(vhds.baothanhhoa.vn) - Khát vọng đưa những sản phẩm từ cói Nga Sơn vươn đến khắp năm châu vẫn là nỗi lòng đầy trăn trở của những con người tâm huyết với cói. Nhưng để vượt qua khó khăn trước mắt, cây cói và sản phẩm từ cói sẽ phải cần đến sự nỗ lực vào cuộc thực sự của không riêng các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển cây cói truyền thống Nga Sơn (Bài cuối): Để cói vươn xa

Khát vọng đưa những sản phẩm từ cói Nga Sơn vươn đến khắp năm châu vẫn là nỗi lòng đầy trăn trở của những con người tâm huyết với cói. Nhưng để vượt qua khó khăn trước mắt, cây cói và sản phẩm từ cói sẽ phải cần đến sự nỗ lực vào cuộc thực sự của không riêng các doanh nghiệp.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu

Được xem là “ông lớn” trong ngành sản xuất cói ở Nga Sơn nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, Doanh nghiệp Hoàng Long (Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Hoàng Long) có trụ sở chính đóng trên địa bàn thị trấn Nga Sơn mỗi năm thu nhập tới hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp này đã thu về hơn 45 tỷ đồng nhờ các đơn hàng xuất khẩu cói thủ công mỹ nghệ với đối tác châu Âu, Nhật Bản...

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là hiện tại, mối lo của doanh nghiệp lại nằm ở nguồn nguyên liệu. Lý giải về điều này, ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc công ty cho biết: Nga Sơn không phải địa phương duy nhất trồng cói trên địa bàn tỉnh, nhưng cói Nga Sơn luôn được đánh giá cao về chất lượng. Như năm 2016, đã có thời điểm doanh nghiệp đã phải mua nguyên liệu cói đẹp trồng ở Nga Sơn với giá 62 triệu đồng/tấn, trong khi đó cói nguyên liệu đại trà hoặc trồng ở các vùng khác có giá trung bình chỉ khoảng 20 triệu/tấn. Giá thành tuy cao nhưng nguồn cung nguyên liệu cói trên địa bàn huyện vẫn không đủ cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Đó là bởi nguyên do diện tích trồng cói đã và đang bỏ hoang ngày càng lớn. Từ vị thế vựa cói lớn của tỉnh thì đến nay tổng diện tích trồng cói của Nga Sơn chỉ còn khoảng 800 ha.

Cũng theo ông Dương Anh Tuấn, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành cói Nga Sơn thì không thể chậm trễ trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định. Vấn đề này nếu được giải quyết không chỉ giúp bảo tồn cây cói “đặc sản”, giúp người dân ổn định sản xuất mà còn hỗ trợ doanh nghiệp một phần không nhỏ. Còn nếu không sớm tính toán vấn đề vùng nguyên liệu thì không thể nói đến những câu chuyện vươn xa, bay cao khác được.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói đã mang về cho Doanh nghiệp Hoàng Long doanh thu hơn 45 tỷ trong năm 2016.

Những khó khăn về xúc tiến thương mại, nguồn nguyên liệu, nguồn lao động, thiếu vốn... rõ ràng không phải bài toán của riêng các doanh nghiệp cói lớn như Hoàng Long hay Việt Trang. Nó là mối bận tâm của rất nhiều các doanh nghiệp vẫn đang âm thầm theo đuổi khát vọng đưa sản phẩm cói Nga Sơn vươn xa.

Cần đến những kế hoạch cụ thể, dài hơi

Đánh giá về những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cói và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cói trên địa bàn huyện Nga Sơn, ông Nguyễn Hữu Thọ, chuyên viên (phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Nga Sơn) cho biết: Thói quen “dễ làm, khó bỏ”, thiếu sáng tạo, thiếu kiên trì của người lao động đã làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ý thức sản xuất hàng hóa, nhận thức thông tin thị trường của các doanh nghiệp, người lao động còn nhiều bất cập. Cùng với đó, số doanh nghiệp trong làng nghề phần lớn theo truyền thống “cha truyền, con nối” năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh còn hạn chế, thiếu vốn, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm chưa thực sự chủ động còn phụ thuộc... do vậy chi phí giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Cói không chỉ là cây trồng truyền thống mà còn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Nga Sơn. Bởi vậy, huyện Nga Sơn đã và sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung vào công tác thâm canh, cải tạo diện tích cói hoang hóa...

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương Thanh Hóa) cho biết: Hàng năm trung tâm đều có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất. Cụ thể, năm 2016, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang 50% giá trị máy sấy (200 triệu đồng). Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, như Hồng Kông; Nhật Bản; Trung Quốc... tuy nhiên, sự hỗ trợ mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ thực tế yêu cầu của các doanh nghiệp với tính chất kết nối cung cầu.

Nói về câu chuyện đào tạo dạy nghề cho người dân địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, ông Phong cũng lý giải, hầu hết các chương trình hỗ trợ dạy nghề cho người lao động trước đây chỉ có thời gian khoảng 3 tháng nên trình độ tay nghề của người lao động vẫn còn khá “thô”. Để có thể sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo yêu cầu thì đòi hỏi phải là trình độ tay nghề cao, tinh xảo.

Rõ ràng, cói là cây trồng “đặc sản” trời cho, với truyền thống, thế mạnh của hàng trăm năm sản xuất và đang có sự trăn trở từ cả người dân và doanh nghiệp. Không lẽ gì, cói Nga Sơn lại không thể giành lại thời “hoàng kim”. Chỉ có điều, để làm được điều đó, thực sự phải cần đến sự vào cuộc, dốc lòng và quyết tâm thực sự từ nhiều phía.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Hoàng Xuân Phong: Vấn đề khó khăn trong sản xuất kinh doanh cói trên địa bàn trách nhiệm chính phải thuộc về phía huyện Nga Sơn, vì đây là ngành kinh tế truyền thống, mũi nhọn, gắn liền với đông đảo người dân. Đã đến lúc huyện Nga Sơn cần có định hướng tổng thể cho việc phát triển ngành cói một cách chuyên nghiệp, như chú trọng đến vấn đề công nghệ, đầu ra cho sản phẩm... Để giải quyết được những vấn đề đó, có lẽ cần xây dựng một đề án cụ thể với tầm nhìn dài hơi. Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Và đưa cói thực sự trở thành kinh tế mạnh bền vững của huyện.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]