(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học mới 2024-2025 đã đến với những hân hoan, đón chờ. Nhưng cùng với đó, cũng là những mong mỏi, hy vọng về những “nỗi buồn” đâu đó còn tồn tại trong ngành giáo dục sẽ được giải quyết. Để trường học thực sự là “thánh đường” của điều tốt đẹp.

Năm học mới: Hãy tạm biệt những “nỗi buồn cũ”

Năm học mới 2024-2025 đã đến với những hân hoan, đón chờ. Nhưng cùng với đó, cũng là những mong mỏi, hy vọng về những “nỗi buồn” đâu đó còn tồn tại trong ngành giáo dục sẽ được giải quyết. Để trường học thực sự là “thánh đường” của điều tốt đẹp.

Năm học mới: Hãy tạm biệt những “nỗi buồn cũ”Năm học mới bắt đầu với những hân hoan.

1. Hai vợ chồng đều làm công nhân, gia đình có 3 con đều đang tuổi đến trường, với tổng số tiền lương 15 triệu mỗi tháng, vợ chồng chị Hồng (phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) trang trải cho 5 người vốn đã không dư dả. Để chuẩn bị chi phí cho các con bước vào năm học mới, suốt nhiều tháng nay chị Hồng đã phải dành dụm, để ra được gần 20 triệu. Tuy nhiên, chị Hồng cũng lo lắng chia sẻ: Số tiền 20 triệu những tưởng là lớn, nhưng mua sắm cho các con vài bộ quần áo mới, rồi cặp, sách, giấy vở, đồ dùng học tập cũng đã hết một khoản kha khá. Rồi còn bao nhiêu khoản đóng góp nữa, chắc chắn là khó đủ... thôi thì xoay xở được tới đâu hay tới đó, nếu chưa đủ thì lại đi vay.

Câu chuyện xoay xở cho các con bước vào năm học mới của gia đình chị Hồng có lẽ cũng là nỗi lo chung của nhiều gia đình có con đi học. Bước vào năm học mới, tất cả mọi thứ sắm sửa đều phải dùng đến tiền. Rồi còn cả các khoản đóng góp đầu năm học cũng không ít. Chưa kể, còn cả các khoản đóng góp dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa ở nhiều trường học cũng khiến không ít phụ huynh chưa đồng thuận.

Những năm qua, cứ mỗi dịp đầu năm học mới, câu chuyện về các khoản đóng góp lại nóng lên. Dĩ nhiên là có nguyên do. Bên cạnh các khoản thu theo quy định thì các khoản đóng góp đầu năm được nhiều người ví như “ma trận”. Là bởi, giữa một danh sách rất dài các khoản thu, nhiều phụ huynh không khỏi “hoang mang”, thậm chí là “xây xẩm” mặt mày. Trong đó, đặc biệt là các khoản nói là xã hội hóa, rồi trên tinh thần tự nguyện nhưng kỳ thực, mấy học sinh có thể không nộp. Để rồi, dù muốn hay không, thì nhiều cha mẹ học sinh vẫn phải bấm bụng nộp cho con.

Chưa kể, để “hợp thức hóa” trong các khoản thu, đóng góp trên tinh thần xã hội hóa, tự nguyện thì nhiều nhà trường còn “mượn” danh nghĩa do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất, thậm chí đứng ra thu?!

Cứ như vậy, dù đã có các văn bản quy định rõ ràng về các khoản thu đầu năm học, song câu chuyện lạm thu vẫn không chỉ khiến phụ huynh bức xúc mà còn gây dư luận xấu trong xã hội.

Từ bao giờ, trường học vốn chỉ nên là nơi dạy và học, nơi tôn sư trọng đạo, nơi thầy cô mẫu mực, học sinh chăm ngoan, phụ huynh tôn trọng những người “đưa đò” giúp con mình trưởng thành, nên người... lại xảy ra những chuyện không hay liên quan đến tiền bạc.

2. Trường học vẫn được ví như “thánh đường” của những điều tốt đẹp. Đó không chỉ là nơi ươm mầm và phát triển; nơi dạy dỗ, bồi đắp đạo đức cho những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước; nơi để con trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và đặc biệt, đó là nơi mà những thầy cô sẽ là tấm gương về đạo đức, về cách ứng xử, làm người để học sinh noi theo.

Năm học mới: Hãy tạm biệt những “nỗi buồn cũ”Để trường học thực sự là nơi ươm mầm cho những điều tốt đẹp.

Trường học, không nên và không phải là nơi để những vụ việc đau lòng như bạo lực giữa thầy cô với học sinh xảy ra; không nên là nơi mà phụ huynh có những lời lẽ, hành động khiếm nhã với người dạy con mình để thị uy; không nên là nơi mà lãnh đạo nhà trường và thầy cô giáo có những mâu thuẫn, thậm chí là xô xát đáng xấu hổ; không nên là nơi mà những người được phụ huynh, học sinh tôn trọng lại sẵn sàng “ăn chặn” trên từng bữa ăn bán trú của con trẻ. Và tuyệt đối, không thể là nơi mà những “yêu râu xanh” dưới “bóng” người thầy quấy rối, xâm hại tình dục học sinh...

Người Việt xưa nay vẫn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nghề làm thầy vẫn được xem là nghề cao quý. Dù trong xã hội, nghề nghiệp chân chính nào cũng đáng được trân trọng, nhưng nghề làm thầy thì khác hơn, đó là nghề “trồng người”. Vậy dân gian mới có câu nói, đại ý: một thầy thuốc tồi chỉ giết chết một vài người bệnh, nhưng nếu một thầy giáo tồi có thể giết chết nhiều thế hệ. Vì thế, nghề làm thầy dĩ nhiên không chỉ đòi hỏi người theo nghề có học thức, kiến thức mà còn phải có một tấm lòng - tấm lòng đủ yêu thương những “mầm xanh” mà mình gieo trồng. Dẫu rằng, mỗi thầy cô giáo sẽ có những cách yêu thương học trò khác nhau, nhưng ta tin, những sự yêu thương chân thành sẽ luôn được thấu cảm.

Tôi vốn là một học sinh bình thường, cho đến tận những năm tháng vào đại học, tôi vẫn chỉ là một học sinh bình thường. Có lẽ, chẳng mấy thầy cô giáo còn nhớ đến tôi. Nhưng tôi thì khác, tôi nhớ về những người thầy, cô giáo đã “gieo” trong tôi những mầm tốt đẹp. Và đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời, vì đã cho tôi gặp được những người thầy đáng trân quý.

Một năm học mới đã bắt đầu, hy vọng rằng những điều xấu xí như “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục sẽ từng bước được ngăn chặn, loại bỏ. Để trường học, thực sự là “thánh đường” của những điều tốt đẹp.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]