(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kinh doanh, phụ nữ được cho sẽ có nhiều yếu điểm. Song, chỉ cần có khát khao, có ước mơ, dám nghĩ, dám làm giàu, nhiều phụ nữ đã thành công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những phụ nữ tiên phong khởi nghiệp

Trong kinh doanh, phụ nữ được cho sẽ có nhiều yếu điểm. Song, chỉ cần có khát khao, có ước mơ, dám nghĩ, dám làm giàu, nhiều phụ nữ đã thành công.

Khác biệt mật ong Hưởng Hoa

Vừa tham gia Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2018 tại Hà Nội do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ nhiệm HTX mật ong Hưởng Hoa, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành vẫn chưa hết vui mừng, xúc động khi ý tưởng sáng tạo của mình và các thành viên trong HTX trở thành 1 trong 20 sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ toàn quốc lọt vào vòng chung kết.

Thạch Thành là huyện miền núi, với lợi thế hơn 10.000 ha nhãn, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ong phát triển. Chị Hoa suy nghĩ, nếu chỉ tạo ra mật ong thuần tuý mà không có sản phẩm đặc trưng, khác biệt thì khó có sức cạnh tranh. Tháng 9/2018, HTX mật ong Hưởng Hoa thành lập và thu hút hội viên phụ nữ tham gia, với mục tiêu xây dựng thương hiệu mật ong, chế phẩm từ mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, giá cả ổn định. Đặc biệt, để tạo ra nguồn mật ong thiên nhiên đạt chất lượng cao nhất, chị đã đầu tư công nghệ thủy phân và khử nấm mốc, xử lý mật ong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (địa chỉ duy nhất tại Thanh Hóa làm được), chứng nhận VSATTP, mã vạch, quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, chị Hoa và những hội viên phụ nữ đã nghiên cứu, sản xuất ra sữa chua mật ong, sữa chua mật ong curcumin là những sản phẩm có nhiều công dụng trong việc bồi bổ sức khỏe, phòng, tránh bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại siêu thị và nhiều đại lý tại tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội.

HTX mật ong Hưởng Hoa đã vươn ra nhiều thị trường trong nước.

Lập nghiệp trên vùng đất tái định cư

Chị SaRiHa là người dân tộc Chăm, tỉnh An Giang theo chồng về xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia năm 2007. Thực hiện chủ trương giao đất cho Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, gia đình chị phải chuyển lên khu tái định cư sinh sống. Sau khi nắm bắt được thông tin từ một công ty tại tỉnh Hưng Yên cần thuê nhân công để may gia công túi xách xuất khẩu, chị đã mạnh dạn xin đi học nghề và nhận việc về nhà làm. Sau một thời gian, nhận thấy đây là công việc mà nhiều chị em ở khu tái định cư có thể làm được, chị nảy ra ý tưởng sẽ thành lập xưởng gia công túi xách xuất khẩu. Ý tưởng của chị đã được Hội LHPN xã ủng hộ và cho vay 50 triệu đồng, để đầu tư mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất.

Từ một xưởng ban đầu, đến nay chị SaRiHa đã mở rộng thêm một xưởng tại xã Trường Lâm, tạo việc làm cho gần 40 lao động nữ với mức lương từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ giúp gia đình có cuộc sống no đủ hơn, chị SaRiHa đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ địa phương.

Làm than sạch từ mùn cưa

Gia đình chị Lê Thị Duy, thôn Văn Vật, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa đã làm giàu từ những nguyên vật liệu tưởng chừng bỏ đi. Đó là tạo ra sản phẩm than sạch từ mùn cưa. Trước đây, làm nghề vận chuyển hàng hóa từ thành phố lên các huyện miền núi, chị Duy nhận thấy mùn cưa của các xưởng gỗ bỏ đi rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tìm hiểu, chị bàn cùng chồng thành lập xưởng sản xuất than từ mùn cưa. Thế nhưng do thiếu kinh nghiệm, đầu ra thị trường không có, chị đã bị thua lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Nhưng chị không nản chí, tiếp tục tìm tòi, học hỏi, bắt tay khởi nghiệp lại bằng cách đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất đảm bảo nghiêm ngặt các yếu tố môi trường, sức khỏe. Vậy nên, không những tìm được đầu ra từ thị trường trong nước, mà sản phẩm của chị còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỹ...

Hiện nay, cơ sở sản xuất của chị Duy được mở rộng tại Nông Cống, Thọ Xuân, bình quân sản lượng từ 40 - 60 tấn than sạch/ tháng. Doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/ người/ tháng.

Thành công nhờ tháp rượu đá khói

Cũng như các chị em phụ nữ trong tỉnh và có nhiều thành công từ ý tưởng sáng tạo, hữu ích, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống lại thành công từ ý tưởng cung các cấp các dịch vụ tổ chức sự kiện cho nhân dân địa phương như: lễ nạp tài, cuới hỏi, hội nghị. Sau một thời gian trải nghiệm, chị nhận thấy sản phẩm tháp rượu đá khói phục vụ cho các đám cưới rất được ưa chuộng, nhưng lại không có sẵn, phải đặt hàng tại các thành phố lớn nên chi phí cao, vận chuyển khó và dễ hỏng.

Chị đã mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và tự sáng tạo mẫu tháp rượu đá khói phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và được khách hàng đón nhận, giá cả giảm nhiều so với nhập từ nơi khác. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chị Thủy đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất, thuê 12 lao động nữ tại địa phương và bản thân thì luôn tìm tòi sáng tạo ra những sản phẩm mới, không chỉ đẹp mắt mà còn bền chắc, an toàn.

Sản phẩm chị Thủy làm ra hiện nay đã cung cấp cho cả thị trường trong nước với doanh thu hàng năm đạt từ 600 - 700 triệu đồng.

Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo năng động của những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm đã không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]