(vhds.baothanhhoa.vn) - “Ai mua moi đi, ai mua moi nào…”. Tiếng rao mua moi được phát ra từ chiếc loa nhỏ của chị bán moi dạo khiến khu phố nơi tôi ở trở nên rộn rã hơn vào chiều đông. Tiếng người trong nhà gọi vọng ra để mua moi. Trong chiếc khẩu trang kín mít, chị bán moi giới thiệu đặc sản moi ở vùng biển Quảng Xương vừa được đánh lên và chị vội vã lên phố cho kịp giờ cơm chiều.

Lộc của biển

“Ai mua moi đi, ai mua moi nào…”. Tiếng rao mua moi được phát ra từ chiếc loa nhỏ của chị bán moi dạo khiến khu phố nơi tôi ở trở nên rộn rã hơn vào chiều đông. Tiếng người trong nhà gọi vọng ra để mua moi. Trong chiếc khẩu trang kín mít, chị bán moi giới thiệu đặc sản moi ở vùng biển Quảng Xương vừa được đánh lên và chị vội vã lên phố cho kịp giờ cơm chiều.

Lộc của biển

Moi biển được người dân thu mua, sơ chế và phơi khô.

Những con moi màu hồng nhạt trong chiếc rổ được các bà nội trợ ở khu phố khen nức nở. “Moi tươi này mà xào với khế chua thì ngon quá”, nhiều bà vừa mua vừa xuýt xoa nói đến cách chế biến món moi. Có người còn mua vài cân để phơi khô dùng dần vì đúng mùa moi tươi và ngon.

Moi có quanh năm nhưng moi nhiều và ngon nhất từ độ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Moi được xem là món quà mà thiên nhiên ban tặng và được ngư dân đánh bắt nhiều nhất ở các vùng biển Sầm Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc… Những chiếc bè của ngư dân cập bến được thương lái thu mua tại chỗ với giá dao động từ 8 - 10 nghìn đồng/1kg. Bình quân, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân nếu trúng đàn moi có thể thu được 2-3 tạ.

Moi là món ăn dân dã phổ biến và được chế biến thành nhiều món. Moi tươi vỏ bóng, khi phơi mình săn, màu hồng nhạt và có vị ngọt, moi mềm, thơm, đặc trưng của biển. Moi được nắng chỉ mất 2 ngày là khô. Ngoài ra, món quà từ thiên nhiên này còn được người dân miền biển làm ra loại mắm đặc biệt là mắm chua, mắm tôm được nhiều người yêu thích.

Lộc của biển

Moi biển là nguyên liệu chính làm nên món mắm moi ngon tuyệt.

Tôi quen Dịu - bà chủ trẻ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn). Vốn là người con miền biển nên khá am hiểu về mảnh đất cô sinh ra và những món quà mà mẹ thiên nhiên mang lại cho vùng đất này. Cơ sở sản xuất nước mắm của Dịu không chỉ sản xuất riêng loại nước mắm truyền thống mà còn có đặc sản mắm tôm. Nguyên liệu làm mắm tôm là moi biển tươi và muối sạch.

Lộc của biển

Moi biển - Món quà từ thiên nhiên được cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (thị xã Nghi Sơn) làm nên sản phẩm mắm tôm mang đặc trưng riêng, được nhiều người yêu thích.

Dịu chia sẻ: Vào mùa, moi được thu mua về rồi rửa sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó đem xay nhuyễn rồi trộn thêm muối theo tỷ lệ, mỗi gia đình sẽ có bí quyết riêng để làm nên sản phẩm mắm đặc trưng. Moi được sơ chế, cho vào ủ trong chum rồi phơi ngoài nắng. Ban ngày mở nắp để hong, đêm xuống thì đậy kín tránh sương. Trong quá trình phơi, người làm mắm dùng dụng cụ bằng tre, gỗ khuấy đảo liên tục để mắm chín đều. Sau khi “ăn nắng” độ 1 năm, khi thấy bề mặt mịn thì mắm đã ngấu. Đó cũng là thời điểm mắm tôm có thể mang ra sử dụng. Mắm càng để lâu, càng ngấu, càng ngon, ngọt.

Lộc của biển

Moi khô Cự Nham của Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.

Về vùng biển Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tôi đến thăm gia đình anh Thạch Văn Hiểu và chị Lê Thị Sáu ở thôn Bình - là một trong những hộ giữ gìn nghề làm nước mắm truyền thống và phát triển thành doanh nghiệp sản xuất nước mắm nổi tiếng với thương hiệu nước mắm Cự Nham (Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham). Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm nước mắm cốt, anh Hiểu còn cho ra nhiều sản phẩm mang đặc trưng miền biển, trong đó có sản phẩm về mắm chua, mắm tôm, moi khô... Năm 2021, sản phẩm nước mắm đặc biệt Cự Nham và moi khô Cự Nham của Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao tỉnh Thanh Hóa đợt 4-2021.

Moi biển - Lộc từ biển cả được người dân miền biển quê Thanh tạo nên sản phẩm vừa dân giã, nổi tiếng và được nhiều người yêu thích. Có dịp về vùng biển quê Thanh, cảm nhận sự mặn mòi từ biển cả, sự hối hả, phấn khởi của ngư dân sau mỗi lần ra khơi. Những rổ moi tươi rói, hồng hào trong nắng mai đã được người dân chế biến thành những sản phẩm không chỉ phục vụ trong đời sống người dân nơi đây mà ngày càng vươn xa, trở thành sản phẩm thương hiệu, mang đặc trưng mỗi vùng miền. Để rồi mỗi người khi đi xa đều không thể quên hương vị quê nhà.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]