(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa hiện nay được xem là hướng làm ăn mới, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển mô hình cá lúa ở vùng trũng thấp

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa hiện nay được xem là hướng làm ăn mới, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Hướng đi từ việc trồng lúa kết hợp nuôi cá

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Quảng Xương. Hầu hết những diện tích này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, nhưng cũng không ăn chắc nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, bình quân thu nhập chỉ đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/năm.

Những năm gần đây, việc trồng lúa kết hợp nuôi cá đang được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng. Xét trên nhiều phương diện thì lợi ích mang lại từ mô hình này đã giúp cho việc giảm sâu bệnh hại lúa, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại cho môi trường, giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá.

Chúng tôi về thăm xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc), là một trong những xã đang áp dụng rất thành công mô hình này. Những năm qua, để khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi thủy sản phát triển Vĩnh Tân đã tăng cường công tác quản lý giống và áp dụng các biện pháp KHKT vào sản xuất, đưa năng suất cá - lúa xen canh tăng cao; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả; phối hợp với các ngành chức năng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cung ứng giống, kỹ thuật cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập trung hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, và hộ dân... Từ năm 2017, trên địa bàn xã có 20 hộ dân đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 60 ha diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng trũng thấp trồng 1 vụ lúa sang thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá. Sau chuyển đổi, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích được nâng lên đáng kể, trung bình 1 ha đạt giá trị từ 70 đến 100 triệu đồng.

Qua trao đổi, một số chủ hộ tham gia mô hình này cho biết, trước đây gia đình cũng thử trồng lúa kết hợp đào ao thả cá nhưng vì không có kỹ thuật, sản xuất tự phát nên hiệu quả không cao. Cá thu hoạch xong phải tự đem ra chợ bán và nhiều khi tiêu thụ chậm, chấp nhận lỗ. Khi thực hiện mô hình lúa - cá theo quy trình kỹ thuật mới cho sản phẩm cá́ sạch, tiêu thụ hết. Thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Sản lượng lúa gạo thu được cũng rất ổn định do sử dụng giống đảm bảo dưới sự tư vấn của cán bộ khuyến nông.

Mô hình kết hợp giúp dân không phải bỏ ruộng

Nông Cống vốn là huyện có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng, chỉ sản xuất được 4 tháng của vụ Chiêm xuân, còn lại 8 tháng đành bỏ ruộng, nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của phòng NN&PTNT một số xã như Thăng Long, Tế Lợi, Trung Chính, Minh Nghĩa... có diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng, đã tích cực cải tạo mặt ruộng theo tỷ lệ sử dụng 20% diện tích đất mặt ruộng để đào ao, đắp bờ nhằm chuyển đổi diện tích đất sâu trũng trồng 1 vụ lúa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá.

Mô hình cá lúa ở vùng trũng xã Tế Lợi (Nông Cống) hàng năm cho thu nhập cao.

Theo đó, các xã được chỉ đạo đã thực hiện tích tụ đất đai, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân triển khai thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá. Năm đầu tiên thực hiện, toàn huyện đã có hơn 200 ha vùng sâu trũng được chuyển sang nuôi cá kết hợp trồng lúa. Đánh giá từ thực tế sản xuất cho thấy, sau khi thu hoạch, ngoài thu nhập từ cây lúa, 1 ha sản xuất còn cho 2 tấn cá/năm. Tổng giá trị sản xuất đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước khi chưa thực hiện chuyển đổi.

Nông Cống là vùng chiêm trũng, nếu chỉ trông vào cấy lúa thì luôn bấp bênh. Nhưng ngược lại nếu chuyển những vùng trũng thấp sang nuôi thủy sản thì lại rất thuận lợi. Do đó mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa là khả thi nhất, hiệu quả kinh tế có thể cao gấp 2-3 lần cấy lúa truyền thống.

Hơn nữa, việc nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giúp loại bỏ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá đảm bảo, an toàn và thơm ngon, sản phẩm của huyện được thương lái nhiều nơi tìm về thu mua ngay đầu bờ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Đồng Minh Quân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Cống, cho biết: Những năm trước, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa. Song nhiều diện tích trong vùng bị khô hạn, ngập úng khiến năng suất kém, thu nhập của người dân theo đó cũng bấp bênh. Vì vậy, huyện có chủ trương vận động bà con chuyển diện tích đất trồng lúa không thuận lợi sang đào ao để tích nước tưới và thả cá. Sau nhiều vụ cho thấy, trên cùng một diện tích đào ao thả cá mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Ước tính bình quân 1 sào nuôi cá mang lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm.

“Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi theo mô hình lồng ghép này để tận dụng tài nguyên đất đai sản xuất, góp phần xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường; nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Để tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn để bà con có thêm kiến thức về nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả cao nhất”, anh Quân cho biết thêm.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]