(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ông Lê Văn Lực chủ tàu TH.91709.TS điện thoại cho tôi báo tin: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã thông báo sẽ lắp cho ông 2 máy phát điện mới đúng thiết kế của Nhật Bản thay thế máy phát điện cũ. Con tàu TH.92668.TS của ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc bị hư hỏng nặng cũng đã được đưa vào Công ty CP Hoàng Phong (Nam Định) sửa chữa. Trên các cảng cá, sức nóng của cơn "bão cạn" tàu vỏ sắt 67 hư hỏng đã dịu vơi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi trong cơn bão cạn (Kỳ cuối): Còn lại niềm tin

(VH&ĐS) Ông Lê Văn Lực chủ tàu TH.91709.TS điện thoại cho tôi báo tin: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã thông báo sẽ lắp cho ông 2 máy phát điện mới đúng thiết kế của Nhật Bản thay thế máy phát điện cũ. Con tàu TH.92668.TS của ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc bị hư hỏng nặng cũng đã được đưa vào Công ty CP Hoàng Phong (Nam Định) sửa chữa. Trên các cảng cá, sức nóng của cơn "bão cạn" tàu vỏ sắt 67 hư hỏng đã dịu vơi.

Nỗi đau dần nguôi ngoai

Những con tàu vỏ sắt 67 ở Thanh Hóa có chung một "mẹ đẻ" là Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ và nhiều tàu trong số đó được đóng chung cơ sở đóng tàu với ngư dân tỉnh Bình Định. Sau những phản ánh của ngư dân và các tỉnh (trong đó có Thanh Hóa) về việc những con tàu vỏ sắt 67 mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng phải nằm bờ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

Tiếp đó, ngày 11/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành yêu cầu rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 có đảm bảo đáp ứng các quy định pháp luật liên quan; kiểm tra chất lượng các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, kịp thời phát hiện các tàu không đảm bảo chất lượng; Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ cho chủ tàu bị hư hỏng,...

Sau rà soát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã ký văn bản báo cáo về tình hình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT đánh giá tổng thể việc sử dụng các thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép trong thời gian vừa qua để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu được hưởng hỗ trợ lãi suất trong thời gian tàu bị hỏng nằm bờ...

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và các tỉnh, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã phải cam kết sửa chữa toàn bộ tàu vỏ sắt bị hư hỏng do lỗi công ty này đóng cho ngư dân các tỉnh trong tháng 7 và tháng 8. Trong đó có việc thay thế máy móc, thay thép vỏ tàu theo đúng thiết kế.

Đến ngày 16/7, nhiều chủ tàu tàu vỏ sắt 67 bị hư hỏng nặng Thanh Hóa đã nhận được tín hiệu vui từ phía cơ sở đóng tàu, sẽ được sửa chữa, khắc phục. Trong lúc chờ đợi, đa số các tàu đã trở lại biển khơi để khai thác thủy sản. Chỉ còn tàu TH.93968.TS của ngư dân Nguyễn Văn Muộn còn chưa thống nhất được hướng khắc phục với Công ty CP Đại Dương nên vẫn phải nằm lại trong Âu tránh trú bão tàu thuyền Quảng Tiến (Sầm Sơn). Được biết Sở NN&PTNT sẽ tổ chức cuộc đối thoại với ông Muộn và Công ty CP Đại Dương cùng các bên liên quan trong tuần này để tìm cách tháo gỡ.

Còn đó niềm tin

Trong lúc nhiều tàu vỏ sắt bị hỏng hóc nằm bờ được dư luận quan tâm, thì nhiều con tàu khác có chung một "mẹ" Nghị định 67 ở Thanh Hóa vẫn ngày đêm bám biển khai thác thủy hải sản thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Một trong số đó là tàu TH.92368.TS của ngư dân Nguyễn Văn Hẩu ở phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn).

Trong con tàu vỏ sắt 67 TH.92386.TS, ngư dân Nguyễn Văn Hẩu vui mừng kể chuyện mình thu lãi hàng trăm triệu trong mỗi chuyến đi biển.

Tàu TH.92368.TS được đóng ở Công ty CP Hoàng Phong (Nam Định) và được hạ thủy tháng 12/2016. Từ đó đến nay ông Hẩu đi biển khai thác thuận lợi, nhiều chuyến thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ thực tế nghề biển, ông đã cho lắp thêm một máy bảo ôn để hải sản được bảo quản tươi hơn, và lắp một máy lọc nước biển với trị giá hơn 300 triệu đồng. Làm ăn có lãi, ông đã ốp gỗ toàn bộ trần và sàn nội thất con tàu. Ông Hẩu cho biết, tàu của mình chỉ gặp trục trặc nhỏ, không đáng kể, có thể khắc phục được ngay trên biển.

Con tàu vỏ sắt TH.93586.TS của ông Lê Văn Dũng ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) cũng đã thu lãi tiền tỷ sau những chuyến biển thuận buồm xuôi gió.

Trong cơn "bão cạn" tàu vỏ sắt 67 bị hỏng hóc ở Thanh Hóa, ngư dân không khỏi đau đớn, xót xa khi gần như toàn bộ trong số 18 tàu bị trục trặc đều bị gẫy tăng gông, hỏng máy phát điện, sơn kém chất lượng, vỏ tàu hoen rỉ... Đau ở nhiều công ty đóng tàu làm ăn theo kiểu bát nháo, lừa đảo, kiếm lợi bất chính trên mồ hôi, nước mắt ngư dân. Nhìn vào đó người ta còn thấy những bản hợp đồng đóng tàu với giá trị tiền tỷ nhưng quá sơ sài... Nhưng có một nỗi buồn lớn hơn là trong khi còn thiếu kinh nghiệm đóng tàu vỏ sắt, nhiều ngư dân đã chủ quan, tiếc rẻ, không thuê đơn vị giám sát độc lập.

Rồi đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán lại mẫu thiết kế con tàu cho phù hợp với thực tế khai thác của ngư dân trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn. Hay tính toán đến chuyện hỗ trợ pháp lý cho ngư dân trong việc ký kết hợp đồng đóng tàu; việc giám sát các đơn vị thi công... Kể cả những kiểu làm ăn bát nháo, thu lợi bất chính kia cũng sẽ được đưa ra ánh sáng.

"Bát nước hắt đi làm sao hốt đầy lại được. Con tàu đã hỏng có được sửa chữa cũng không như mong muốn ban đầu, trong đó có lỗi chủ quan, sơ suất của tôi. Nhưng nghĩ lại, con tàu vỏ sắt vẫn là mơ ước bao đời của ngư dân" - ngư dân Lê Văn Lực bộc bạch trên cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Sau khi được đơn vị đóng tàu sửa xong máy phát điện cũ và thông báo sẽ thay cho 2 máy mới ông bớt lo lắng. Rồi ông hát: "Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi mưa gió... thuyền anh mãi về cho cá bạc đầy khoang". Ngày 14/7, tàu TH.91709.TS của ông mang theo 10 ngư phủ phong sương đã ra khơi, giương cao ngọn cờ Tổ quốc giữa trùng dương sóng nước.

Tôi vẫn nghĩ, Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ là một chính sách lớn, giàu tính nhân văn, cho ra đời đội tàu có công suất lớn, gồm cả vỏ gỗ và vỏ sắt, đủ sức vươn khơi đánh bắt ở khơi xa, vùng đánh bắt chung trên Vịnh Bắc Bộ, ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Đó là đội tàu vừa khai thác phát triển kinh tế ngư dân, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những con tàu ấy vẫn sẽ là niềm mơ ước bao đời của ngư dân Thanh Hóa.

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]