Nâng cao nhận thức về bạo lực thể chất và giáo dục tích cực đối với trẻ em
Nhằm hướng tới cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc phản ứng nhanh, xử lý có hiệu quả, linh hoạt, bảo đảm an toàn đối với các quyền của trẻ em, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em (BTNKTTMC&BVQTE) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực mở các lớp tập huấn về các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em.
Lớp tập huấn "Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em” cho trẻ em Trường THCS Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do Tổ chức Terre des Hommes (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ. Dự án được tổ chức tại 15 xã thuộc các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa.
Tham gia lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em”, em Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 8A Trường THCS Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) cho biết: "Tham gia lớp tập huấn, em hiểu rõ hơn về các nhóm quyền của trẻ em như: quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia và quyền được phát triển; các dấu hiệu nhận biết khi bị bạo lực thể chất, rủi ro và hậu quả của bạo lực thể chất; cách phòng, chống bạo lực thể chất. Đồng thời, chúng em cũng được nêu lên những suy nghĩ của mình về tình trạng bạo lực thể chất hiện nay... Với những kiến thức tiếp thu được, em cùng các bạn sẽ là những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, người thân. Đây cũng là hành trang cần thiết để phòng, chống bạo lực đối với trẻ em tại cộng đồng".
Cũng tham gia lớp tập huấn dành cho các bậc làm cha, làm mẹ về phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em, anh Nguyễn Văn Vĩnh, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa), cho biết: "Qua lớp tập huấn, tôi được tìm hiểu, tiếp thu thêm rất nhiều kiến thức bổ ích như: hình phạt thể xác, hình phạt tinh thần đối với trẻ em là gì?, hậu quả pháp lý đối với những người thực hiện bạo lực thể chất đối với trẻ em, một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em... Từ đó, rút kinh nghiệm cho bản thân trong việc nuôi dạy con cái và cũng biết cách để tạo dựng cho con cái được lớn lên trong gia đình không có bạo lực thể chất".
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Hội BTNKTTMC&BVQTE đã mở 15 lớp tập huấn tại các xã, phường triển khai dự án, thông qua các lớp tập huấn, các giảng viên đã truyền đạt nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em, như: các giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em; trang bị các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ; nâng cao nhận thức của phụ huynh về quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em; tăng cường truyền thông, tư vấn trực tiếp cho trẻ em và gia đình; tuyên truyền về phương pháp giáo dục tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày; việc thay đổi các hành vi góp phần chống lại nạn bạo lực đối với trẻ em; tăng cường mối quan hệ và giao tiếp không bạo lực đối với trẻ em; xây dựng kỹ năng về kỷ luật không bạo lực...
Bà Châu Bá Thủy Thành, điều phối viên quốc gia Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em" khẳng định: “Trẻ em là đối tượng còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị xâm hại, bạo hành nên cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em của nước ta cũng khẳng định, trẻ em có quyền được bảo vệ và chăm sóc, quyền được sống trong môi trường lành mạnh, quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con trẻ. Do đó, để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực thể chất, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, hơn hết là phải bắt nguồn từ mỗi gia đình".
Bà Thành cũng cho rằng: Trước những tác động của xã hội hiện đại và nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan khác, tình trạng bạo lực thể chất đối với trẻ em, nhất là trong các gia đình vẫn đang diễn ra. Điều này, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em. Vì vậy, việc triển khai dự án tại Thanh Hóa sẽ đóng góp vào việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực thể chất thông qua việc tích hợp giáo dục cha mẹ không sử dụng bạo lực và áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực vào các cơ chế bảo vệ trẻ em. Chính sự hợp tác, phối hợp giữa chính quyền địa phương, cha mẹ/trẻ em đã được đào tạo và các cá nhân, các cơ quan, đoàn thể có liên quan được củng cố, phối hợp tốt và hoạt động hiệu quả trong cơ chế phát hiện, tiếp nhận thông tin, báo cáo, phản ứng kịp thời và có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả để giúp đỡ trẻ em bị bạo hành.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-01-04 12:11:00
Xuân trong trường học
-
2025-01-04 07:56:00
Tết ấm cho em: Đón tết trong những ngôi nhà mới
-
2024-12-27 16:46:00
“3 không” ở “ốc đảo” Muỗng
49 trường học được Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam 2024
Đầu tư vào giáo dục trực tuyến giảm mạnh trước sự trỗi dậy của AI
Hội đồng Anh thông báo mở đơn đăng ký Học bổng GREAT năm 2025
Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025
Cập nhật lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ của học sinh các địa phương
Học thêm và câu chuyện người lớn có đang “đánh cắp” tuổi thơ của con trẻ
Có cần thiết cho học sinh dùng điện thoại trên lớp?
Sẽ triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới ở 20 tỉnh, thành phố
Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT: Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học