(vhds.baothanhhoa.vn) - Yên Định trong đó có xã Yên Thái vốn là vùng đất cổ, là địa bàn sinh sống sớm của con người. Họ đến đây và san cồn, lấp trũng, khai phá bãi bờ để từng bước tạo dựng, phát triển quê hương thành một vùng đất trù phú đông đúc dân cư như ngày nay.

Làng Lê Xá và giống cải Lê nức tiếng

Yên Định trong đó có xã Yên Thái vốn là vùng đất cổ, là địa bàn sinh sống sớm của con người. Họ đến đây và san cồn, lấp trũng, khai phá bãi bờ để từng bước tạo dựng, phát triển quê hương thành một vùng đất trù phú đông đúc dân cư như ngày nay.

Làng Lê Xá và giống cải Lê nức tiếngXã Yên Thái đang dần mở rộng diện tích trồng cải Lê, đưa sản phẩm dưa cải Lê tiếp cận thêm nhiều khách hàng.

Với thế đất tương đối cao ráo, vốn là đất phù sa của hai con sông lớn là sông Mạn Định và sông Mã bồi đắp, nên Lê Xá một thời từng là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Yên Định. Sử sách còn chép lại, từ thời nhà Lê (không rõ đời vua nào) huyện lỵ Yên Định đóng tại làng Lê Xá, đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn mới dời về làng Sét, xã Định Hải.

Với lợi thế ở ven sông Mã, dân làng Lê Xá đã trồng một loại rau cải nổi tiếng mà dân gian quen gọi là dưa Lê (cải Lê). Đây là loại dưa cải lá nhỏ mà thân cao thường trồng xen với ngô trước và sau mùa mưa. Loại này có thể muối xổi hoặc muối trường (muối cả cây) ăn cả năm. Vì là loại dưa muối ngon, giòn, ngọt mà cải Lê đã được dân gian xếp hạng đầu bảng trong 4 loại đặc sản nổi tiếng xứ Thanh gồm “Dưa Lê, cà Giáng, vải Láng, cam Giàng”.

Ở nơi vùng đất bãi rộng tới hàng trăm hecta ấy, ngoài trồng rau cải, bà con nhân dân còn trồng dâu, phát triển nghề nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Đặc biệt thời kỳ từ năm 1960 đến khoảng năm 1978, nơi đây đã xây dựng được một số đội chuyên trồng dâu, nuôi tằm và các đội chuyên làm nghề ươm tơ, kéo sợi. Những nghề phụ này đã đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh tế của cộng đồng cư dân Yên Thái. Câu ca “Nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa” phần nào nói lên sự hưng thịnh của nghề trồng dâu nuôi tằm một thuở.

Bên cạnh đó, người dân Lê Xá còn có nghề bện thảm mà chủ yếu là bện thảm bẹ ngô, phục vụ cho xuất khẩu. Với thế mạnh là một vùng trồng ngô lớn của huyện, người dân trong xã đã tận dụng bẹ (vỏ) ngô để làm các mặt hàng thủ công xuất sang thị trường một số nước Đông Âu. Ở thời điểm nghề làm thảm phát triển thịnh vượng, cư dân Lê Xá tỏa đi đến các làng, bản ở Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy... để mua bẹ về làm nghề.

Ngoài ra với sự cần cù, chịu thương chịu khó, bà con làng Lê Xá đã xoay đủ các nghề như: đóng cối xay lúa, làm gạch, nung vôi, đúc ống cống, làm rèn... với mong muốn cuộc sống khấm khá hơn.

Làng Lê Xá và giống cải Lê nức tiếngCổng làng Lê Xá, xã Yên Thái (Yên Định).

Không chỉ có làm nông nghiệp, người dân nơi đây còn sớm biết giao thương buôn bán. Chợ làng Lê có lịch sử lâu đời, là chợ lớn nhất của xã. Trước thời vua Minh Mạng, khi huyện lỵ Yên Định đóng ở Lê Xá, chợ Lê là chợ huyện, là nơi buôn bán sầm uất của cả một vùng cư dân các huyện lân cận như: Thọ Xuân, Thiệu Hóa... Cảnh “trên bến dưới thuyền” đã được ghi lại trong những câu thơ: “Chợ Lê buôn bán phát tài/ Tốt đất cò đậu, tương lai vững bền” hoặc “Bên đò Lê ngợp thuyền buôn/ Hàng hóa đầy ắp, căng buồm ngược xuôi”.

Có điều kiện về kinh tế, người dân Lê Xá đã xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú với hệ thống đình, đền, chùa, nghè, phủ, miếu, nhà thờ... Tuy nhiên, một phần do chiến tranh tàn phá, phần khác do những biến động, các công trình này đã bị phá hủy, chỉ còn lại đình làng và nhà thờ của giáo dân. “Tiếc là sau năm 1951, đình làng Lê Xá thờ đức thành hoàng làng là Quản gia đô bác – Trịnh Phủ Quân, người có công khai canh, mở mang nghề nghiệp làm ăn cho dân chúng cũng đã bị máy bay Pháp oanh tạc đánh sập”, ông Lê Đình Cương, bí thư chi bộ thôn Lê Xá bùi ngùi nói với chúng tôi. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, Nhân dân làng Lê Xá với nòng cốt là lực lượng tự vệ làng, đã nhất tề nổi dậy cùng Nhân dân trong vùng xông thẳng về huyện đường ở làng Sét, xã Định Hải, cướp chính quyền về tay cách mạng. Tính chung trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, làng Lê Xá có 43 người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, 5 bà mẹ được Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Từ khi lập làng đến nay, Lê Xá luôn là một làng khá sầm uất, đông đúc dân cư. Với 560 hộ/2.200 khẩu và dù có những khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng nhưng cộng đồng cư dân làng Lê Xá hiện luôn sống hòa thuận, thương yêu nhau.

Làng Lê Xá và giống cải Lê nức tiếngLê Xá hôm nay đã có nhiều thay đổi.

Có nhiều điều đã thay đổi, làng quê xưa giờ chỉ còn trong những câu truyện kể truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từng con ngõ đã to rộng hơn, nhiều nhà cao tầng mọc lên. Chợ Lê vẫn còn tồn tại, song việc buôn bán không còn đông đúc như trước. Hàng hóa mua bán ở chợ chủ yếu là thực phẩm và các mặt hàng nông sản phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cư dân trong xã. Song, "tinh thần đoàn kết thì vẫn là “thuộc tính” của bà con. Năm 2015, dù đời sống còn khó khăn nhưng Nhân dân làng Lê Xá đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa làng và tôn tạo phủ Lê. Chỉ nghe những cái tên xóm như Đoàn Kết, Phấn Đấu, Đấu Tranh, Tiến Đạt là đủ hiểu tâm tư bao đời của người Lê Xá chúng tôi”, ông Trịnh Đình Nghiêm, một người dân của làng, chia sẻ.

Giới thiệu với chúng tôi về những thành công trong việc vận động, tuyên truyền cho bà con trong làng hiểu vai trò và hiệu quả của XDNTM, ông Lê Đình Cương, bí thư chi bộ thôn, cho biết: “Với người dân Lê Xá chỉ cần hợp tình, hợp lý là họ sẽ đồng lòng nhất trí. Phải khẳng định, nhờ việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu mà bà con nhân dân ở các thôn, trong đó có thôn Lê Xá đã thay đổi từ ý thức sinh hoạt, đến việc làm kinh tế. Người dân trong thôn đã nhiệt tình đóng góp để xây dựng đường giao thông, đường điện sáng công cộng, cải tạo cảnh quan hồ, tu sửa nhà văn hóa thôn. Đến nay, xã Yên Thái (Yên Định) về cơ bản đã hoàn thành XDNTM kiểu mẫu”.

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Yên Thái” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2017).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]