(vhds.baothanhhoa.vn) - Chăm sóc người có công, thân nhân người có công với cách mạng không chỉ là nhiệm vụ chính trị - xã hội, mà còn là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các liệt sỹ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn không ít việc phải làm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngang dọc nỗi niềm tri ân (Bài 1): Nghĩa tình với người có công

Chăm sóc người có công, thân nhân người có công với cách mạng không chỉ là nhiệm vụ chính trị - xã hội, mà còn là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các liệt sỹ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn không ít việc phải làm.

Tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 329.824đối tượng người có công. Trong đó có 4.424 mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hiện còn 208 mẹ còn sống, hơn 56.000 liệt sỹ, gần 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, 16.625 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 2.000 cán bộ lão thành cách mạng, gần 600 cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 300 ân nhân cách mạng, gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, có trên 203.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế...

Tình cảm và trách nhiệm

Để giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, bảo đảm những người có cống hiến cho sự nghiệp cách mạng được xác nhận và thụ hưởng các chế độ quyền lợi. Hàng tháng đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 8 vạn người có công với tổng kinh phí trên 7.101 tỷ đồng với nguyên tắc chi trả đúng đủ, kịp thời chi trả tận tay người có công; chi trả trợ cấp cho hơn 78.000 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên với số kinh phí 129 tỷ đồng và chế độ đối với thân nhân người có công khoảng 19.000 người với tổng kinh phí gần 24.6 tỷ đồng. Điển hình trong công tác này là huyện Triệu Sơn, đã quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng kịp thời gian, đúng đối tượng cho 4.150 người có công với cách mạng, trung bình với số tiền gần 90 tỷ đồng/ năm. Hiện nay trên địa bàn huyện còn có 10 bà mẹ còn sống, các mẹ đều được động viên xây dựng nhà tình nghĩa và được Công ty Đường Lam Sơn và các tổ chức, các ngành, các hội đoàn thể phụng dưỡng suốt đời...

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” công tác thương binh liệt sỹ, chăm sóc người có công đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân sâu sắc, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công cách mạng.

Tại hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đã có nhiều tập thể cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo chia sẻ của ông Trương Đình Quế - Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Hoằng Hóa được biết: Toàn huyện hiện có 6.500 đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 459 mẹ Việt Nam anh hùng; 4.812 liệt sỹ, trong những năm qua, huyện luôn thực hiện đầy đủ, đúng quy định về chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Hướng dẫn và giải thích, phổ biến cho mọi người hiểu rõ nội dung, chính sách, bao gồm: Số tiền được hưởng trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ ưu đãi chăm sóc sức khỏe, ưu đãi về việc làm, dạy nghề, chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn...

Không chỉ huyện Hoằng Hóa mà rất nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, bằng nhiều việc làm thiết thực đã giúp cho đời sống của người có công ngày càng được nâng cao. Nhiều căn nhà tình nghĩa được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa mỗi năm; hàng nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công được trao tặng. Đến nay, hơn 98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” gần 85 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sỹ đi thăm viếng mộ liệt sỹ, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó đã vận động 908 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa của người xứ Thanh, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc.

Tiếp thêm động lực cho người có công

Bên cạnh việc công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đối với người có công và thân nhân; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ cũng đã được chú trọng. Tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư nâng cấp xây dựng, sửa chữa các nghĩa trang và đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Hiện, nhiều nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh có đầy đủ các hạng mục. Toàn tỉnh hiện có 740 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sỹ, 368 nhà bia ghi tên liệt sỹ, 89 tượng đài liệt sỹ, 30 nghĩa trang liệt sỹ, đã quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ trên 10.000 mộ liệt sỹ và gần 2.000 mộ liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang dòng họ. Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định thông tin mộ liệt sỹ đạt kết quả ngày càng nhiều hơn. Trong 5 năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 50 hài cốt liệt sỹ trong nước và 209 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN đã lấy và phân tích mẫu ADN, trả lại tên cho liệt sỹ về với thân nhân. Những việc làm cụ thể đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhiều gia đình, người cha, người mẹ, người vợ và thân nhân ngày đêm đợi chờ.

Tháng 7 là tháng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tri ân người có công với cách mạng. Với những việc làm cụ thể, thiết thực hướng về các gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công... đã thể hiện trách nhiệm, tình thương và sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điều đó tiếp thêm động lực để các gia đình chính sách vươn lên, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]