Hà Trung, Yên Định, Thường Xuân, Nông Cống.

Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]