(vhds.baothanhhoa.vn) - Với gia đình tôi cá trê, nhất là trê đồng là món ăn thường xuyên và ngọt ngon găm vào trí nhớ của tôi đến tận bây giờ.

Cá trê - món ăn của nội dã bệnh, tăng lực

Với gia đình tôi cá trê, nhất là trê đồng là món ăn thường xuyên và ngọt ngon găm vào trí nhớ của tôi đến tận bây giờ.

Cá trê - món ăn của nội dã bệnh, tăng lực

Vốn là người yêu đồ cổ, trọng vẻ đẹp của quá khứ, tôi thường lục lọi kiếm tìm, tra cứu tư liệu, sách vở nơi thư viện, trong bảo tàng và những tàng thư của cổ nhân. Điều thú vị cũng đã đến, khi lục tìm trong di cảo của cha mình tôi may mắn thấy được tờ giấy khen của chính quyền khen ông nội Nguyễn Hữu Chuyên khi có công phát triển phong trào Đông Y của huyện nhà với tư cách là thầy thuốc, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện hội Đông Y Hoằng Hóa - một địa phương có phong trào Đông Y phát triển sau khi nước nhà giành độc lập.

Ông nội nức danh trong huyện và tiếng vang khắp mọi vùng với nghề chữa mắt. Ông không chỉ chữa bệnh tại nhà mà nhiều khi thương người bệnh ông đến tận nơi chữa trị cho họ kết hợp đi vận động tuyên truyền phong trào cách mạng. Chỉ với cái tráp như ông đồ nho và dăm lọ thuốc nhỏ ông chữa lành cho biết bao người bệnh. Minh chứng là còn lại những tập đơn lưu của bệnh nhân trong ngoài tỉnh và những bức thư cảm ơn của họ.

“Giàu đôi con mắt, có đôi bàn tay”, lành bệnh họ cảm ơn là đương nhiên, nhưng ông được đánh giá cao còn bởi khi ấy đau mắt đỏ là căn bệnh xã hộị, là dịch, nguyên nhân sâu sa từ việc ăn ở kém vệ sinh, gốc rễ xuất phát từ đời sống kinh tế yếu kém phần lớn sử dụng nước sông, nước giếng công cộng. Ông đã góp phần giải quyết vấn nạn. Ông đã đi xa và mang luôn theo bài thuốc gia truyền mà chẳng kịp truyền lại cho bố và các bác, với vốn kiến thức hữu hạn cũng không thể lấy hóa đơn cũ của ông để vận dụng. May còn kinh nghiệm ông truyền cho bố và tôi học lại được đó là cách ăn uống để chữa bệnh đau mắt, kém mắt và tăng cường sinh lực cho mắt.

Không hiểu có phải do suy lý đơn giản, ăn gì bổ ấy không, bố tôi vẫn ưu tiên cho tôi ăn mắt các loại động vật ngay cả đến loại bé như mắt cá, mắt tôm. Hoa quả thì hay được ăn là nhãn, vải. Xôi thì thường là ăn xôi gấc, xào nấu cũng thường hay tra dầu gấc.

Có món ăn bố thường hay nấu cho cả nhà và sau này tôi vận dụng thấy nghiệm cho mắt là món canh cá trê.

Vào những năm bảy mươi, tám mươi ở thế kỷ trước, cá tôm ở vùng quê tôi nhiều lắm, con cá trê cũng rất nhiều nhưng họ ít ăn. Họ thường dè bửu rằng cá ma, cá ăn thịt người. Nhưng với gia đình tôi, cá trê, nhất là trê đồng là món ăn thường xuyên và ngọt ngon, găm vào trí nhớ của tôi đến tận bây giờ.

Cá trê vàng mỗi bữa nấu 2 con mỗi con chừng khoảng 3 - 4 lạng, được đem cắt tiết vào bát con có pha với nước lạnh cho không bị đông, sau đó làm sạch nhớt, moi bỏ phần ruột. Phần thân cá đem luộc lấy nước nấu canh. Cá luộc chín tới gỡ lấy phần thịt đem phi hành mỡ cho thơm. Dùng nước luộc cá nấu với rau dền, tốt nhất là chọn được cả hai: rau dền trắng và rau dền đỏ, mỗi loại một nắm. Khi nước nấu canh đã sôi lại thì bỏ rau chờ chín mới bỏ phần thịt cá đã phi thơm và khi nước sôi già mới bỏ phần tiết cá.

Cũng cung cách ấy, cho đỡ nhàm chán, kích thích được dịch vị chỉ việc đổi rau dền thành rau ngót hoặc đem nấu với rau cải thì chỉ nhớ bỏ thêm ánh gừng đập dập băm nhỏ. Tuần ăn đôi bữa sẽ thấy công hiệu ngay, bệnh ù tai mắt kém cơ chừng giảm hẳn.

Cha tôi làm nghề dạy học, cả đời ông chỉ hoạt động trong lĩnh vực công đoàn, chăm lo quyền lợi cho đoàn viên, không đơn thuần là quyền lợi vật chất mà theo ông cái cần chăm lo nhất là quyền lợi tinh thần.

Thời ông làm công đoàn phong trào văn thể mỹ phát triển mạnh mẽ, át đi cái thiếu thốn khi đất nước chưa phát triển. Ông mở phong trào “ Hoa hai tốt: Dạy tốt, học tốt”, ông là tác giả của phong trào “Học và làm theo báo”. Bệ đỡ của phong trào thi đua ấy đã đưa chất lượng giáo dục tiến xa, ông được đi báo cáo điển hình trong và ngoài nước. Cha tôi là nhà trí thức, nghĩa là ông hoạt động trí óc. Món cá trê đồng, mẹ tôi nấu cho cha tôi ăn lại mang vẻ khác. Mẹ bảo rằng món này tăng lực, khỏe cho cả nam và nữ và rất tốt cho người trí não hoạt động nhiều.

Cá trê mua đôi con chừng tám lạng, cắt bỏ ngạnh sắc hai bên, mổ bụng moi sạch, bóc sạch mang sau đó mới khử nhớt bằng cách xát muối hạt kỳ sạch rồi đem cắt khúc. Chú ý phải giữ lại phần đầu còn nguyên cả râu. Cho mỡ vào chảo nóng già cho cá trê kèm 2 lát gừng 3 ánh tỏi đập dập, đảo đều sau đó cho một bát đậu đen đã ngâm kỹ 5 tiếng từ trước và cho ngập nước đem ninh trong lửa liu riu đến khi đậu và cá kỳ nhừ, tra muối nước mắm, ăn rồi sẽ cảm nhận được độ ngọt thơm đến mê hoặc. Sau này nhiều hôm cá trê hiếm, nhất là trê đồng, không muốn ăn cá trê nuôi tôi có cải biến thay bằng chân giò lợn ăn thấy béo bùi nhưng công hiệu giảm hẳn. Mới hay rằng nếp xưa đã được đúc kết là có lý, chớ có đem cải biên đi dễ làm thất truyền và hư hại.

Tôi kế thừa cha mẹ bằng việc ăn cá trê để không phải vì việc bồi bổ dương khí, kiện tỳ vị mà vì chiều lòng bạn bè xa quê, để sống lại năm tháng tuổi thơ nơi quê nhà. Cái thưở chang nắng tát đồng, tát vực bắt cá, cái thời đi đơm đó, đặt lờ nơi đồng xa, chọn con nước chảy, chiều nước rút để đón bắt cá. Tôi chọn buổi họ rút nước kiệt đầm phơi đáy để mua cá trê vàng, chọn con trê đực mình mỡ màng thân to như cổ tay đem về làm sạch để nguyên con nướng trên than hoa. Con trê màu vàng, lửa than màu đỏ, sự hỏa thiêu kỳ vĩ như phim ảnh thần thoại, khi mỡ cá chảy rớt xuống than đang hừng đỏ nghe tiếng sôi reo đã thèm thuồng ứa nước miếng ại thêm lúc hương cá nướng theo khói bốc cao thấy sự thèm thuồng như đạt đỉnh. Róc thịt cá đem cuộn trong bánh chả cùng với chuối xanh thái lát, gừng, xoài thái chỉ, thêm nhánh rau răm, thì là đem chấm với nước mắm chua ngọt có gừng tỏi ớt, chanh pha sẵn thì thấy sự ăn uống vào ngàm, khớp đố. Bạn tôi từng ăn, cười thoả chí nói: “Lần sau về “Chả đặt gì, chỉ đặt già” là cá trê nướng than hoa.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Châu Linh - 17:19 04/04/22

 Trả lời

Bài rất hay

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]