(vhds.baothanhhoa.vn) - Những cây quýt rừng có tuổi đời hàng trăm năm với những trái quýt mơn mởn được hái trong tiết trời mưa lây phây. Vỏ của chúng được tách nước một cách hoàn hảo để đảm bảo rằng chúng vẫn giữ được nguyên vẹn thứ tinh dầu thơm thảo.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Những cây quýt rừng có tuổi đời hàng trăm năm với những trái quýt mơn mởn được hái trong tiết trời mưa lây phây. Vỏ của chúng được tách nước một cách hoàn hảo để đảm bảo rằng chúng vẫn giữ được nguyên vẹn thứ tinh dầu thơm thảo.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Mỗi người chọn một cách riêng trên nẻo đường tận hưởng cuộc sống, riêng tôi chọn cách trải nghiệm thưởng trà trên mảnh đất vùng cao Bá Thước.

Văn hóa uống trà bên bếp lửa của người Thái

Mỗi người chọn một cách riêng trên nẻo đường tận hưởng cuộc sống, riêng tôi chọn cách trải nghiệm thưởng trà trên mảnh đất vùng cao Bá Thước. Chủ nhà - một nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Thái - ông Hà Nam Ninh dẫn chúng tôi lên nhà sàn - nơi có bếp lửa cháy âm ỉ. Với người Thái, lúc nào trong nhà cũng có lửa. Lửa là trái tim của ngôi nhà. Đặc biệt vào những ngày mùa đông mưa rét cắt da cắt thịt, mọi thành viên trong gia đình quây quần quanh bếp lửa.

Dưới mái nhà sàn, chủ khách khoanh hai chân ngồi xếp bằng. Trao nhau vài câu xã giao, nước trên kiềng ba chân cũng vừa sôi. Chủ nhà nghiêng ấm pha trà mời khách. Trà hôm nay thật lạ, khác với những loại trà tôi đã thấy trên nhiều vùng đất mình từng đi qua. Chủ nhà giới thiệu đây là trà quýt hoi. Sở dĩ gọi như vậy vì nó được làm từ vỏ quả quýt hoi. Nghe nói đó là giống cây chỉ mọc trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Pù Luông, “uống” sương rơi, hong nắng trời, chắt chiu nguồn dinh dưỡng từ đất núi, mạch nước lần trong khe để cho ra những quả quýt ngon có một không hai, vị chua thanh và có hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được. Người Thái xưa kia quý cây quýt hoi bởi họ tâm niệm, quả của nó từ vỏ đến ruột hay hột đều cho ta sức khỏe, tiền bạc. Vì thế, từ rất lâu về trước, người dân nơi đây đã lên núi hái chúng về sử dụng, biến nó thành đồ uống dân giã vừa an toàn cho sức khỏe, lại không mất tiền mua ngoài chợ.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Quýt hoi là giống cây chỉ mọc trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Pù Luông, vị chua thanh và có hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Dưới con mưa mùa hạ, ngồi nhìn những bụi than xoay tròn theo những cơn gió núi, nhấp chén nước trà vàng óng, thơm hương, ngọt hậu, nghe ông Ninh kể về những cây quýt hoi trên mảnh đất vùng cao, cách biến nó thành thứ nguyên liệu thơm ngon, tốt cho sức khỏe, mới thấy cái cầu kì, tỷ mỉ của người Thái.

Người dân nới đây thường hái quýt vào lúc núi rừng còn chưa tan sương, bởi đây là thời điểm giao hòa đủ để hứng trọn tinh túy của đất trời. Những trái quýt hoi sau khi được hái về, tách lấy vỏ treo lên gác bếp để vỏ quýt khô cong, bám đầy bồ hóng thì mang ra sử dụng; đôi khi chúng lại được vùi vào bếp than hồng đến khi tinh dâu chảy ra, cùng với tro bếp kết thành lớp áo giáp tránh mối mọt, côn trùng gặm nhấm; hoặc cho vào chảo gang sao, đảo đều tay trong vòng một tiếng đồng hồ, khi nào vỏ quýt săn lại, lên hương, lúc ấy mới dùng nó như trà mạn.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Người Thái xưa kia quý cây quýt hoi bởi họ tâm niệm, quả của nó từ vỏ đến ruột hay hột đều cho ta sức khỏe, tiền bạc. Vì thế người dân nơi đây đã lên núi hái chúng về sử dụng, biến nó thành đồ uống dân giã vừa an toàn cho sức khỏe, lại không mất tiền mua ngoài chợ

Món quà sức khỏe từ đại ngàn

Thật bõ công lặn lội đường xa để được tận hưởng cái thanh hương, hậu vị của thứ vỏ chứa đầy tinh dầu qua bàn tay chế biến mà nên, để xuýt xoa, mê mẩn, để truyền tay nhau chén trà ấm. Đưa một vòng chén trà trước mũi để tận hương, cái hương của tinh dầu quyện với mùi lửa nghiến, cộng thêm mùi sương muối thơm như thính, làm nên một không gian đặc biệt giữa núi rừng… rồi kề môi nhấp một ngụm để thưởng vị thấy nó cay cay, ngọt ngọt, nhặng nhặng đắng, nuốt xuống lưng chừng cổ họng để sự ấm nồng bao trùm, vỗ về hệ hô hấp. Uống trà quýt hoi ngày mưa ấm phổi, ấm họng, uống tới đâu ấm nóng rần rật tới đó. Uống vào những ngày nóng nực lại đẹp da, đẹp dáng. Trẻ con giảm ho, giảm cảm; người lớn không bị ung nhọt; người già tiêu hóa tốt.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Cây quýt hoi hồi sinh, trà quýt hoi cũng được nâng lên một tầm cao mới với những ưu điểm vượt trội: Ngon, bổ, đẹp, dễ bảo quản và vận chuyển…

Rồi du lịch Pù Luông phát triển, người người, nhà nhà làm du lịch. Để tăng sức hấp dẫn cho du khách, trà quýt hoi được nâng lên một tầm cao mới trở thành sản phẩm để khách du lịch thưởng thức và mua về làm quà.

Để biến trà quýt hoi trở thành thứ quà không thể thiếu cho những cách thập phương đến Pù Luông du lịch, huyện Bá Thước kết hợp cùng Công ty TNHH Puluong Cuisine xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng khi quýt trồng theo phương pháp VietGAP. Công đoạn chế biến cũng được nghiên cứu kỹ, cố gắng giữ tối đa dưỡng chất của nguyên liệu. Theo đó, vỏ quýt sau khi tách được đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 60 độ C cho bề mặt vỏ se lại. Sau đó đưa vào máy cắt sợi ngâm với nước gừng gió, đường phèn… rồi lại tiếp tục sấy ở nhiệt độ thấp để cho ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn về độ ẩm nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc, tinh dầu và hương vị đặc trưng.

Ngày mưa lên núi thưởng trà vỏ quýt hoi

Ngoài trà quýt hoi, ruột quýt cũng được tận dùng làm siro... rất tốt cho sức khỏe.

Vì thế, nếu là người yêu thiên nhiên, khám phá, du khách đừng bỏ qua cơ hội, để một lần được tìm hiểu, chiêm ngưỡng và tận hưởng cảm giác thưởng vị độc đáo của trà quýt hoi trên đỉnh non cao; cũng đừng ngần ngại mà mua một hộp trà quýt hoi làm quà tặng cho những người mình yêu thương nhất. Bởi, nó không đơn giản chỉ là thứ đặc sản tiện thì mua, mà là kết tinh của những gì tinh túy nhất từ đại ngàn Pù Luông hùng vĩ.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]