(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình trạng thiếu đất sản xuất, hoặc đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang là rào cản lớn trong việc mở rộng quy mô của nhiều HTX hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu đất sản xuất, nhiều HTX kêu khó

Tình trạng thiếu đất sản xuất, hoặc đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang là rào cản lớn trong việc mở rộng quy mô của nhiều HTX hiện nay.

Thiếu đất - khó sản xuất lớn

"Khó khăn lớn nhất là diện tích đất sản xuất ít ỏi, thời gian giao đất lại ngắn khiến HTX hoàn toàn không thể chọn cây trồng lâu dài, và các thành viên cũng không mấy mặn mà tham gia góp vốn chung nên dần hoạt động độc lập. Cũng chính vì vậy, HTX Nguyên Bình khó phát triển quy mô lớn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế". Đó là những khó khăn mà chị Trương Thị Thân - Giám đốc HTX Rau quả an toàn xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), cho biết.

Tìm hiểu sâu hơn về HTX rau quả an toàn xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), chúng tôi được biết: Năm 2017, trên cơ sở đấu thầu lại của xã 4ha đất sản xuất cộng thêm 1ha đất sẵn có HTX này đã đầu tư trồng thanh long ruột đỏ kết hợp trang trại và ao nuôi cá. Thực hiện mô hình này, mỗi năm trừ chi phí, HTX Nguyên Bình thu về được trên 300 triệu đồng. Mặc dù rất muốn mở rộng thêm diện tích đất sản xuất để xây dựng một khâu hoàn chỉnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nhưng việc tích tụ đất đai là điều không hề dễ dàng.

Một trong những cái khó khiến HTX này khó tích tụ ruộng đất đó là do nhiều người dân có tư tưởng sợ mất đất canh tác hoặc làm ruộng chỉ để giữ đất nên ngại giao đất cho HTX. Hơn nữa, để tích tụ ruộng đất cần rất nhiều vốn trong khi bản thân HTX lại không đủ khả năng.

Mặc dù HTX DV&TM Vân Sơn (xã Vân Sơn, Triệu Sơn) được đánh giá hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng theo Giám đốc HTX Phạm Văn Phương: Việc mở rộng diện tích đất sản xuất của HTX hiện nay là một cái khó, do còn vướng nhiều thủ tục.

Tích tụ ruộng đất hiện đang là vấn đề khó của HTX rau an toàn xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia).

Một vấn đề lớn khác là vốn ưu đãi hỗ trợ hiện nay rất khó tiếp cận. Vốn góp của xã viên không nhiều nên tài sản chung của HTX chỉ có giới hạn, do đó ngoài phần đất thuê lại của xã để phục vụ sản xuất, HTX phải chủ động liên kết với những hộ dân trên địa bàn xã trồng các loại cây vụ đông và thu mua nông sản.

Cách nào gỡ khó?

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, nông dân không sản xuất, hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng vẫn giữ lại ruộng đất để phòng cơ, chờ giải tỏa đền bù chứ không giao cho HTX, doanh nghiệp thuê. Trong khi đó, cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tích tụ ruộng đất hiện chưa có, phần lớn là tích tụ tự phát.

Tĩnh Gia cũng đang là huyện gặp nhiều khó khăn trong việc tích tụ đất đai. Ông Mai Xuân Châu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tĩnh Gia, cho biết: đất đai trên địa bàn huyện chủ yếu manh mún, không tập trung nên việc dồn điền đổi thửa gặp nhiều khó khăn. Sau khi các HTX được thành lập thực hiện tích tụ ruộng đất nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất với quy mô lớn tiếp tục bị “vướng”. Hơn nữa, việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất lại gặp những rào cản lớn từ chính sách đất đai hiện nay. Đó là quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013, nếu chưa sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân (không áp dụng đối với các tổ chức, HTX nông nghiệp) thuê với thời hạn không quá 5 năm để sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này với ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa, được biết: Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 992 HTX, trong đó có 605 HTX dịch vụ nông nghiệp, 91 HTX công nghiệp - TTCN, 40 HTX thương mại - dịch vụ, 8 HTX thủy sản, 14 HTX xây dựng, 25 HTX giao thông vận tải, 67 quỹ tín dụng nhân dân, 48 HTX dịch vụ điện, 10 HTX môi trường, 2 HTX sản xuất muối và 13 HTX khác. Hiện nay, việc thiếu quỹ đất là khó khăn lớn nhất để các HTX thực hiện tiêu chí 13 trong xây dựng NTM. Cụ thể như, HTX muốn hoạt động dịch vụ cung ứng phân bón cho các thành viên rất cần đất để xây dựng cơ sở vật chất, kho bãi. Hoặc HTX muốn mở rộng quy mô sản xuất thì phải có quỹ đất để sản xuất. Nhìn nhận lại vấn đề phải thừa nhận rằng, ở một số địa phương, lãnh đạo chưa thật sự quan tâm, đánh giá đúng yêu cầu phát triển HTX để tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở vật chất cho các HTX. Đặc biệt, ở một số nơi có tình trạng hình thành các hình thức tổ chức sản xuất nhằm mang tính đối phó để đạt tiêu chí số 13 mà chưa thấy hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sự cần thiết của HTX.

Để nâng cao hiệu quả của các HTX, nhiều ý kiến cho rằng, địa phương cần chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, quan tâm hình thành thêm nhiều HTX và coi các HTX này như những doanh nghiệp thực sự. Mặt khác, phải thấy rõ vai trò của HTX trong phát triển KT-XH địa phương; thường xuyên kiểm tra, xử lý và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vai trò của đội ngũ cán bộ phải thực sự tâm huyết, năng nổ để đưa chính sách đến với người dân, đến với HTX; từ thực tiễn hoạt động của địa phương, đơn vị cần đề xuất những cách làm phù hợp, tạo điều kiện phát triển cho các HTX.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]