(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe nhất của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy nhiều sản phẩm OCOP vẫn khó vươn xa, do thiếu liên kết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng

Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe nhất của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy nhiều sản phẩm OCOP vẫn khó vươn xa, do thiếu liên kết.

Cần nhiều hội nghị để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Sau 1 năm triển khai chương trình OCOP, Thanh Hóa có 42 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm được nâng hạng 5 sao và 37 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Chương trình OCOP bước đầu đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân tham gia, qua đó giúp các địa phương tìm kiếm, phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm OCOP rộng rãi ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ hiện nay để đông đảo người tiêu dùng biết đến vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nếu như trước đây, các sản phẩm địa phương hầu như chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp và chỉ tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn thì hiện nay, nhiều sản phẩm sau khi được xếp hạng là sản phẩm OCOP, được gắn sao cấp tỉnh đã dần vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương bước đầu đã mang lại lợi ích cho cộng động. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa chưa thể vươn xa, chưa tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn, là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có mặt trong các siêu thị, hoặc ở chợ truyền thống trên địa bàn Thanh Hóa, thậm chí nhiều người tiêu dùng chưa biết sản phẩm OCOP là gì. Một số sản phẩm đã được gắn sao chủ yếu tiêu thụ trên thị trường tự do, nhiều cơ sở muốn liên kết để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào.

Trên thực tế, các sản phẩm OCOP hầu như vắng bóng tại chuỗi siêu thị Vinmart Thanh Hóa. Hầu hết khi hỏi người tiêu dùng về sản phẩm OCOP thì đều có chung câu trả lời là không biết đến, hoặc chưa nghe nói về sản phẩm. Chị Trần Thu Hằng, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cho biết: “Tôi thường xuyên mua thực phẩm ở hệ thống các siêu thị, nhưng cũng chưa biết đến sản phẩm OCOP là gì. Hiện tại, theo tôi thấy thì các siêu thị cũng không thấy quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng về sản phẩm này”.

Khi được chọn phát triển nhóm sản phẩm theo chương trình OCOP, gồm: Kẹo lạc Đức Giang và kẹo gạo lức Đức Giang, Công ty TNHH Đức Giang (Thọ Xuân) đã đầu tư dây chuyền mới để phục vụ sản xuất, đóng gói sản phẩm theo hướng hiện đại, hướng tới phát triển thêm các kênh tiêu thụ mới, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Ông Dương Văn Giang - Giám đốc công ty, cho biết: “Đối với những sản phẩm lâu năm của địa phương, để xây dựng nhãn hiệu cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, tạo sự đột phá, độc đáo trong lô gô, hình ảnh nhận diện sản phẩm. Đồng thời, xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp cho nhãn hiệu sản phẩm đã tạo dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian thì tôi thấy khách hàng ít biết đến OCOP. Tôi nghĩ cần phải truyền thông, phố biến rộng rãi hơn nữa để người dân họ nghe, biết, thấy về OCOP, hiểu về sản phẩm đã đạt chất lượng 3 sao, 4 sao, có tem OCOP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ”.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa, có 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận nhãn hiệu, sở hữu nhãn hiệu, sở hữu tập thể, mã số, mã vạch... Song việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Bởi quy mô sản xuất của các sản phẩm vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng và vươn xa trên thị trường, từ năm 2019 đến nay, Sở KH&CN đã mở các lớp hướng dẫn, tuyên truyền cho gần 900 cán bộ quản lý các cấp về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Hiện nay, 13 huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành, Nga Sơn, Thường Xuân, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Như Xuân, Đông Sơn, Như Thanh và Triệu Sơn có sản phẩm OCOP. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo Sở VH,TT&DL nghiên cứu để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, tham quan các mô hình OCOP ngay khi các hoạt động du lịch phát triển trở lại. Cùng với đó, khuyến khích các công ty du lịch quảng bá sản phẩm OCOP đến đông đảo du khách cũng như các thị trường. Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới có trách nhiệm phối hợp với các địa phương và các sở, ngành liên quan để đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các chủ cơ sở sản xuất cũng sẽ được tạo điều kiện mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Chương trình OCOP đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, góp phần khai thác nguyên liệu sẵn có ở các địa phương, đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Việc thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân bố rộng rãi trên thị trường sẽ tạo động lực kích thích để các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]