(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống song dịch tả lợn châu Phi vẫn lan nhanh trên diện rộng. Từ 1 xã của huyện Yên Định trong vòng hơn 1 tháng, dịch đã xuất hiện tại 5 huyện, thành phố ở Thanh Hóa. Chợ ế thịt lợn, người nông dân nơm nớp những nỗi lo...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo giữa vùng tâm dịch

Mặc dù đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống song dịch tả lợn châu Phi vẫn lan nhanh trên diện rộng. Từ 1 xã của huyện Yên Định trong vòng hơn 1 tháng, dịch đã xuất hiện tại 5 huyện, thành phố ở Thanh Hóa. Chợ ế thịt lợn, người nông dân nơm nớp những nỗi lo...

Dịch vẫn lây lan

Tính đến ngày 25/3, cả nước đã có gần 65.000 con lợn buộc phải tiêu hủy vì mắc dịch tả châu Phi. Dịch đã lây lan ra 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Thanh Hóa, từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Định Long (Yên Định) vào 23/2 đến nay đã có hàng chục hộ gia đình thuộc các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Thường Xuân và TP Thanh Hóa buộc phải tiêu hủy đàn lợn, sản xuất hầu như ngưng trệ.

Giữa tâm dịch, các địa phương và ngành nông nghiệp đã tập trung nỗ lực triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Ngoài số lượng vôi bột và hóa chất được tỉnh cấp phát, các huyện, xã đều chủ động mua thêm vật tư, trang thiết bị, tăng cường nguồn nhân lực để tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, khu vực giết mổ, chợ và các khu công cộng; siết chặt công tác giết mổ lợn đồng thời lập chốt kiểm dịch tại nhiều nút giao thông quan trọng để kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Tuy vậy, sự lây lan vẫn tiếp diễn cho thấy mức độ phức tạp và nguy hiểm của virut gây bệnh.

Nỗi lo sợ của người chăn nuôi

Vừa mới đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua lại khu trang trại nằm ở thị trấn Quán Lào (Yên Định), thêm vốn đầu tư giống, thức ăn và nhân công hơn 1 năm nay; số lợn xuất chuồng tính ra chưa đủ bù chi thì dịch bệnh xuất hiện, gia đình anh Vũ Hiểu sống trong nỗi lo đã hơn 1 tháng nay. Anh cho biết, từ khi Yên Định xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trang trại của anh không xuất được hàng. Trong khi đó, hằng ngày chi phí sức lao động và thức ăn cho lợn thì không thể cắt giảm. Song nỗi lo lớn của những người chăn nuôi như anh là sau dịch, giá lợn sẽ là bao nhiêu?

Người chăn nuôi lợn cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền và cả người tiêu dùng.

Tại Hoằng Hóa, huyện nằm liền kề với TP Thanh Hóa - nơi đã phát hiện dịch tả lợn, theo số liệu do Phòng NN&PTNT cung cấp, địa phương này hiện có khoảng 55 trang trại nuôi lợn và hàng trăm gia trại. Từ cuối năm 2017 do ảnh hưởng của thị trường, lợn rớt giá khiến quy mô đàn lợn ở đây sụt giảm rõ rệt, hiện có khoảng hơn 32 nghìn con. Ngành chăn nuôi lợn chưa kịp hồi phục thì nay dịch tả châu Phi gián tiếp “tấn công” người nông dân. Để bảo vệ đàn lợn - tài sản chính, các cơ sở chăn nuôi đang áp dụng triệt để mọi phương cách phòng dịch. Nhiều cơ sở đã thực hiện cấm trại, quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn, phương tiện và người ra vào khu chuồng trại.

Thậm chí, một cán bộ thú y cho biết: Nhiều trang trại còn đề phòng cả cán bộ thú y đi tiêm phòng cho vật nuôi vì nghĩ rằng đã tiếp xúc với đàn lợn ở nhiều nơi khiến công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đầu năm diễn ra khó khăn!

Cần những người tiêu dùng thông thái

Sớm dập dịch để hạn chế thiệt hại đến mức tối đa cho người nông dân và ngành nông nghiệp là điều quan trọng trước mắt. Song sau tâm dịch, giá lợn, sức mua của người tiêu dùng cũng là điều người chăn nuôi mong mỏi nhất. Được biết, trước khi bùng phát dịch giá lợn hơi ở mức 42-43 nghìn đồng/kg, hiện đã giảm xuống còn khoảng 30-32 nghìn đồng/kg. Nhiều quầy lợn trống người bán, những nơi còn lại cũng chỉ bán ra rất ít. Nhiều gia đình “kiêng” thịt lợn cả tháng nay, số khác có ăn nhưng hạn chế. Dịch bùng phát ảnh hưởng đến người tiêu dùng không nhiều, song với người chăn nuôi là cả một núi khó khăn. Chính vì vậy, cần lắm những người tiêu dùng thông thái để giảm bớt thiệt hại không đáng có cho ngành chăn nuôi lợn.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa, khi hết dịch việc hỗ trợ người nông dân tái đàn sẽ được thực hiện. Song hỗ trợ bao nhiêu, như thế nào, có bù đắp được những thiệt hại là điều người chăn nuôi lợn vẫn còn lo lắng. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Các ngành liên quan phối hợp thực hiện trong công tác vận chuyển, kiểm soát giết mổ, thông tin, tuyên truyền để người dân yên tâm tiêu dùng thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ổn định tâm lý cho người nông dân. Đồng thời, Sở Tài chính sớm nghiên cứu mức hỗ trợ phù hợp và cân đối nguồn tài chính, sớm thực hiện cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]