(vhds.baothanhhoa.vn) - Bằng kiến thức chuyên môn, niềm đam mê công tác xã hội và những việc làm thiết thực nhiều bạn trẻ ở Thanh Hóa đang góp sức mình để chống biến đổi khí hậu. Thông qua những hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, tái chế các vật dụng phế thải, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, người trẻ mong muốn truyền tải thông điệp mỗi người một việc nhỏ, chung sức xây dựng nên cuộc sống xanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tuổi trẻ Sầm Sơn góp sức chống biến đổi khí hậu

Bằng kiến thức chuyên môn, niềm đam mê công tác xã hội và những việc làm thiết thực nhiều bạn trẻ ở Thanh Hóa đang góp sức mình để chống biến đổi khí hậu. Thông qua những hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, tái chế các vật dụng phế thải, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, người trẻ mong muốn truyền tải thông điệp mỗi người một việc nhỏ, chung sức xây dựng nên cuộc sống xanh.

Đã thành thói quen, cứ vào chủ nhật đầu tiên của tháng, đoàn viên, thanh niên phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn lại chia thành những tốp nhỏ đến từng khu phố hỗ trợ cùng người dân làm nên “Ngày chủ nhật xanh” dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh. Chị Vũ Thị Hiệp - Bí thư Đoàn phường Quảng Châu, chia sẻ: “Được sinh ra và lớn lên tại TP du lịch Sầm Sơn là một niềm tự hào với mỗi người trẻ chúng tôi. Mỗi năm Sầm Sơn đều đón hàng triệu du khách đến du lịch và tham quan. Sự phát triển của các dịch vụ du lịch cùng với thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân, du khách, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu khiến cho môi trường thành phố bị ảnh hưởng. Với mong muốn được đem sức mình bảo vệ môi trường biển cho Sầm Sơn, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong phường”.

Với khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường biển là bảo vệ chính cuộc sống của mình”, chị Hiệp cùng với đoàn viên, thanh niên thường xuyên tham gia các cuộc họp tổ, khu phố. Và tại đây, chị trực tiếp nói chuyện với mọi người, thông tin về những tác hại tiêu cực của rác thải biển, biến đổi khí hậu, những dẫn chứng cụ thể về bãi biển nổi tiếng trên thế giới đang bị “chết mòn” bởi rác thải ra sao... Từ đó, chị kêu gọi mọi người hãy hành động ngay bây giờ, mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ cũng là góp sức bảo vệ môi trường biển của chính mình.

Đoàn phường Quảng Châu thực hiện thu gom phế liệu bảo vệ môi trường.

Được biết, để có những bài nói chuyện thuyết phục như vậy, chị Hiệp đã dày công tìm hiểu trên mạng, sách vở, rồi tự biên soạn “bài giảng” cho chính mình. Chị tâm sự: “Đoàn viên, thanh niên phường Quảng Châu chủ yếu đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, chế biến thủy hải sản theo kiểu cha truyền con nối. Vì vậy, với họ bảo vệ môi trường không phải là làm nên các sản phẩm thân thiện, hay tham gia các hoạt động phi chính phủ về bảo vệ môi trường... mà đầu tiên họ cần hiểu bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mình. Từ đó thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, như không xả rác bừa bãi, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng phương thức tận diệt khi đánh bắt thủy hải sản...”

Bằng suy nghĩ tích cực, việc làm thiết thực, chị Hiệp cũng đã truyền lối sống xanh cho đoàn viên thanh niên trong phường. Theo đó, Đoàn phường Quảng Châu trong những năm qua được Thành Đoàn TP Sầm Sơn đánh giá là tổ chức đoàn năng nổ, hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đoàn phường cũng thành lập CLB thanh niên xung kích bảo vệ môi trường với 50 thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động vì môi trường; phối hợp với hội phụ nữ tuyên truyền thực hiện các phong trào “đi chợ dùng làn”, “hạn chế sử dụng túi nilon”..., thực hiện dọn vệ sinh môi trường, phát quang chân đê sông Mã...

Không chỉ riêng Đoàn phường Quảng Châu, tuổi trẻ Sầm Sơn đã và đang có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường niên ra quân “Hãy làm sạch biển” huy động trên 1.000 đoàn viên thanh niên toàn thành phố tham gia; thành lập 11 đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường; chỉ đạo Đoàn phường Trường Sơn tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng, thực hiện dọn vệ sinh khu vực núi Trường Lệ; tặng 50 thùng rác hữu cơ cho các hộ dân khu vực ven biển; tặng 200 làn nhựa đi chợ cho tiểu thương và nhân dân chợ Cột Đỏ... Bên cạnh đó, Thành Đoàn Sầm Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, thanh niên, học sinh và nhân dân sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt gia đình và trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các đoàn viên trong toàn thành phố còn đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường thông qua công tác chăm sóc bảo vệ rừng, trồng cây xanh.

Những công trình, việc làm thiết thực của tuổi trẻ Sầm Sơn đã đóng góp hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn. Những kết quả đã đạt được đang tiếp tục là động lực để tuổi trẻ Sầm Sơn phát huy, góp phần xây dựng thành phố du lịch ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]