(vhds.baothanhhoa.vn) - Mất thị trường truyền thống, loay hoay vượt qua giai đoạn khủng hoảng, người ta vẫn thấy cây cói và sản phẩm từ cói được duy trì, gìn giữ, âm thầm phát triển. Dẫu có những con người đã, đang và sẽ gắn bó với cói bằng cả tâm và tầm để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng con đường đi cho cây cói và sản phẩm từ cói vẫn đang mập mờ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển cây cói truyền thống Nga Sơn (Bài 2): Khó ở khâu xúc tiến thương mại

Mất thị trường truyền thống, loay hoay vượt qua giai đoạn khủng hoảng, người ta vẫn thấy cây cói và sản phẩm từ cói được duy trì, gìn giữ, âm thầm phát triển. Dẫu có những con người đã, đang và sẽ gắn bó với cói bằng cả tâm và tầm để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng con đường đi cho cây cói và sản phẩm từ cói vẫn đang mập mờ.

Từ chuyện một doanh nghiệp vượt khó sau khủng hoảng

Giai đoạn những năm 1990 vẫn là khoảng thời gian đen tối kinh hoàng đối với người dân và đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng cói, trong đó chủ yếu là sản phẩm chiếu cói. Nếu trước đó, tất cả các sản phẩm chiếu cói làm ra tại Nga Sơn đều được dồn cho thị trường xuất khẩu Đông Âu và Liên Xô cũ, thì sự biến động chính trị ở khu vực này cũng là dấu chấm hết bất ngờ đầy nghiệt ngã cho mặt hàng chiếu cói. Giá của mỗi sản phẩm đã giảm đến hơn 10 lần, nhưng việc tiêu thụ vẫn vô cùng chậm chạp. Hàng tấn sản phẩm chất trong kho các HTX vô thời hạn. Người dân nản lòng, không còn mặn mà với cây cói, thậm chí cói đến vụ thu hoạch cũng đành để hư hỏng. Lác đác diện tích trồng cói được chuyển sang cấy lúa, song không hiệu quả vì đặc thù thổ nhưỡng.

Sinh ra, lớn lên và trưởng thành cùng với cây cói, bà Trần Thị Việt, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang vẫn không quên được khoảng thời gian khủng hoảng cách đây gần 20 năm. Ngày ấy, nhờ một công ty xuất khẩu của Thái Bình mà cơ sở sản xuất của bà tìm được đầu ra cho những sản phẩm tồn kho, xuất sang Hàn Quốc. Rồi sau đó là thị trường Trung Quốc - một thị trường lớn, dễ tính song thiếu ràng buộc, không ổn định. Đó là khi thị trường đang khan hiếm thì hàng hóa được thu mua ồ ạt, giá cao. Còn khi nhu cầu đã tạm ổn thì mọi bất lợi bị dồn về phía người sản xuất và doanh nghiệp Việt. Bởi vậy, trước đây có tới gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cói sang Trung Quốc tại Nga Sơn, giờ đây chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi.

Và Doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang được xem là một trong những đơn vị tiên phong dám rút lui và dần từ bỏ thị trường nhiều rủi ro bên kia biên giới phía Bắc.

Nhưng rút khỏi thị trường dễ tính Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ những thứ dễ dãi vốn có. Bắt đầu từ các sản phẩm chiếu truyền thống nhưng thị trường mới đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm. Song với kinh nghiệm, tay nghề lâu năm của những nghệ nhân dệt chiếu, xe lõi, dóc quại đã chinh phục hoàn toàn sự khó tính của thị trường mới. Cùng với đó là việc chuyển hướng sang những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, mới lạ cũng từ nguyên liệu cói: thảm ngồi, lồng đèn; giỏ xách; vật dụng gia đình... những sản phẩm trang trí bắt mắt, tinh xảo. Và đây được xem là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của doanh nghiệp.

Sau gần 20 năm thành lập, đến nay các sản phẩm chiếu cói và mỹ nghệ từ nguyên liệu cói của doanh nghiệp này đã đến được với thị trường 13 nước trên thế giới: Mỹ; Nhật; Bỉ; Hàn Quốc; Anh; Đức... với doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Được biết, ngoài bao tiêu nguồn nguyên liệu của nông dân thì doanh nghiệp này còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm mỹ nghệ từ nguyên liệu cói của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ; Nhật...

Chia sẻ về tâm huyết, thăng trầm và thành quả hiện tại, bà Trần Thị Việt, Giám đốc công ty trải lòng: “Từ 6 tuổi đã theo cha mẹ ra đồng cói thu hoạch, đến nay ở tuổi gần 70, hơn 60 năm lớn lên, gắn bó, sống với cây cói không cho phép tôi từ bỏ cây trồng truyền thống của cha ông mình. Tất cả những khó khăn từ sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ, lãi suất ngân hàng đến hạn... đã khiến doanh nghiệp không ít phen lao đao. Tuy nhiên, khi cố gắng kiên trì và dốc tâm với nghề thì chắc chắn nghề sẽ không phụ mình”.

Bà chủ doanh nghiệp này còn chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Trang tìm kiếm được thị trường mới là nhờ sự giúp sức của con gái Mai Thị Anh Đào. Với vốn ngoại ngữ cơ bản, lại tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, cô đã giúp mẹ thuận lợi trong việc trao đổi, giao thương, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài khó tính.

Cái khó nằm ở khâu xúc tiến thương mại

Với kinh nghiệm của doanh nghiệp sản xuất chiếu cói và sản phẩm mỹ nghệ từ cói, bà Trần Thị Việt, Giám đốc doanh nghiệp Việt Trang cho rằng: Cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp nói chung và cói nói riêng nằm ở khâu xúc tiến thương mại. Bởi phần lớn các doanh nghiệp đều sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, hạn chế trong việc giao tiếp, giao thương, trao đổi với đối tác nước ngoài. Nếu giải quyết được cái khó này, chắc chắn việc tìm kiếm, mở rộng thị trường mới của các doanh nghiệp sẽ đơn giản, thuận lợi hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, ông Trần Ngọc Quyết cho biết: Ngoài những chính sách hỗ trợ trồng cói thì những năm gần đây, huyện Nga Sơn còn có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất chiếu cói và sản phẩm từ cói. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tại Cụm công nghiệp Tam Linh (xã Nga Mỹ và Nga Văn) sẽ được huyện hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là 20% kinh phí mua máy dệt chiếu mới và đưa vào sản xuất ổn định đối với doanh nghiệp (không quá 20 triệu đồng/máy); hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo một phần kinh phí khi đầu tư mua máy xe lõi mới (không quá 600 nghìn đồng).

Phải khẳng định rằng, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của huyện Nga Sơn thời gian qua đã kịp thời động viên, khuyến khích để người dân, doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong gìn giữ, phát triển cây cói truyền thống.

Được biết, trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay, tại cụm làng nghề liên xã - thị trấn có 5 doanh nghiệp được đánh giá có hoạt động sản xuất, kinh doanh cói khá hiệu quả như: Công ty Hoàng Long; Công ty CP Thương mại Xuất khẩu chiếu cói Nga Sơn... song số lượng doanh nghiệp không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở rộng sang thị trường xuất khẩu khó tính ở phương tây và Châu Á thì rất ít ỏi.

Là một cây trồng truyền thống, sản phẩm truyền thống gắn với mảnh đất và con người Nga Sơn, cây cói và sản phẩm từ cói từng có một thời làm nên cuộc sống ấm no của hàng nghìn hộ dân. Liệu có phải cái khó nhất, sự bấp bênh của những sản phẩm từ cói hiện nay ở Nga Sơn nằm ở khâu xúc tiến thương mại, hay còn nhiều nguyên nhân khác. Và đâu sẽ là bài toán để giải quyết căn cơ, gỡ khó cho sản phẩm từ cói, giúp hàng nghìn hộ dân Nga Sơn có thêm thu nhập?

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]