(vhds.baothanhhoa.vn) - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” thật đúng với những gì mà các doanh nghiệp đang nỗ lực đi qua giai đoạn khủng hoảng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Không chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương giúp đỡ, thời gian qua, bản thân các doanh nghiệp cũng tự đổi mới, sáng tạo, tự gỡ khó cho mình để hoạt động hiệu quả, phát triển hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” thật đúng với những gì mà các doanh nghiệp đang nỗ lực đi qua giai đoạn khủng hoảng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Không chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương giúp đỡ, thời gian qua, bản thân các doanh nghiệp cũng tự đổi mới, sáng tạo, tự gỡ khó cho mình để hoạt động hiệu quả, phát triển hơn.

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất trong giai đoạn khó khăn.

Rà soát của Sở Công thương Thanh Hóa cho thấy, 32 ngành hàng công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều chịu tác động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ra. Là doanh nghiệp kinh doanh hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, anh Lê Văn Lý - Giám đốc Công ty TNHH TM Thủy sản Long Dương, ở Hoằng Trường, Hoằng Hóa đang trong tình trạng “chết lâm sàng” khi thị trường nước ngoài đóng cửa. Nếu doanh nghiệp tập trung vào phục vụ thị trường nội địa thì cần phải rất nhiều vốn và thời gian. Hiện công ty đang có số lượng hàng thủy sản tồn trong kho đông lạnh rất nhiều. Anh Lý cho biết, khi công ty dừng hoạt động thì số lượng công nhân cũng phải nghỉ theo, đặc biệt là những tàu thuyền đánh bắt vào vụ moi cũng không có việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ.

Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như Công ty Long Dương là không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh và điều kiện cho phép, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn chuyển đổi hoặc bổ sung thêm ngành nghề sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế mùa dịch bệnh. Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng, huyện Nông Cống cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Đây cũng lúc để doanh nghiệp tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường.

Ông Vũ Công Thắng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CPMXK Trường Thắng cho biết: “Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. Do đặc thù của ngành nghề sản xuất kinh doanh, đứng trước tình hình biến động của dịch viêm đường hô hấp cấp, nhu cầu khẩu trang trong phòng, chống dịch bệnh lên cao, thực hiện lời kêu gọi của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và chung tay vì cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh, công ty chúng tôi đã vào cuộc tham gia sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, may hoàn toàn từ loại vải kháng khuẩn chất lượng được cấp giấy kiểm định chất lượng hàng hóa của Viện Nghiên cứu Dệt may”.

Theo đánh giá của ngành Công thương, tuy mục tiêu đặt ra trong những tháng cuối năm là khá cao, song đây là một con số khả thi. Bằng chứng là trong bối cảnh dịch bệnh trong nước phức tạp như những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng tốt. Do đó, 6 tháng đầu năm, 23/30 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hóa vẫn đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh phương án sản xuất, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới, như: Tổng Công ty Tiên Sơn và các công ty may mặc chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất các sản phẩm như: khẩu trang, balo, túi xách, phụ kiện... theo nhu cầu của khách hàng; Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Thanh Hóa đưa ra một số dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn như: gạch gỗ thanh, ngói tráng men..., bước đầu được thị trường đánh giá cao, tiêu thụ tốt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng ngày càng cao. Các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng... Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; cho lao động nghỉ không lương và giảm lương lao động.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 10819 ngày 10/8/2020 yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị: Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị rút ngắn 50% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện với thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên, 30% đối với các thủ tục hành chính đang được thực hiện với thời gian giải quyết dưới 10 ngày. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, tạo bước đột phá về xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật và kế hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm việc thanh, kiểm tra không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý; nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hình hình mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]